Người New Zealand thích nước mắm Việt

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 17/12/2021 15:50 PM (GMT+7)
Tổng Lãnh sự Tổng lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM khen nước mắm Việt Nam rất ngon, trong khi nước mắm tại New Zealand không bằng. Ông cho rằng đây là cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt.
Bình luận 0

Trả lời thắc mắc của một nhà sản xuất và cung cấp nước mắm truyền thống về việc New Zealand có chuộng nước mắm, ông Joseph Nelson - Tổng Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM đã khiến doanh nghiệp này thở phào, tự tin hơn để tìm hiểu các quy chuẩn, đưa sản phẩm sang thị trường khó tính này.

Nước mắm tại Việt Nam có nhiều tiềm năng vào New Zealand

"Khi sang Việt Nam, tôi thấy nước mắm ở đây ngon hơn rất nhiều so với tại New Zealand. Do đó, nước mắm rất tiềm năng tại thị trường New Zealand và Australia", ông Joseph Nelson nhấn mạnh.

Tổng Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM cho biết New Zealand có các tiêu chuẩn, quy trình minh bạch, thông tin chi tiết rõ ràng. Các cơ quan thuộc Bộ các ngành cơ bản của New Zealand đều công khai hướng dẫn để doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách thuận lợi.

Nước mắm tại Việt Nam ngon hơn rất nhiều so với tại New Zealand - Ảnh 1.

Tổng Lãnh sự Tổng lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM khen nước mắm Việt Nam rất ngon. Ảnh: Hồng Phúc.

Bà Sai Tongbor - Tham tán nông nghiệp - Bộ các ngành cơ bản New Zealand (MPI), nói thêm nước mắm thuộc nhóm hàng chế biến. Do đó, khi đưa sản phẩm vào New Zealand không có quá nhiều quy định ngặt nghèo như hàng tươi sống.

"Chúng tôi muốn thấy thêm nhiều nước mắm Việt Nam tại thị trường New Zealand", bà Sai Tongbor nêu thông điệp.

Hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia Hội thảo "Xúc tiến thương mại và đầu tư với thị trường New Zealand; Tận dụng cơ hội các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN - New Zealand" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 17/12, bà Sai Tongbor nói nhiều về các quy chuẩn mà doanh nghiệp cần chuẩn bị khi đưa hàng vào nước này.

Theo bà, hiện Việt Nam và New Zealand đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Do đó, tùy vào từng mặt hàng được quy định trong từng hiệp định, doanh nghiệp có thể tham khảo để tiến hành sản xuất, kiểm nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn.

Nước mắm tại Việt Nam ngon hơn rất nhiều so với tại New Zealand - Ảnh 3.

Ông Joseph Nelson - Tổng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM, khen nước mắm tại Việt Nam rất ngon, tiềm năng xuất khẩu sang New Zealand. Ảnh: ITPC.

Các quy định hàng nhập khẩu của New Zealand hiện nay có sự khác nhau giữa hai nhóm ngành là sản phẩm đã qua chế biến và sản phẩm tươi sống. Nhóm hàng sản phẩm tươi sống phải chịu sự kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc nghiêm ngặt hơn.

Về vấn đề này, bà Sai Tongbor cho hay, New Zealand làm việc nhiều với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật của Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp ngoài tham khảo các thông tin từ phía MPI, cũng có thể nhờ hỗ trợ từ trong nước.

New Zealand là thị trường lớn và tiềm năng

Tổng Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM - ông Joseph Nelson, cho biết GDP của New Zealand vào khoảng 193 tỷ USD (đứng thứ 52 thế giới), GDP bình quân đầu người đạt 39.900 USD (đứng thứ 23 thế giới).

Với mức sống cao, chú trọng sản phẩm đảm bảo sức khỏe, theo ông, một số sản phẩm có nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand. Đối với thực phẩm và đồ uống, các sản phẩm từ sữa như bò sữa và các loại sữa khác nhau (dê, cừu, hươu); rượu vang; trái cây (nổi tiếng với Kiwi, táo, quả mọng, anh đào) đang rất được ưa chuộng.

Thịt cừu và thịt bò cùng với các loại hải sản như trai, sò điệp, hàu Bluff, cá trắng và cá hồi cũng New Zealand rất được săn đón ở nước ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước còn có thể mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giải pháp và dịch vụ ngành nông nghiệp như tư vấn cho ngành nông nghiệp; bảo vệ thực vật, trừ sâu bọ; sản phẩm thân thiện với môi trường trong kiểm soát động vật và côn trùng không để lại dư lượng trên mặt đất và chuỗi thức ăn; kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm…

Nước mắm tại Việt Nam ngon hơn rất nhiều so với tại New Zealand - Ảnh 4.

Ông Phạm Phú Lữ - Phó Giám đốc ITPC (trái), tham quan các sản phẩm triển lãm ngành lương thực thực phẩm đang tổ chức tại Showroom Hàng xuất khẩu TP.HCM trên đường Nguyễn Huệ (quận 1). Ảnh: Hồng Phúc.

Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư TP.HCM, cho biết tại TP.HCM, năm 2021, New Zealand có 26 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 82,8 triệu USD, đứng thứ 47/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại TP.HCM.

Theo ông, một trong những thuận lợi của Việt Nam và New Zealand là cùng là thành viên tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP).

Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP) được ký trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã mang tới nhiều cơ hội hợp tác thành công mới cho cả Việt Nam và New Zealand. Việc tận dụng cơ hội các chuỗi giá trị mới trong khối ASEAN - New Zealand là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng mới trong khu vực ASEAN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem