Ngồi chặt mít chín nuôi heo rừng, động vật phàm ăn, nông dân Sóc Trăng nhận lương 500 triệu/năm
Ngồi chặt mít chín nuôi một loài động vật phàm ăn, một nông dân Sóc Trăng "nhận lương" gần 500 triệu/năm
Thứ tư, ngày 19/06/2024 19:40 PM (GMT+7)
Nuôi heo rừng theo hình thức thả lan trong vườn rồi tận dụng các loại trái cây (trong đó có trái mít Thái) để làm thức ăn chăn nuôi, anh Nguyễn Tấn Đạt (33 tuổi) ở xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) có thu nhập gần nửa tỉ đồng mỗi năm.
Tham qua khu vườn rộng 2.000m2 của anh Nguyễn Tấn Đạt, phóng viên Lao động không khỏi bất ngờ khi phía trên những tán cây vú sữa, mít cho trái sum sê còn dưới đất là đàn heo rừng khoảng 200 con đang chạy tìm thức ăn.
Anh Đạt nhanh tay lấy một quả mít dạt (loại không đạt chuẩn) cắt thành từng miếng nhỏ để làm thức ăn cho heo. Đàn heo nhanh chóng chạy đến nơi có mít vừa được quăng ra.
Anh Đạt chia sẻ, heo rừng vốn có đặc tính sống hoang dã, việc thả lan trong vườn sẽ góp phần khôi phục lại môi trường sống tự nhiên, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh cho heo. Vì vậy, sau khi cho ăn trong chuồng xong, anh sẽ thả heo ra ngoài vườn để chúng vận động.
Theo anh Đạt, so với phương pháp nuôi bằng thức ăn công nghiệp hoặc nhốt chuồng thì nuôi bán hoang dã, thả lan trong vườn có không gian vận động, giúp heo lớn nhanh, thịt săn chắc, ngon hơn.
Anh Nguyễn Tấn Đạt (xã xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi heo rừng trong vườn cây ăn trái. Ảnh: Phương Anh
Ngoài ra anh còn tận dụng mít, ổi, xoài,.. trong vườn nhà để làm thức ăn cho heo.
“Việc dùng các loại thực phẩm trên cho heo rừng ăn giúp phần thịt heo ít mỡ, không hôi, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Nhờ đó, heo rừng lớn nhanh, thịt ngon hơn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Cách nuôi này cũng tiết kiệm chi phí đầu vào, mỗi con chỉ tốn vài nghìn đồng mỗi ngày”, anh Đạt nói.
Tận dụng trái cây (trong đó có trái mít Thái chín) làm thức ăn cho heo rừng giúp thịt heo ít mỡ, không hôi, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Ảnh: Phương Anh.
Cũng theo anh Đạt, việc nuôi heo rừng trong vườn cây ăn trái vừa góp phần tăng thu nhập, lại tận dụng phụ phẩm từ cây trồng làm thức ăn cho heo.
Nguồn phân thải từ heo trải qua quá trình xử lý cũng trở thành phân bón hữu ích bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt, mô hình này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư chuồng trại, thức ăn.
Thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm
Trò chuyện với phóng viên, anh Đạt cho biết, anh tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ Văn của một trường đại học ở tỉnh Hậu Giang.
Tuy nhiên, vốn có “máu” làm nông nên anh cất công đi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ các trang trại ở miền Tây, dần dần tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật.
Năm 2016, thấy mô hình nuôi heo rừng tiềm năng phát triển, lại sẵn có vườn nhà rộng rãi nên anh quyết định nuôi heo rừng theo mô hình bán hoang dã, cho ăn thức ăn có sẵn tại vườn và dễ tìm mua tại địa phương như khoai, mít, bã đậu nành…
Ban đầu, anh chỉ nuôi hơn 20 con. Nhờ kinh nghiệm tích lũy được, anh áp dụng vào quá trình chăn nuôi, thấy đàn heo phát triển tốt, cho sinh sản, anh quyết định đầu tư thêm con giống. Hiện nay, tổng đàn trên 200 con.
Theo anh Đạt, heo rừng từ lúc thả nuôi đến xuất bán khoảng 6 tháng. Heo nuôi từ 9 - 12 tháng sẽ bắt đầu sinh sản. Heo sinh sản 2 đợt mỗi năm, mỗi lứa đẻ 6 - 10 con.
Hiện, mỗi năm anh cung ứng cả heo rừng giống và heo rừng thịt ra thị trường các tỉnh, thành miền Tây với số lượng từ 600 - 800 con.
Anh Đạt bán với giá heo rừng từ 130.000 - 150.000 đồng/kg đối với heo rừng thịt và 180.000 đồng/kg với giá heo rừng giống.
Mô hình nuôi heo rừng bán heo thịt, bán heo giống đã giúp gia đình anh Đạt có thu nhập khoảng 300 triệu đồng, đó là chưa tính đến nguồn thu từ vườn cây ăn trái.
“Ở miền Tây, heo rừng đã bị lai rất nhiều nên mục tiêu của tôi là phải làm ra con giống tốt nhất để bán.
Do đó, heo rừng đạt trọng lượng từ 20kg mới bán để người mua nhận biết chất lượng. Ngoại hình hung dữ, lông lá nhiều là đúng chuẩn”, anh Đạt cho hay.
Nuôi heo rừng trong vườn cây ăn trái, trong đó có vườn trồng mít Thái giúp anh Đạt, nông dân xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) có nguồn lợi kép. Ảnh: Phương Anh
Anh Đạt chia sẻ bí quyết, để thịt được ngon, săn chắc phải nuôi theo kiểu bán hoang dã để heo chạy nhảy. Vào mùa mưa phải nuôi nhốt heo trong chuồng để tránh bị kí sinh trùng ngoài da.
“Để nuôi đạt, heo rừng phải có quy trình riêng, có chế độ ăn hợp lý kết hợp từ bã đậu nành, rau, củ, xác bia để cân đối dinh dưỡng cho heo phát triển đồng đều.
Để tránh heo rừng bị nhiễm bệnh, khi chúng mới sinh ra phải tiêm vắc xin phòng cho đến khi lớn”, anh Đạt cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.