Người giúp cả xã làm giàu

Thứ năm, ngày 19/12/2013 09:15 AM (GMT+7)
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Lê Đình Thường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) còn “rủ rê” bà con trong vùng trồng tiêu theo mình và nhiều người đã giàu lên từ đó.
Bình luận 0
Ngày chúng tôi tìm đường đến nhà anh Thường, trời mưa rất to. Tấp vào lề hỏi 2 phụ nữ ở quán tạp hóa ven đường, được bác cao tuổi hơn chỉ đường: “Cô chú hỏi nhà ông Thường - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) hả? Đi đường đất đỏ này thêm 800m nữa, nhìn bên phải thấy cái nhà nào có xe hơi là nhà ổng đó. Cái xe hơi duy nhất của ấp đó, dễ tìm lắm!”.

Ông Lê Đình Thường ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) trong vườn tiêu được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. (Nguồn ảnh: Báo Đồng Nai)
Ông Lê Đình Thường ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) trong vườn tiêu được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. (Nguồn ảnh: Báo Đồng Nai)

img
Nói về cái xe hơi mà nhà người khác có với một giọng điệu đầy sự nhiệt tình, nồng hậu như là xe hơi của nhà mình, chúng tôi như thấy cả sự ấm áp mà người dân nơi đây dành cho vị Chủ tịch ND của xã mình.

Người “anh cả” của bà con

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn tiêu đã 17 - 18 tuổi của gia đình nhưng vẫn xanh um tươi tốt, anh Thường cho biết nhiều vườn tiêu quanh đây cũng như thế. Có vườn đã 20 năm tuổi nhưng năng suất vẫn đạt 4 – 5 tấn/ha, thậm chí 7 – 10 tấn/ha, trong khi những nơi khác cây tiêu chỉ sống đến hơn 10 năm tuổi đã lão hóa chết.

“Từ năm 1999, xã Xuân Thọ đã phát triển mạnh cây tiêu với gần 250ha, nhưng lúc đó do khâu quản lý dịch bệnh còn kém, ND chưa tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất manh mún, tự phát. Năm 2002, bệnh chết nhanh bùng phát, tiêu hủy trên 50ha tiêu đang ở tuổi kinh doanh trong xã, mặc dù bà con đã phun xịt nhiều loại thuốc. Xung quanh tiêu chết hết nhưng lúc ấy vườn nhà tôi chỉ chết vài cây trong hơn 3.000 gốc tiêu” – anh Thường hồi tưởng.

Ngạc nhiên, cả xóm kéo đến nhà anh tìm hiểu, nghiên cứu, mới phát hiện vườn tiêu nhà anh không đào bồn sâu như kiểu truyền thống bà con đang làm, mà đào mương thoát nước. “Tôi học được từ cán bộ khuyến nông xã, cứ 2 hàng tiêu đào một mương thoát nước nhỏ, 6 hàng đào một mương lớn. Nhờ đó, tiêu không bị úng nước, nước cũng không ứ đọng tạo điều kiện cho nấm bệnh sinh sôi, phát triển mà ngược lại nấm gây dịch bệnh theo đường nước bị tống đi” – anh Thường lý giải.

Thế là anh truyền đạt lại cho bà con bí quyết của mình rồi qua từng nhà hướng dẫn tận tay, phụ bà con đào hệ thống mương thoát nước. Anh còn chạy đôn chạy đáo khắp nơi, hết lên huyện rồi xuống xã, đọc sách báo, nghiên cứu thêm cách cùng bà con trị bệnh cho cây tiêu. Thấy anh nhiệt tình lại có kiến thức, bà con tín nhiệm bầu anh vào Hội ND, lần lượt đảm nhận các vị trí Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội ND xã cho đến tận bây giờ.

Anh nông dân kiêm thợ cơ khí

Đến năm 2005 - 2006, khi Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao công nghệ mới, mô hình tưới nước tiết kiệm, bỏ phân qua đường ống tự động, thấy hay, năm 2008 anh mạnh dạn đi vay tiền đầu tư làm. “Lúc ấy chi phí đầu tư mô hình tưới nước tự động còn cao, đến 50 – 70 triệu đồng/ha (giờ chỉ 30 triệu đồng/ha). Nhưng may thay chỉ qua 1 năm năng suất tiêu từ 2 tấn đã tăng lên 3 tấn, rồi 4 – 5 tấn/ha, giá tiêu cũng tăng lên cao, không những trả hết nợ, gia đình còn dư tiền mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng tiêu lên 3,5ha hiện nay” – anh Thường kể.

Thấy vị Chủ tịch Hội ND làm thành công, bà con cũng bắt chước làm theo. Từ đây bắt đầu nảy sinh vấn đề khi hệ thống tưới tiêu tự động mà Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao chỉ phù hợp với những vườn tiêu đất đỏ bazan giữ nước tốt, còn với những vườn tiêu đất đen, cát, sỏi, đất khô hơn, thoát nước nhanh cần phải tưới nước nhiều hơn thì hệ thống không đáp ứng đủ. Thế là anh bắt đầu mày mò, bỏ tiền túi ra mua thêm vật tư, gắn thử thêm một vòi nước nữa trên mỗi gốc tiêu vào hệ thống tưới nước sẵn có để tăng lượng nước tưới lên gấp đôi.

Ấy vậy mà thành công, hệ thống tưới chạy ngon lành, đủ nước tưới cho những vườn tiêu đất đen, nhiều sỏi đá. Bà con khoái quá, nhà nhà ơi ới gọi anh qua gắn cho mình, nâng số hộ có lắp đặt hệ thống bơm tưới, bón phân tự động lên hơn 80 hộ, với diện tích 135ha trên tổng số 450ha trồng tiêu của cả xã. Năng suất cây tiêu của những hộ ấy theo đó cũng tăng lên gấp 2 – 3 lần, lợi nhuận từ đó cũng tăng lên tương ứng. Sẵn đà đó, anh bắt đầu chế thêm các máy sàng tiêu, sấy tiêu… và chuyển giao cho bà con.

Tiếng lành đồn xa, không chỉ nông dân trồng tiêu trong xã mà trong tỉnh, rồi ngoài tỉnh điện thoại “đặt hàng” anh đến vườn tiêu nhà họ thiết kế hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động và tư vấn kỹ thuật trồng tiêu, phòng trừ sâu bệnh. Khi chúng tôi đến nhà anh cũng là lúc vợ chồng anh vừa trở về sau chuyến đi thiết kế và tư vấn trọn gói cho hơn 30ha trồng tiêu của Nông trường Sơn Thành ở Phú Yên.

Hướng tới phát triển bền vững

Để phát triển hồ tiêu bền vững, anh còn khuyến khích bà con áp dụng các biện pháp canh tác mới, như giảm lượng phân bón vô cơ, tăng phân bón hữu cơ, phân chuồng hoai mục, bỏ các loại thuốc hóa học thay bằng thuốc vi sinh, sản xuất tiêu sạch… Nhờ đó, vườn tiêu của nhiều bà con dù đã 15 – 20 năm tuổi vẫn xanh tốt. Trong khâu thu hoạch, để tránh thất thoát do tiêu rụng, gia đình anh mua lưới nylon đen rải kín mặt đất. Bởi theo anh, mỗi ha tiêu rụng khoảng 300kg, mất hết 50 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư lưới phủ dưới gốc tiêu chỉ tốn có 20 triệu đồng, còn lời chán.

Anh Thường đang cùng Hội Nông dân xã, Liên hiệp CLB trồng tiêu phối hợp với địa phương tiến tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho thương hiệu “Hồ tiêu Xuân Lộc”, để từ đó cùng doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho hồ tiêu tỉnh nhà. Anh Thường đang được địa phương đề cử lên Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen ND sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp cho huyện nhà.

Theo anh Thường, muốn được bà con tin tưởng làm theo thì biện pháp hữu hiệu nhất là mình phải làm trước và làm thành công. Muốn khuyên bà con trồng tiêu làm giàu mà bản thân mình không giàu thì nói ai nghe. Hiện với vườn tiêu hơn 3,5ha, mỗi năm gia đình anh có thu nhập từ 1 – 1,5 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, có của ăn của để và cho 3 con học hành thành tài, anh còn giúp nhiều hộ trong xã giàu lên.

Anh Ngô Văn Hận có 2ha trồng tiêu ở gần nhà anh Thọ tâm sự: “Tôi từ Bắc vào Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng, mọi sự gia đình tôi đều nhờ Hội ND xã, mà cụ thể là anh Thường giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng tiêu. Hiện với giá bán 170.000 đồng/kg, với năng suất 4 tấn/ha, vụ tiêu năm nay, sau khi trừ mọi chi phí, ước tính gia đình thu hơn 1 tỷ đồng”.

Tiến thêm một bước, cùng mọi người, anh vận động thành lập 6 câu lạc bộ (CLB) và 1 liên hiệp CLB trồng tiêu năng suất cao mà anh là phó chủ nhiệm, làm nơi để bà con trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu với nhau.

Cùng với Hội ND, Liên hiệp CLB trồng tiêu còn tổ chức mua phân bón giá gốc và có chất lượng tốt cho bà con cũng như thông tin thị trường cho các CLB; khi nào nên bán, khi nào giữ tiêu trữ lại, làm chủ giá cả thị trường, không bị thương lái ép giá. Liên hiệp CLB cũng đứng ra làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con để đảm bảo đầu ra luôn ổn định, hướng tới phát triển bền vững.
Song Anh (Song Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem