Chuyên gia này cho biết, trong quá trình chiếc SIM được gắn vào điện thoại và hòa mạng, các gói tin gửi tới máy chủ sẽ chứa cả IMEI của chiếc điện thoại đó. “Tất cả các nhà mạng ở Việt Nam hiện nay đều lưu lại IMEI của điện thoại tương ứng với số SIM đang sử dụng. Tôi chắc chắn!”, vị chuyên gia khẳng định.
IMEI là mã định danh riêng biệt của smartphone.
“Trên lý thuyết, không có chiếc điện thoại nào bị mất cả. Nhà mạng có thể tìm lại mọi chiếc điện thoại bị mất nếu nó còn được ai đó sử dụng. Khi biết IMEI hay số SIM đang gắn bên trong điện thoại, nhà mạng hoàn toàn có thể tìm ra vị trí của chiếc điện thoại đó, ngắt kết nối, hủy hay giới hạn các dịch vụ mạng,…”, vị chuyên gia thông tin thêm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, vấn đề trên nghe có vẻ đơn giản nhưng để triển khai thực tế sẽ phải đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc. Theo đó, muốn xây dựng hệ thống khóa dịch vụ mạng của điện thoại từ IMEI, nhà mạng cần bổ sung thêm các IMEI “đen” vào cơ sở dữ liệu đã có hiện nay. Việc quan trọng còn lại là xây dựng thuật toán để quét, phát hiện và xử lý sao cho tối ưu và hiệu quả với hàng chục triệu, thậm chí lên đến hàng trăm triệu mã IMEI.
“Quá trình truy vấn trong lần đầu kết nối SIM tới nhà mạng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của hệ thống. Nếu kích hoạt dịch vụ thành công, nội dung các gói tin phát sinh khi người dùng thực hiện cuộc gọi giữa hai thuê bao với nhau sẽ không còn chứa mã IMEI cũng như sẽ tạm bỏ qua bước kiểm tra IMEI hợp lệ”, vị chuyên gia hệ thống mạng viễn thông này nói.
Tương tự, một chuyên gia bảo mật độc lập tại TP.HCM cũng khẳng định nhà mạng có biết và lưu lại IMEI điện thoại khi sử dụng dịch vụ mạng của nhà mạng đó. Vấn đề chính trong việc khóa dịch vụ mạng của một chiếc điện thoại bằng IMEI không hẳn ở kỹ thuật mà là tính pháp lý.
Các chuyên gia cũng cho rằng, một hệ thống khóa dịch vụ điện thoại từ IMEI nếu có ở Việt Nam, thì nó sẽ hoạt động đồng bộ hơn khi tất cả các nhà mạng cùng “bắt tay” với nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.