Nghệ nhân thêu tranh "giàu" nhất làng Quất Động, có bức khách trả 500 triệu nhất quyết không bán

Trà Giang Thứ năm, ngày 15/04/2021 14:14 PM (GMT+7)
Vừa mới bước chân vào ngôi nhà cấp 4 của Nghệ nhân khuyết tật Hoàng Thị Khương tại làng thêu Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) tôi đã bị thu hút bởi hàng chục bức tranh thêu độc đáo được trưng bày kín cả gian nhà.
Bình luận 0

Vượt lên số phận nghiệt ngã

Sinh ra và lớn lên ở làng nghề thêu gia truyền, cô Hoàng Thị Khương (SN 1965) được tiếp xúc hàng ngày với nghề thêu tranh chính vì thế, niềm đam mê thêu tranh nối nghiệp gia đình đã thấm sâu trong cô từ bé.

Hoàng Thị Khương - Nghệ nhân thêu tranh khuyết tật giàu nghị lực - Ảnh 1.

Hình ảnh cô Hoàng Thị Khương đang say mê từng đường kim mũi chỉ thêu tranh Bác Hồ

Thế nhưng không may mắn như bao người khác, lúc ba tháng tuổi, cô Khương trải qua cơn sốt cao làm hai chân cô bị tàn phế vĩnh viễn. Trời lấy đi đôi chân của cô nhưng bù lại cô có một khối óc sáng suốt và đôi tay khéo léo. Năm lên 8, cô đã được mẹ dạy thêu những đường nét thêu đầu tiên. Cứ thế, cô tự mày mò thêu những bức tranh với nét độc đáo riêng. Đến năm 1996, cô đã tự thêu được những bộ Kimono của Nhật Bản. Chúng đẹp đến mức một vị khách Pháp đến xem đã đặt hàng ngay.

Đến năm 2013, cô mở Công ty TNHH Thuê Tranh Ảnh Cao Cấp Hoàng Thị Khương để tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật đồng cảnh ngộ.

Hoàng Thị Khương - Nghệ nhân thêu tranh khuyết tật giàu nghị lực - Ảnh 2.

Cô Khương cầm chiếc cúp giải Nhì cuộc thi thiết kế mẫu thành phố 2019 bên cảnh bức tranh "Sơn thủy hữu tình" trị giá 500 triệu đồng

Mỗi năm cô Khương đều chuẩn bị tác phẩm để dự thi cuộc thi thiết kế mẫu cấp thành phố. Năm 2019, cô đoạt giải Nhì cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thành phố Hà Nội. Cô tâm sự: "Giải thưởng là vinh dự của tôi cũng là  thỏa mong ước  từng bước đưa tranh thêu làng nghề Quất Động giới thiệu rộng rãi ra toàn quốc và thế giới".

Những tác phẩm của cô đã có cơ hội vươn ra thế giới qua Cuộc thi Inter Abilympics 2011 được tổ chức tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc và gần đây nhất là Hội thảo quốc tế về nghệ thuật hòa nhập có tên Sambhav 2019 dành cho người khuyết tật tổ chức tại Thủ đô Niu Đê-li (Ấn Độ).

Hoàng Thị Khương - Nghệ nhân thêu tranh khuyết tật giàu nghị lực - Ảnh 3.

Cô Khương (đứng thứ 2 bên trái sang) tại Hội thảo quốc tế về nghệ thuật Sambhav tại Niu Đê-li (Ấn Độ) (Ảnh: NVCC)

Những bức thêu của cô luôn được khách hàng đánh giá cao bởi cô là người tỉ mỉ, kiên trì và có niềm đam mê lớn với nghề thêu tranh nên sản phẩm của cô được nắn nót từng đường kim mũi chỉ. 

Bằng nghị lực chiến thắng tật nguyền, cô Khương luôn nỗ lực hết mình, nhiệt huyết với nghề để chứng minh cho công chúng biết tay nghề của người tật nguyền cũng chẳng thua kém gì người bình thường, hơn nữa còn có thể giỏi và lành nghề hơn cả người bình thường. Chính vì thế mà cô luôn được hàng xóm mến mộ và cảm phục.

Cái tâm với nghề thêu truyền thống

Những bức tranh thêu như những đứa con tinh thần mà cô Khương không bao giờ muốn rời xa, dù có những bức được trả giá rất cao, điển hình là bức "Sơn thủy hữu tình" được trả với mức giá 500 triệu đồng nhưng cô nhất quyết muốn giữ lại.

Cô coi những sản phẩm mình làm ra thể hiện tình yêu với cụ Tổ nghề thêu, tình yêu quê hương, dân tộc, chúng vô giá đối với cô. Nhiều người nghĩ cô gàn dở, cứ giữ khư khư những bức thêu ở nhà làm gì cho chật nhà, nhưng đâu ai nghĩ được rằng, cô làm vậy là để gìn giữ những sản phẩm giá trị và đẹp đẽ nhất để sau này còn giới thiệu cho khách đến tham quan. "Gìn giữ nhưng sản phẩm tâm đắc nhất của mình là cách để tôi gìn giữ làng nghề truyền thống mà cụ Tổ nghề để lại", cô Khương chia sẻ.

Không chỉ lo kế sinh nhai cho bản thân, cô Khương còn đau đáu giữ nghề, truyền nghề và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật. Đó là lý do mà cô thành lập công ty thêu của riêng mình. Cô nhiệt tình chỉ dẫn cho chị em cách thêu làm sao cho đúng, cho đẹp, cho hài hòa nhất.

Hoàng Thị Khương - Nghệ nhân thêu tranh khuyết tật giàu nghị lực - Ảnh 4.

Khung cảnh làm việc của chị em khuyết tật tại ngôi nhà cấp 4 - công ty TNHH Thêu Tranh Ảnh Cao Cấp Hoàng Thị Khương

Những người khuyết tật được cô nhận về làm có những khiếm khuyết khác nhau: người thì dị tật tay chân, người thì thiểu năng trí tuệ, nên năng suất làm việc cũng không bằng được người bình thường. Ấy vậy mà cô không chút than thở, nản chí bởi cô "coi họ như gia đình, đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ với mình". Cô tận tình hỗ trợ công nhân hết mình. Những chỗ làm sai, cô Khương lại cố gắng chỉ làm sao cho công nhân nhận ra lỗi sai của mình và sửa lại trong vui vẻ.

Những bức tranh công nhân chưa thể hoàn thành vì có nhiều công đoạn khó thì cô sẵn sàng hoàn thành nốt cho họ mà vẫn trả lương toàn sản phẩm cho họ. Cô tâm sự: "Họ bị khuyết tật mà, đáng thương lắm, nhiều khi làm không bằng người thường thì cô cũng phải thông cảm cho họ. Những người khuyết tật đã có nghị lực đi làm kiếm tiền để không trở thành gánh nặng cho gia đình thì đến những người bình thường khác còn chìa tay để giúp đỡ thì sao cô cũng là người khuyết tật như họ, cô lại không cho họ cơ hội cố gắng thể hiện bản thân, có thêm thu nhập".

Hoàng Thị Khương - Nghệ nhân thêu tranh khuyết tật giàu nghị lực - Ảnh 5.

Cận cảnh công nhân tại công ty cô Khương đang thêu tranh theo mẫu

Để giữ gìn làng nghề thêu Quất Động, cô còn mở thêm các lớp dạy nghề cho tất cả những ai có nhu cầu theo học. Không phân biệt tuổi tác, cô tận tình uốn nắn tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ cho học trò. Cô hướng dẫn học trò cách cầm kim, phối màu, tưởng tượng cảnh vật ra sao cho phù hợp với từng bức thêu... 

Cô chỉ dạy cho học trò tất cả nững kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp. Cô dạy học trò cần "phải kiên trì và tỉ mỉ mới sống lâu dài được với nghề thêu này". Tính đến nay, học viên của cô Khương đã lên tới gần 500 người kể cả người lớn, trẻ em và cả người khuyết tật ở nhiều tỉnh: Hà Nội, Hà Giang, Hà Tình, Quảng Ninh,...

"Tôi ước mong những du khách đến với làng nghề Quất Động có ông cụ Tổ nghề - người có công gây dựng làng nghề bao nhiêu năm sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm của người thêu khuyết tật cũng đẹp như thế này", cô Khương tâm sự "Tôi hy vọng trong tương lai, làng nghề thêu Quất Động sẽ ngày càng phát triển, tôi sẽ mở được một phòng tranh nho nhỏ trong làng, có nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa để trưng bày và đem ra bán cho thị trường trong nước và xuất khẩu".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem