Người Cor trang trí cây nêu

Thùy Hương Thứ hai, ngày 07/12/2015 14:34 PM (GMT+7)
Hàng năm cứ vào độ tháng 10 và 11, sau khi đã thu hoạch lúa mùa là lúc rảnh rỗi để người Cor tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng lúa mới, ăn mừng nhà mới, Tết mùa… để cúng và cầu thần linh, ông bà, tổ tiên luôn phù hộ cho dân làng. Trong các lễ hội đó, họ đều trang trí cây nêu dựng cột để làm lễ đâm trâu.
Bình luận 0

Để trang trí cây nêu, người Cor dùng một cây gỗ (là loại gỗ chò), đường kính khoảng 3 gang tay, dài từ 5 – 8m. Cây không bị kiến, chim đục lỗ, không bị dây leo bò quanh. Theo giải thích của một số người lớn tuổi: “Sở dĩ chọn gỗ cây chò là vì cây rất chắc biểu tượng cho sự cứng cáp, sức mạnh, dẻo dai của người Cor”.

img

Người Cor cùng trang trí cây nêu.  Ảnh:   T.H

Cột được chia làm ba phần, mỗi phần có cách trang trí, điêu khắc khác nhau. Phần quan trọng nhất ở giữa của thân cột được người Cor tập trung để tạo thành hệ thống các dãy hoa văn liên tục, gồm các chấm tròn màu xanh, đỏ, đen tượng trưng cho các ngôi sao. Chúng xuất hiện đều khắp ở giữa. Vòng tròn màu đỏ, có hình dáng lớn hơn được dùng để làm biểu tượng của mặt trời, còn các vòng đen nhỏ hơn là biểu tượng của mặt trăng được trang trí qua trục thân gỗ.

Một trong những trang trí cây nêu đặc sắc của người Cor là dùng các Gu (bằng gỗ bút) để trang trí mâm thần - đoạn giữa cột gỗ. Mâm gỗ này cũng được trang trí nhiều hoạ tiết, hoa văn, xung quanh đục lỗ để buộc các dãy bông được làm bằng vỏ cây nhuộm màu trông rất đẹp. Trên các mặt Gu là một thảm hoa văn mô tả cuộc sống thực vùng người Cor sinh sống và phản ánh quan niệm về các thần linh. Trên đỉnh của cột đâm trâu có cấu tạo phức tạp hơn, có biểu tượng một búp chuối rừng, bốn góc được gắn bằng bốn thanh gỗ dáng hình lưỡi dao có mũi cong, đi kèm với nhiều tua bông bằng vỏ cây nhuộm màu rất đẹp. Trên đỉnh còn có biểu tượng một con chim chèo bẻo, vì trong tâm thức người Cor, loài chim này gần gũi như người bạn và là vua của các loài chim, nên họ không ngần ngại đặt nó lên chỗ cao nhất, để không cho các loại ma xấu vào cột phá hoại.

Để làm những công việc chạm khắc công phu và giàu tính mỹ thuật trong trang trí cây nêu, người Cor chỉ sử dụng một công cụ duy nhất là chiếc rựa. Màu sắc để tô  vẽ được trích xuất từ các loại thảo mộc hoặc mài từ đá núi. Người Cor cũng có những bài hát kể mô tả hình dạng cây nêu, ý nghĩa của các hình tượng, hoa văn được chạm khắc công phu; tên tuổi và nơi ngồi dự lễ của các vị thần linh trên thân nêu… Điều này, cho thấy vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng của cây nêu trong đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào Cor.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem