Nghịch lý phụ nữ chấp nhận... bị chồng đánh

Diệu Linh Thứ ba, ngày 24/11/2020 07:38 AM (GMT+7)
Có đến 63% số phụ nữ Việt Nam đã từng bị chồng (bạn tình) gây bạo lực trong đời. Nhưng đáng lưu ý hơn cả, có một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ chấp nhận bị đánh.
Bình luận 0

Cứ 3 phụ nữ thì 2 chịu bạo lực gia đình

Theo Điều tra quốc gia lần 2 về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 vừa được công bố, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

Nghịch lý phụ nữ chấp nhận... bị chồng đánh - Ảnh 1.

Bạo lực đối với phụ nữ là hành vi không thể chấp nhận được (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

35,9% phụ nữ được hỏi cho rằng "Nam giới nên chứng tỏ vai trò là chủ". Thái độ này được thể hiện rõ hơn trong nhóm phụ nữ sống ở nông thôn (40,1%) so với nhóm phụ nữ thành thị (27,3%). 27% ủng hộ quan điểm cho rằng "người vợ tốt luôn phải nghe lời chồng kể cả khi bản thân không đồng ý". Phụ nữ nông thôn có quan điểm đồng thuận với ý kiến này cao hơn (32%) phụ nữ thành thị.

(Theo Điều tra quốc gia lần 2 về bạo lực

đối với phụ nữ năm 2019)

Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Ví dụ, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%). Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ.

Bà Hoàng Tú Anh - đồng Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP, nghiên cứu viên Điều tra quốc gia về BLGĐ 2019 nhận định, các số liệu cho thấy, tình trạng BLGĐ đối với phụ nữ Việt Nam còn khá phổ biến. Mức độ BLGĐ ở Việt Nam thì ở mức trung bình, tương đương với nhiều nước trên thế giới, cao hơn một chút so với một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia

Bà Tú Anh cho rằng, so với Điều tra quốc gia về BLGĐ 10 năm trước, tỷ lệ phụ nữ bị BLGĐ nói chung không thay đổi, thậm chí tỷ lệ bị BLGĐ trong 12 tháng qua còn tăng 2-3%. Tuy nhiên, tỷ lệ hình thức BLGĐ có vẻ có thay đổi khi BLGĐ thể xác giảm đi nhưng một số hình thức khác lại tăng lên như bạo lực tình dục. Điều này cho thấy có thể có sự gia tăng bạo lực tình dục nhưng cũng có thể do mọi người đã dám nói ra vấn đề tế nhị khi bị bạo lực tình dục. "Đây có thể xem là 1 đốm sáng trong bức tranh BLGĐ còn nghiêm trọng ở Việt Nam. Con số các vụ bạo lực tình dục gia tăng cho thấy có thể phụ nữ đã cởi mở hơn khi nói về vấn đề được xem là cấm kỵ trước đây" - bà Tú Anh nhận định.

Phụ nữ chấp nhận... bị đánh

Tuy nhiên, điều khiến bà Tú Anh lo ngại đó chính là tỷ lệ không nhỏ phụ nữ chấp nhận BLGĐ ở tình huống cụ thể.

"Tôi được phân công làm nghiên cứu định tính, tổ chức các cuộc phỏng vấn nhóm, phỏng vấn sâu. Khi mình hỏi về chồng đánh vợ thì hầu hết phụ nữ đều nói không thể chấp nhận được, chồng đánh vợ là rất xấu. 100% mọi người đều nhận thức BLGĐ là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đằng sau câu trả lời luôn có một chứ "nhưng": "Nhưng BLGĐ trong một số trường hợp lại chấp nhận được".

"Điều tra quốc gia cho thấy khoảng 50% số chị em chấp nhận bị chồng đánh trong một số trường hợp nhưng theo tôi, thực tế này còn cao hơn. Các câu chuyện thảo luận nhóm cho thấy suy nghĩ: "Chấp nhận bạo lực ở một số trường hợp" hằn rất sâu. Trong khảo sát hơn 45% phụ nữ cho rằng vợ ngoại tình thì chồng đánh là chấp nhận được, nhưng trong nghiên cứu định tính của chúng tôi thì tỷ lệ này cao hơn rất là nhiều. Cao đến mức tôi cảm thấy sững sờ, kinh ngạc khi ngồi trong những thảo luận nhóm" - bà Tú Anh cho hay.

Cũng theo bà Tú Anh: "Gần như 80-90%, thậm chí có thảo luận nhóm lên đến 100% đều nói rằng: "Trường hợp phụ nữ ngoại tình rất đáng đánh". Thậm chí, họ còn bảo: "Phụ nữ ngoại tình là quá hư. Ông chồng cô ta mà không đánh tôi còn xông vào đánh". Chúng ta có thể thấy những định kiến ấy rất là kinh khủng" - bà Tú Anh phân tích.

Để làm giảm bớt BLGĐ, theo bà Tú Anh, giải pháp cơ bản phải là thay đổi suy nghĩ của mọi người. "Chúng ta phải thay đổi suy nghĩ rằng: "Bạo lực là không được chấp nhận trong mọi tình huống, không có bất cứ chữ "nhưng" nào ở giữa. Người phụ nữ có quyền bình đẳng, có quyền đưa ý kiến của mình. Đây là điều rất quan trọng để làm thay đổi hành vi BLGĐ" - bà Tú Anh nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem