Cách làm gì ngay khi tường nhà bị thấm nước?

Nhật Hà Thứ tư, ngày 30/11/2022 09:00 AM (GMT+7)
Tường nhà bị thấm nước, khiến tường bị ẩm ảnh hưởng không nhỏ tới các đồ nội thất, sức khoẻ của các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó khi tường bị thấm nước tạo thành những vết loang lổ khiến thẩm mỹ ngôi nhà bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bình luận 0

Dưới đây là những chia sẻ của KTS Mạc Ngọc Hưng về vấn đề, nguyên nhân tường nhà bị thấm nước, từ đó tìm ra giải pháp xử lý kịp thời để lấy lại thẩm mỹ cho ngôi nhà đẹp.

Kiến trúc sư chia sẻ giải pháp xử lý khi tường nhà bị thấm nước - Ảnh 1.

Tường bị thấm nước, ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ cũng như đồ nội thất trong nhà. Ảnh: Unsplash

Vấn đề

Hiện nay nhà liền kề lô phố tự xây sát nhau phổ biến trong các đô thị Việt Nam. Nhà xây trước có mặt bằng thi công xây dựng thuận lợi, tường trát đầy đủ nên chất lượng công trình tốt. Ngôi nhà xây sau có mặt bằng thi công xây dựng khó khăn hơn, các vấn đề xây dựng khó trọn vẹn.

Vấn đề hay mắc phải là bức tường giáp nhà xây dựng trước rất hay bị thấm nước. Sau vài năm ở, cứ mỗi lúc mưa, trời lạnh,... là có hiện tượng tường ẩm, có nước ngấm, nước ẩm làm ảnh hưởng các đồ nội thất. Về mỹ quan, khi trên tường loang vết, người ở trong nhà cảm thấy rất bất tiện, khó chịu ...

Nhiều gia chủ cũng đã tìm các giải pháp khắc phục, như xử lý trát vá , dùng các biện pháp chống thấm ... nhưng kết quả không khả quan, không dứt điểm,...

Nguyên nhân

Nguyên nhân ngấm nước dưới lên

Có nhiều ngôi nhà thi công móng không đúng kỹ thuật, quên không có lớp bê tông ngăn ngấm nước nền đất, hoặc có nhưng không đúng vị trí (thấp quá hoặc cao quá), dẫn đến nước ngấm ngược lên tường, hiện tường là tường tầng một bong sơn loang nổ.

Ngấm nước trên xuống

Khi xây dựng nhà phố liên kề sẽ có một khoảng hở vài cm rất nhỏ giữa hai nhà, hoặc nhà xây sau đã áp tường sát nhà hàng xóm nhưng vì ngôi nhà nặng có độ lún nhất định nên vẫn tách tạo khe nho nhỏ giữa hai nhà. Và vì khe quá hẹp, mặt tường ngoài không thể trát phẳng được, vật liệu là gạch vữa mác không cao, không đồng đều, mặt tường không trơn, khe hẹp gió không thể lùa giúp khô ráo,...

Tường nhám ẩm đã tạo điều kiện cho rêu mọc, các con côn trùng cũng sống ở đây làm tổ, đục khoét vào sâu tạo các lỗ rộng đủ đế chứa, dẫn nước, ngấm nước.  Khi mưa bão, nước mưa từ trên rơi xuống hoặc tạt ngang vào khe dọc giữa hai nhà rồi từ từ ngấm vào mặt trong tường nhà.

Có nhà đã xử lý theo cách, ở phía trên cùng khe hở làm mái tôn úp ngăn nước, nhưng do mái úp nhỏ hẹp, rồi do thời tiết (nóng, lạnh) vật liệu co ngót cong vênh vẫn rạn nứt, mưa bão vẫn có thể tạt ngang vào các khe hở để rồi dòng nước dẫn chảy xuống dưới tạo ẩm và ngấm vào tường

Một nguyên nhân nữa ít người để ý là do tường thấm nước ngược

Nghĩa là giữa khe ngoài nhà và trong nhà bao giờ cũng chênh lệch nhiệt độ, nhất là mùa lạnh ngoài nhà nhiệt độ có thể xuống rất thấp nhưng trong nhà thì thường ấm hơn khoảng 15-20 độ C; hơi nước có trong không khí sẽ ngưng tụ khi lạnh, và ngưng tụ ngay ở bề mặt tường trong nhà, lâu ngày ta nhìn thấy chính là vết ẩm loang nổ ...

 Kiến thức vật lý này rất  rõ hơn khi thí nghiệm cho nước đá lạnh vào cốc thuỷ tinh, quan sát thấy hiện tượng thành bề ngoài cốc thuỷ tinh có các giọt nước, đây không phải do nước trong cốc thấm ra mà là do hơi nước ngoài không khí ngưng tụ lại.

Với các nhà khoa học để ổn định giữa hai không gian bao giờ họ cũng có một lỗ nhỏ để giúp liên thông (gọi lỗ thở), nhưng nếu tường nhà làm lỗ này thì chẳng khác nào rước nước chảy vào nhà... trăm thứ đều đang rất khó.

Nhà bị ngấm nước, mặc dù gia chủ đã thuê bên đội chống thấm nhiều công, nhưng được một thời gian nước lại vào. Ngấm nước rồi sửa, sửa rồi ngấm cứ lặp đi lặp lại như đã nêu phía trên.

Mặc dù có nhiều hứa hẹn về vật liệu chống thấm đắt tiền cao cấp, nhưng vì do sự liên kết không thể bền chặt giữa các vật liệu khác nhau giữa tường xây gạch - vật liệu chống thấm, nên đó chỉ là giải pháp ngắn tạm thời, không thể triệt để.

Giải pháp xử lý tường thấm nước, lấy lại thẩm mỹ cho ngôi nhà đẹp

Với các nguyên nhân trên thì chúng ta phải nhìn nhận nước ngấm tường là vấn đề cần lưu tâm quan trọng khi xây dựng nhà ở. Thực ra không hẳn là vấn đề chống ngấm, chống thấm mà còn nhiều vấn đề khác nữa, những người ít có kiến thức xây dựng lại tự mình quyết định việc xây dựng nên công trình không mắc vào chuyện này thì cũng chuyện kia là điều rất dễ hiểu, do đó để yên tâm khi sử dụng nhà cần:

- Thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, người Kỹ sư có kinh nghiệm, đơn vị thi công chuyên nghiệp để thực hiện, có thoả thuận hợp đồng rõ ràng điều khoản (có thể trích điều khoản dẫn theo các Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam, trong đó đã có tiêu chuẩn chống thấm chống dột)

- Với việc chống ngấm, chống thấm nước khi xây dựng:

+ Chú ý thi công lớp bê tông ngăn cách nước ngấm từ nền đất lên tường, đặt đúng vị trí

+ Không để khe giữa hai nhà quá hẹp mà người không thể vào được (để thông gió, để bảo trì sửa chữa, ...)

+ Không để khoảng hở quá nhỏ vài cm giữa hai nhà, nên bịt kín, dùng vật liệu xây dựng liền khối, giải pháp nên đổ tường bê tông cốt thép liền khối (trước đó nên rửa làm sạch tường nhà bên), đổ bê tông thì không cần trát, các lỗ tường không bị côn trùng trú ở , đục khoét.

+ Với các nhà đã xây dựng được nhiều năm ổn định mà mới bị nước ngấm tường, nếu vết ngấm nước ít có thể thuê các đội thợ chuyên tìm rõ nguyên nhân và khắc phục, tuy nhiên giải pháp triệt để cần thiết là phá mảng tường đó đổ bê tông lại thì yên tâm hơn cả.

Hy vọng với những chia sẻ của KTS giàu kinh nghiệm Mạc Ngọc Hưng, bài viết mang lại những kiến thức bổ ích cho tất cả mọi người, đặc biệt những người đang có nhà bị thấm, ngấm nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem