Người liều lĩnh "xé rào", rửa phèn vùng Đồng Tháp Mười là ai?

Trần Cửu Long Chủ nhật, ngày 01/12/2019 10:44 AM (GMT+7)
Nếu miền Bắc có ông Kim Ngọc thì trong Nam có ông Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần, người từng giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam) từng “xé rào” giúp nông dân đổi mới sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Ngày 30/11, Tỉnh ủy Long An tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Văn Chính với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An”.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, nghiên cứu, tập trung thảo luận vào những nội dung: Truyền thống quê hương, gia đình ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng yêu nước và cách mạng của ông Chín Cần; ông Chín Cần-nhà cách mạng kiên trung, người lãnh đạo tiêu biểu của quê hương Long An; ông Chín-nhà lãnh đạo sáng tạo, chủ động, bản lĩnh, có tầm nhìn đột phá, “dám nghĩ, dám làm”; ông Chín Cần-sáng ngời tấm gương nhân cách, phẩm chất đạo đức cách mạng…

img

Ông Chín Cần (người thứ 3, từ trái qua) trong một lần cùng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (người thứ tư, từ trái qua) đi khảo sát, khai phá Đồng Tháp Mười (Ảnh tư liệu)

Tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh cho biết, chính quyền và nhân dân Long An tri ân công lao và những cống hiến của ông Chín Cần cho quê hương Long An. Nhờ đó, tỉnh có sự thay đổi lớn, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện mọi mặt, Long An trở thành tỉnh trọng điểm của vùng kinh tế phía Nam.

Gần 40 năm trước, không ai dám nghĩ người dân Long An có thể chinh phục được “rốn phèn” Đồng Tháp Mười. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến khảo sát nhưng cũng chỉ lắc đầu vì cho rằng cây lúa không thể tồn tại trên vùng đất phèn ấy hoặc có chăng muốn chinh phục cũng phải tốn cả triệu đôla cho 1ha đất.

Và chính ông Chín Cần đã dẫn đầu đoàn cán bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp vào Đồng Tháp Mười để khảo sát nắm tình hình trước khi bắt tay vào thực hiện chủ trương khai phá.

img

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội thảo.

Hàng trăm ngàn lượt người tiến vào Đồng Tháp Mười đắp đường, mở đất. Hàng trăm con kênh, rạch được xẻ ngang, dọc giữa Đồng Tháp Mười đưa nước ngọt về rửa phèn, biến “rốn phèn” dần trở thành vùng đất phù sa màu mỡ.

Chỉ trong vòng 2 năm (1978 và 1979), đã có 650 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu lên định cư, khai phá, xây dựng vùng đất Đồng Tháp Mười. Và ngày nay, vùng đất hoang vu năm nào đã trở thành vựa lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.

Ông Chín Cần còn được biết đến là người đặt nền móng xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, đánh dấu bước phát triển mới của hội cũng như phong trào nông dân trong cả nước. Từ khi có quỹ, các phong trào do hội phát động thực sự đi vào cuộc sống. 

Sau khi rời nhiệm vụ ở Chính phủ, ông Chín Cần được Bộ Chính trị điều giữ chức Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam vào cuối năm 1991. Khi ấy, “khoán 10” mới thực hiện được 3 năm.

Ông Chín Cần đã chọn con đường thực tiễn “Cơ sở, chi, tổ Hội là đơn vị hành động; tạo vốn hỗ trợ nông dân sản xuất;…. Nông dân cần vốn – Hội phải lo vốn” – đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của ông Chín Cần với nông dân, với Hội Nông dân. Ông đã mở đường, “khởi nghiệp” cho Quỹ Hỗ trợ nông dân.

img

Khá đông đại biểu, các nhà khoa học, nghiên cứu tham gia hội thảo.

Ngoài ra, ông Chín Cần còn nổi tiếng với việc cải tiến “giá - lương - tiền”. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông Chín Cần giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Long An lần thứ 2, đã mạnh dạn tìm cách thay đổi cơ chế giá cả, tiền lương, một trong những khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ.

Khi triển khai thực hiện, việc lưu thông hàng hóa trở lại bình thường, kinh tế được phục hồi, sản xuất tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện. Giải pháp “bù giá vào lương” gây một hiệu ứng tích cực.

Từ năm 1980, Long An luôn là địa phương hoàn thành kế hoạch Trung ương giao và là một trong số ít địa phương có dư ngân sách để nộp cho Trung ương.

Nói về dấu ấn đột phá ấy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An - ông Phạm Thanh Phong khẳng định: “Chính từ dấu ấn cải tiến của Long An mà người đi đầu là đồng chí Bí thư Chín Cần cùng với đóng góp của một ít địa phương khác được áp dụng trong cả nước tạo nên những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng và là bước đệm để phát triển như ngày hôm nay”.

Phát biểu với Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao cuộc hội thảo, cho rằng đây là hội thảo khoa học lớn nhất đối với một cá nhân của tỉnh từ trước đến nay về quy mô, sự quan tâm của các nhà khoa học, báo chí Trung ương và địa phương.

Hội thảo không chỉ khẳng định, tôn vinh công lao và cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Chính đối với quê hương Long An, cách mạng Việt Nam mà còn là sự tri ân, trọng thị của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Long An.

img

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Rạnh phát biểu.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị, sau hội thảo tỉnh Long An nghiêm túc tiếp thu, kế thừa những phẩm chất cao đẹp của ông Nguyễn Văn Chính trong bối cảnh tỉnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng;…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem