Nghệ An: Nuôi cá đặc sản ở hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ, bắt toàn con to bự, hễ bán là hết

Thắng Tình Thứ bảy, ngày 08/06/2024 05:27 AM (GMT+7)
Trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ, người dân xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An đầu tư nuôi cá đặc sản như: cá leo, cá trắm, cá lăng, cá ghé. Con nào con nấy to bự, thịt cá dai, thơm ngon, ăn ngọt nên hễ nói bán là hết ngay.
Bình luận 0

Nuôi cá đặc sản trên lòng hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ

Thủy điện Bản Vẽ là đập thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ với dung tích hồ chứa lên đến 1,83 tỷ m3 nước. Tận dụng diện tích vùng lòng hồ rộng lớn nhiều người dân ở huyện Tương Dương đã đầu tư vốn và học tập kỹ thuật nuôi cá lồng.

Nghệ An: Nuôi cá đặc sản ở hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ, bắt toàn con to bự, hễ bán là hết- Ảnh 1.

Ông Lô Văn Liên ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đến lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ nuôi những loài cá đặc sản. Nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ, gia đình ông Liên có thu nhập ổn định. Ảnh: P.T

Tại đây, người dân nuôi những loài cá đặc sản như: cá lăng, cá leo, cá trắm, cá nghé. Môi trường thuận lợi nên các loài cá sinh trưởng rất nhanh, con nào cũng to bự, thịt dai, ngon, ngọt được thị trường rất ưa chuộng.

Ông Lô Văn Liên (trú tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) cho biết, năm 2018, gia đình ông quyết định xuống lòng hồ, dựng nhà nổi để làm kinh tế. 

Đây cũng là thời điểm, UBND huyện Tương Dương có chủ trương khuyến khích mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện. Gia đình ông Liên đăng ký 9 lồng cá bằng sắt, mỗi lồng ông được địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng.

Những chiếc lồng sắt được ông Liên kết lại quanh khu vực nhà nổi mà gia đình sinh sống, mỗi lồng 100 con cá giống. Vợ chồng ông còn đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Liên chia sẻ, nuôi cá lồng không mất nhiều công sức, không phải mua thức ăn nên ít chi phí. 

Buổi chiều hàng ngày, ông Liên thường đi thả lưới trong các khe suối bắt các loại cá nhỏ, đến sáng hôm sau mang về làm thức ăn cho cá. Riêng cá trắm ăn các loại rau rừng, cây chuối. Nguồn thức ăn cho cá trắm rất dồi dào.

Nghệ An: Nuôi cá đặc sản ở hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ, bắt toàn con to bự, hễ bán là hết- Ảnh 3.

Ông Lô Văn Liên ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, nước thủy điện Bản Vẽ sạch nên cá phát triển nhanh, thịt dai, ngon, ngọt được thị trường ưa chuộng. Ảnh: P.T

"Nước hồ thủy điện rất sạch, nhiều loài sinh vật phù du nên cá phát triển giống như sống ngoài tự nhiên.. Nhờ nuôi cá lồng mà gia đình tôi thoát được cái đói, cái nghèo", ông Liên cho biết thêm.

Sau 6 đến 7 tháng nuôi, cá sẽ đạt trọng lượng từ 3 đến 4kg. Năm đầu tiên, nuôi được con cá đã khó nhưng bán được cá cũng là một vấn đề khá nan giải. 

Vợ chồng ông Liên phải đi chào hàng ở các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thực phẩm ở thị trấn Hòa Bình, thành phố Vinh.

Sau khi dùng thử, các nhà hàng đều đánh giá rất cao chất lượng cá được nuôi trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Thịt cá dai, thơm, ngon, ngọt được nhiều người biết đến. Từ đó thương lái tự tìm đến tận nơi để mua.

Ông Liên bán cá trắm, cá leo với giá 100.000 đồng/kg. Trong khi hai loài cá đặc sản là: cá lăng và cá ghé có giá 200.000 đồng/kg. Với 9 lồng cá, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn trăm triệu đồng.

Nghệ An: Nuôi cá đặc sản ở hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ, bắt toàn con to bự, hễ bán là hết- Ảnh 5.

Nhiều gia đình phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, thuộc khu vực xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: P.T

Ở bến thượng lưu, ngoài vợ chồng ông Liên còn có 3 gia đình cũng nuôi cá lồng và có thu nhập ổn định. Ngoài ra, một số hộ còn tận dụng nhà nổi để kinh doanh thêm dịch vụ gửi xe, bán hàng tạp hóa…

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

Cách bến thượng lưu khoảng 10 phút đi thuyền, căn nhà nổi của gia đình bà Lương Thị Huynh (trú tại xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An) nằm giữa sóng nước mênh mông. Ở xung quanh nhà, vợ chồng bà kết 16 lồng để nuôi cá.

Theo bà Huynh, chất lượng cá tươi ngon nên thu hoạch đến đâu có thương lái mua đến đó, người dân không phải lo lắng về đầu ra. Bên cạnh đó, gia đình còn phục vụ thêm khách tham quan, du lịch trải nghiệm lòng hồ.

Trong thời gian tới, gia đình bà Huynh sẽ đề xuất lên chính quyền địa phương xin hỗ trợ thêm lồng để tăng gia sản xuất.

Nghệ An: Nuôi cá đặc sản ở hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ, bắt toàn con to bự, hễ bán là hết- Ảnh 7.

Những loài cá đặc sản đang nuôi trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ, con nào cũng to, thịt dai, ngon, ngọt. Thịt cá chất lượng thơm ngon nên dân hễ nói bán là hết ngay. Ảnh: P.T

Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, địa phương có gần 7.000ha mặt nước lòng hồ, đặc biệt có 2 thủy điện lớn là Bản Vẽ và Khe Bố. Đây là một trong những lợi thế để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đến nay toàn huyện Tương Dương có hơn 500 lồng cá các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Na, Hữu Khuông và Lượng Minh. Bình quân cho thu nhập mỗi lồng từ 25 đến 30 triệu đồng/năm.

Huyện Tương Dương đang xây dựng Đề án phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong thời gian tới, huyện Tương Dương sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã tiếp tục tăng cường phát triển mô hình này. Vừa nuôi cá lồng, vừa chế biến sâu để đưa sản phẩm ra thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem