Người gửi hồn trong tiếng đàn cổ Tâm-prảy

Thứ sáu, ngày 03/01/2014 09:40 AM (GMT+7)
Trước nguy cơ tiếng đàn cổ Tâm - prảy từ ngàn xưa của người Pa Hy bị thất truyền, có một người phụ nữ đã dày công nghiên cứu, phục dựng lại.
Bình luận 0
Người mà chúng tôi nhắc đến là bà Hồ Thị Hương (sinh năm 1958), người dân tộc Pa Hy (còn gọi là dân tộc Pa Cô, Tà Ôi), trú bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Nặng lòng với tiếng đàn


Sau nhiều lần hò hẹn, chúng tôi mới gặp được bà Hương. Ngồi ôm cây đàn Tâm-prảy gảy từng phím nhạc của bài hát “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” cho chúng tôi nghe, bà như trở về ký ức tuổi đôi mươi một thời khói lửa tiếp cơm, tải đạn cho bộ đội trên dải Trường Sơn hùng vĩ.

Bà Hồ Thị Hương biểu diễn bài hát “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” bằng đàn Tâm-prảy.
Bà Hồ Thị Hương biểu diễn bài hát “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” bằng đàn Tâm-prảy.

Bà Hương cho biết: Từ ngàn xưa, đàn Tâm-prảy đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào Pa Hy ở đại ngàn Trường Sơn này. Đàn Tâm-prảy được làm từ gỗ chò, có cấu tạo đơn giản, mộc mạc. Thùng đàn nhỏ, dài 40cm, chiều ngang 12cm, có lỗ thông hơi.

Đặc biệt, đàn gồm 5 phím nhưng chỉ có 2 sợi làm từ dây gấc và 2 chốt chỉnh dây. Nhỏ bé, đơn sơ là vậy, nhưng đàn Tâm-prảy lại vang lên những âm thanh trong trẻo, xao xuyến mê hồn người. “Ngày xưa, đàn Tâm-prảy gắn bó mật thiết với người Pa Hy, hầu như mỗi người đều tự làm cho mình một cây đàn để gảy trong những ngày hội làng, đi làm nương làm rẫy cũng mang theo để gảy cho vơi bớt nỗi nhọc nhằn.

Vào những đêm trăng thanh gió mát, trai gái ở bản Hạ Long có tình ý với nhau, thường dùng tiếng đàn để tâm sự, trao duyên. Trai thổi khèn, gái gảy đàn Tâm-prảy. Vợ chồng tôi nên duyên cũng là nhờ hiểu nhau qua tiếng đàn Tâm-prảy này đấy” – bà Hương tâm sự.

Nhưng nay, tiếng đàn cổ truyền thống Tâm-prảy chỉ đôi lần được nhớ đến trong những ngày lễ hội tại bản Hạ Long do bà Hương biểu diễn. Chính vì lẽ đó, bà Hương đã cố gắng phục dựng loại nhạc cụ này.

Mong được lưu truyền

Theo bà Hương, học đàn Tâm-prảy không khó, nếu có niềm đam mê thì chỉ vài ba tuần là có thể gảy được. Vậy nhưng, xã hội ngày càng phát triển, ai ai cũng phải chăm lo cho cuộc sống của mình, đều bị cuốn theo vòng xoáy của kinh tế thị trường nên hiện nay, tiếng đàn Tâm-prảy đã không còn mấy khi xuất hiện. Hơn nữa, lớp trẻ ngày nay chỉ thích nhạc hiện đại, không chịu học đàn dân tộc.

Mới đây, đàn Tâm-prảy đã có dịp được giới thiệu rộng rãi đến với công chúng trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi lần thứ X năm 2013 của tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức tại huyện miền núi A Lưới. Vậy nhưng, đó lại chỉ là kết quả của một cuộc gặp tình cờ của ông Trần Viết Lợi - cán bộ văn hóa thông tin xã Phong Mỹ khi ghé thăm nhà bà Hương, nghe được tiếng đàn thánh thót do bà Hương gảy, nên đã mời bà đi biểu diễn.

Ngoài đàn Tâm-prảy, dân tộc Pa Hy còn có nhiều loại dân nhạc, dân vũ, nhạc cụ khác nữa cần được khôi phục, bảo tồn như đàn Abel, Un Craor và 2 loại đàn môi Tirel và Arèng.

Ông Lợi cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sự tồn vong của tiếng đàn Tâm-prảy, nếu như nó mất đi thì thực sự là một mất mát quá lớn trong nét đẹp văn hóa của không chỉ đồng bào dân tộc ở bản Hạ Long mà cả nền nhạc cụ dân tộc nói chung”.

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, ông Võ Phi Trung cũng đau đáu một điều: “Dân tộc Pa Hy đã có rất nhiều loại nhạc cụ bị thất truyền mà không khôi phục lại được. Tôi sợ rằng, lớp trẻ ngày nay không chịu học cách gảy đàn, chế tác đàn thì sau khi lớp người như bà Hương không còn nữa, tiếng đàn cổ Tâm-prảy quý giá cũng sẽ mất theo”.

Mong sao, cùng với sự nỗ lực của bà Hương, chính quyền các cấp sẽ nhanh chóng có biện pháp phục dựng lại tiếng đàn Tâm-prảy, để một mai nó vẫn vang vọng mãi giữa núi rừng chứ không thất truyền như nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác.
Ngọc Vũ (Ngọc Vũ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem