Nghệ An: 10 năm không được canh tác trên chính đất của mình

Phan Mỹ Hà Thứ bảy, ngày 24/08/2019 08:18 AM (GMT+7)
Dù đang giữ trong tay “sổ lâm bạ” và các hồ sơ liên quan đến việc nhà nước giao đất rừng theo Nghị định 02 của Chính phủ, thế nhưng hơn 70ha rừng của người dân ở xóm Cầu, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã bị nhiều hộ dân khác xâm chiếm.
Bình luận 0

Bỗng dưng mất đất canh tác

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Đình Tứ (sinh năm 1963, trú tại xóm Cầu, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) kể: "Năm 1998, gia đình tôi cùng 10 hộ dân trong xóm gồm ông Nguyễn Đình Nhị, ông Lê Văn Hán, ông Nguyễn Đình Chiên, bà Lê Thị Triển, ông Nguyễn Phương Nam, ông Nguyễn Đức Thuận, ông Nguyễn Đình Phương, ông Lê Văn Quân, ông Lê Văn Ảnh và ông Lê Văn Châu đã được UBND huyện Nghĩa Đàn giao đất lâm nghiệp để trồng rừng với tổng diện tích 73,3ha.

Trong thời gian đầu, các hộ dân thống nhất bảo vệ, chăm sóc cây chờ đến khi có sản lượng mới khai thác, trồng mới. Vậy nhưng, bắt đầu từ năm 2010, một số hộ dân thuộc xóm 7, xóm 12 và xóm 13 xã Nghĩa Hội đã vào khu vực rừng của chúng tôi phát dọn, canh tác, trồng cây lâu năm và cây hoa màu. Khi phát hiện sự việc, chúng tôi ra sức ngăn cản nhưng bất thành. Chúng tôi có báo lên chính quyền địa phương xã, huyện để được bảo vệ quyền lợi, song sự việc yên ắng được một thời gian, sau đó lại tiếp diễn”.

“Gần đây, chúng tôi lên rừng của mình còn bị họ đẩy đuổi. Đỉnh điểm, một số người còn manh động lật chiếc máy xúc của ông Nguyễn Phương Nam xuống suối khi ông Nam đang dọn thực bì” - ông Tứ bức xúc.

img

Đại diện cho 11 hộ dân ở xóm Cầu trình bày với phóng viên. 

Tìm hiểu của phóng viên, từ năm 1998, UBND huyện Nghĩa Đàn đã thực hiện việc giao hơn 70ha đất rừng tại địa bàn xã Nghĩa Thọ cho người dân xóm Cầu quản lý, sử dụng. Hiện, các hộ được nhà nước giao đất vẫn còn lưu giữ sổ giao đất lâm nghiệp, trong cuốn số này được ghi rõ tên, địa chỉ chủ đất, diện tích đất, ranh giới tiếp giáp và quyết định giao đất của Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn lúc bấy giờ, đồng thời cuốn sổ trên cũng quy định rõ quyền, nghĩa vụ của chủ đất. 

img

Mặc dù có sổ lâm bạ trong tay, nhưng vẫn bị tước quyền canh tác.

Ông Nguyễn Đình Nhị, người dân xóm Cầu nói: “Trong khi chúng tôi đang có các hồ sơ, giấy tờ thể hiện được nhà nước giao đất rừng theo quy định của pháp luật thì những người dân bên xã Nghĩa Hội đi chiếm đất không có bất cứ một giấy tờ hay thủ tục hồ sơ nào khác cả, vậy mà 10 năm nay chúng tôi đã không được canh tác trên đất được giao đó có vô lý không. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền vào cuộc xử lý triệt để vì dây dưa quá lâu rồi”.

img

70ha đất lâm nghiệp được giao cho người dân xóm Cầu, xã Nghĩa Thọ, Nghĩa Đàn (Nghệ An) bị chiếm dụng vô lý hơn 10 năm nay. 

Ông Ngô Đình Hợi - Xóm trưởng xóm 7 (xóm Vinh Quang) cho hay: "Các hộ dân ở xã Nghĩa Hội xâm canh đất ở xã Nghĩa Thọ hiện không có bất cứ giấy tờ gì. Hiện người dân trong xóm đã cắt cử người lên đó canh gác, không cho người lạ vào phá hoại tài sản nữa".

Xã lúng túng?

Trao đổi sự việc trên với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ, cho biết: “Sự việc người dân xóm Cầu phản ánh như trên là có thật. UBND xã Nghĩa Thọ và UBND xã Nghĩa Hội cũng đã vào cuộc xử lý, hòa giải hai bên nhưng bất thành. Cụ thể, đất rừng các hộ dân nói trên được giao vào năm 1998, theo nghị định 02 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại thời điểm giao đất, các hộ dân trên địa bàn và dân xã Nghĩa Hội canh tác trên các diện tích đất này theo hình thức “du canh, du cư”, canh tác vài vụ, họ lại chuyển đến vùng đất khác. Do vậy, khi được giao đất, người dân xóm Cầu vẫn để cho những người “du canh, du cư” tiếp tục canh tác, hết mùa vụ thì lấy lại đất. Tuy nhiên, sau đó người dân xóm Cầu không phát rừng để trồng trọt mà vẫn để nguyên rừng bảo vệ, chăm sóc”.

“Từ khi nhà máy chế biến gỗ MDF ở xã Nghĩa Hội đi vào hoạt động, người dân các xóm 7, xóm 12 và xóm 13 Nghĩa Hội quay sang phát sẻ rừng để trồng keo, cây công nghiệp. Từ đây tranh chấp lên tới đỉnh điểm" - Phó Chủ tịch Thuận cho hay.

img

Ông Nguyễn Đức Thuận - PCT UBND xã Nghĩa Thọ xác nhận với phóng viên về sự việc.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội cho hay: “UBND xã Nghĩa Thọ và UBND xã Nghĩa Hội cũng đã làm việc với nhau 3 buổi nhưng chưa thống nhất được nội dung. Những người dân các xóm 7, xóm 12 và xóm 13, xã Nghĩa Hội cho rằng, diện tích đất họ xâm canh là do cha ông họ khai hoang từ xưa để lại nên họ tiếp tục canh tác dù chưa đưa ra được giấy tờ pháp lý".

Vụ việc mâu thuẫn giữa những người dân hai khu vực trên xảy ra lâu dài, dai dẳng, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an ninh nông thôn. Đề nghị huyện Nghĩa Đàn vào cuộc quyết liệt, phân định đúng sai về pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho người liên quan.

"Năm 2016, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện nhận được văn bản giao việc của Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn về tranh chấp đất đai ở xã Nghĩa Thọ. Phòng đã hướng dẫn cho chính quyền địa địa phương xã Nghĩa Thọ và xã Nghĩa Hội tổ chức họp dân hai bên, tuyên truyền vận động các bên hòa giải theo quy định của Luật Đất đai. Trường hợp nếu việc hòa giải không thành, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân làm đơn khởi kiện ra tòa án theo Điều 202 và Điều 203 về tranh chấp trong đất đai theo Luật Đất đai" - ông Lê Viết Phú - Trưởng phòng Phòng TNMT huyện Nghĩa Đàn.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem