Người “nhân bản” tình yêu văn hóa Mường

Thứ năm, ngày 21/03/2013 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vũ Đức Hiếu sinh năm 1976, thường được biết đến với cái tên “Hiếu Mường”, ngày 29.3 tới đây sẽ vinh dự được nhận Giải thưởng Phan Chu Trinh về lĩnh vực văn hóa.
Bình luận 0

Ẩn sĩ dưới chân dốc Cun

Cho đến giờ, Đức Hiếu vẫn không thể giải thích được tại sao anh, một chàng trai Hà Nội, tốt nghiệp thủ khoa khoa Tạo dáng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, tốt nghiệp loại giỏi khoa Lý luận phê bình Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, có nhiều năm làm báo, vẽ tranh, đi buôn, phát triển trang trại, mở quán cà phê... cuối cùng lại chọn một trang trại dưới chân dốc Cun cách trung tâm TP. Hòa Bình khoảng 7km để làm nơi lập nghiệp. Anh bảo nếu nói theo nhà Phật thì đó là một chữ “duyên”.

img
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu 

Cái duyên đã khiến anh “bỏ phố lên rừng”, trút toàn bộ tuổi xuân, gia sản, tâm huyết vào việc gìn giữ từ những chi tiết vân vi nhất trong văn hóa Mường. Hiếu biết, người Mường- chủ nhân của nền văn hóa Hòa Bình có niên đại cách đây 18.000 – 7.500 năm trước Công nguyên là một dân tộc có một nền văn hoá đậm chất bản địa, cần phải nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, thế nên anh quyết tâm làm bảo tàng không gian văn hóa Mường.

Cơ ngơi của anh tọa lạc trên khu đồi rộng hơn 2ha, là một khu trưng bày hơn 1.000 hiện vật văn hoá người Mường mà anh đã cất công sưu tầm hơn 10 năm trời và các khu nhà lang, âu, nóc, trọi, khu vườn trồng cây thuốc của người Mường... Tới đây, khách tham quan cảm nhận rõ nhất hơi thở của văn hóa Mường, nếu không có những người tận tâm như Hiếu, hẳn là văn hóa Mường sẽ thiệt thòi nhiều lắm.

Khó có thể nói hết bao nhiêu vất vả anh đã trải qua khi dấn thân vào cuộc phiêu lưu này, từ lúc xin giấy phép để thành lập bảo tàng tư nhân, rồi đến lúc khuân từng viên đá, lợp từng nóc nhà sàn, thuê từng chiếc máy xúc về khoét đồi để tạo thành khu sinh hoạt... là biết bao mồ hôi công sức của anh.

Nghe thì ít ai tin, chứ có lúc anh và các nhân viên đã phải ăn cháo cầm hơi, mà cháo cũng phải nấu bằng loại gạo tồi nhất (anh gọi vui là “gạo cho chó ăn”) mới chống chọi được với những giai đoạn khó khăn. Gọi Hiếu Mường là “ẩn sĩ” dưới chân dốc Cun là bởi anh đã phải trải qua rất nhiều năm tháng đơn độc trên cuộc hành trình mà anh đã chọn. Lầm lũi như một chú rùa chăm chỉ, cặm cụi làm với một mục đích duy nhất hướng về phía trước, gìn giữ những nét văn hóa đã làm nên dân tộc Mường.

img
và Bảo tàng Không gian văn hóa Mường của mình.

Giám đốc “ma xó”

Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh đã chọn Vũ Đức Hiếu để trao Giải thưởng Văn hóa năm 2012, thật là một sự lựa chọn xứng đáng. Giải thưởng này là sự ghi nhận xứng đáng nhất cho tình yêu lớn mà Hiếu đã dành cho văn hóa Mường, bù đắp chút nào đó cho những gì anh đã cống hiến bằng một trái tim “yêu là yêu” kiểu nghệ sĩ hết mình với mục đích mà đời mình đeo đuổi

Hiếu làm Giám đốc bảo tàng tư nhân của anh, song cũng là một gã “ma xó” của văn hóa Mường, am hiểu đến từng “chân tơ kẽ tóc” trong đời sống mọi mặt của người Mường. Anh có thể ngồi cúng không khác gì một thầy mo lão làng, có thể hát những làn điệu của người Mường, có thể nói vanh vách về những hiện vật anh sưu tầm được - điều mà không phải người Mường nào cũng biết.

“Tôi tin vào việc mình làm. Có ai sinh ra trên đời này mà có quyền lựa chọn đâu, công việc cũng vậy, tôi nghĩ công việc chọn mình, và tôi tự hào là người được chọn”.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu cho biết: “Hiện nay bảo tàng còn lưu giữ một hiện vật quý hiếm. Đó chính là ngôi nhà lang cột chôn sâu, có kết cấu gỗ không mộng, các xà ngang được đẽo hình lục giác và chỉ gác lên cột gốc giống như các khớp xương động vật. Dựng cột chiếm nhiều thời gian nhất trong quá trình xây cất nhà. Khi đất có biến động, ngôi nhà dao động mà không bị xô đổ hay vỡ”...

Đó là một trong số rất nhiều “phần nổi”, còn phần chìm, là những di sản văn hóa phi vật thể mà Hiếu cũng đang dày công lưu giữ. Nhưng anh cũng có những nuối tiếc và buồn vì ngày càng hiếm những thanh niên người Mường hiểu biết kỹ năng sống của cha ông, cũng như am hiểu văn hoá truyền thống của dân tộc sinh ra họ.

Các thầy mo, thầy thuốc, nghệ nhân đan lát, dựng nhà, dệt vải... còn sống chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bởi thế anh đang cố gắng làm sao để giữ lại những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc và hiếm quý cho người Mường càng nhanh càng tốt, chỉ cần chậm một chút là sẽ ân hận với tiền nhân.

Biết tin được nhận Giải thưởng Phan Chu Trinh lần này, Vũ Đức Hiếu vui và xúc động, bởi anh tin những gì mình đã âm thầm cống hiến bấy lâu nay đã được ghi nhận, dù nó chẳng là gì so với những vất vả, khổ sở mà anh đã trải qua trên chặng đường dài đằng đẵng của mình. Và quan trọng hơn, Hiếu mừng vì càng ngày càng có thêm nhiều người biết về Bảo tàng Không gian văn hóa Mường - tình yêu của anh, để từ đó sẽ nhân lên thêm nhiều “phiên bản” nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem