Nhà thơ Bằng Việt viết “Bếp lửa”: Kỷ niệm tuổi thơ ùa về

Thanh Hà (thực hiện) Thứ ba, ngày 09/02/2016 06:38 AM (GMT+7)
Những câu thơ trong bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt.
Bình luận 0

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”…

Từ bao đời nay, bếp trong mỗi gia đình người Việt là biểu tượng kết nối yêu thương của mỗi người; là một đặc tính văn hóa của dân tộc; bếp gắn kết vợ chồng, con cái, hàng xóm, xa hơn nữa là bản làng, cộng đồng và toàn xã hội. Với riêng ông, bếp lửa có ý nghĩa gì khác?

- Bếp lửa là hình tượng rất đẹp thể hiện sự đầm ấm của gia đình, gia tộc. Một bếp lửa gia đình thường chỉ có thể hội tụ được đông đủ các thành viên trong ngày trọng đại như ngày lễ, tết, những ngày kỷ niệm, hoặc gia đình có cuộc họp mặt mang tính truyền thống. Chính vì vậy mà bếp lửa luôn gợi cho tôi cảm giác sự ấm nóng, về tình cảm gia đình. Hình ảnh bếp lửa đã tạo thành cảm hứng cho tôi khi sáng tác bài thơ như thế.

img

Nhà thơ Bằng Việt

Một ý nữa là ngọn lửa luôn là hình tượng đẹp,  rất lung linh, đó là mỹ cảm. Tôi cũng nhìn thấy ngọn lửa tạo ra năng lượng, tạo một niềm vui sống như là chức năng giáo dục. Còn chức năng cuối cùng là giải trí thì ngọn lửa cũng là nơi để con người đốt lửa để ngồi tâm tình trò chuyện, là lúc trẻ con nghe người già kể chuyện…

Là người đã từng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, từ chiến tranh đến lúc hòa bình, chắc hẳn với ông, bếp lửa ở từng giai đoạn cũng tạo ra rất nhiều xúc cảm?

-Với tôi, ấn tượng sâu sắc và không thể nào quên trong suốt tuổi thơ là ánh lửa nhảy múa quanh nồi bánh chưng ngày tết, mà tôi và các em quây quần bên bà ngồi trông. Vì vậy khi nhớ về bà nội, về tuổi thơ của mình, tôi luôn coi bếp lửa là nhân vật thứ hai, một nhân vật có đời sống, số phận thật sự. Nó giống như một người bạn mà tôi cũng tâm tình, trò chuyện để rồi nó khơi gợi lại cho tôi tất cả những kỷ niệm tốt đẹp nhất của tuổi thơ, đồng thời tạo cho tôi sự yêu đời trong những ngày xa nhà, xa Tổ quốc.

Ai người đầu tiên ông chia sẻ khi bài thơ “Bếp lửa” ra đời?

-Tôi đã viết  “Bếp lửa” khi mới ngoài 20 tuổi, đang học ở Nga, tại một thành phố xa quê hương nửa vòng Trái đất. Trong một không khí giá lạnh, toàn băng tuyết thì tôi lại nghĩ đến cái ấm, nóng, ngọn lửa nhảy tí tách trong bếp nhà mình. Trong lòng tôi chợt dâng lên một cảm xúc mãnh liệt, một nỗi nhớ da diết về gia đình, về bà nội, về bếp lửa…  Những kỷ niệm về tuổi thơ của tôi chợt hiện lên sống động hơn bao giờ hết. Ngay sau khi viết xong bài thơ, tôi đã gửi đến báo Văn Nghệ và đăng vào tháng 9.1963. Ðó là bài thơ thứ 2 của tôi được đăng báo.

Câu thơ nào trong bài thơ chứa đựng nhiều kỷ niệm riêng tư nhất của ông?

- Câu thơ gây cho tôi nhiều xúc động và kỷ niệm nhất đó là về hình ảnh người bố của tôi. “Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy/Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu/Nhớ lại sống mũi còn cay…”. Có người đã từng nhận xét về khổ thơ này của tôi rằng, cách diễn đạt của nhà thơ Bằng Việt hết sức Việt Nam, hết sức dân dã trong cuộc sống bình thường của người Việt. Nếu không phải là đứa trẻ đã từng sống ở nông thôn, đã từng ngồi ngửi khói bếp đến cay xè mắt thì không thể có được cách tả chân thực, viết được câu thơ hết sức tự nhiên như vậy.

Với câu “Bố đánh xe khô rạc ngựa gầy”… nhiều người cũng thắc mắc đây là câu thơ thật hay chỉ là tác giả tưởng tượng, hư cấu ra như vậy. Tôi xin  khẳng định đây là câu thơ thật một trăm phần trăm. Gia đình tôi ở Huế di tản ra miền Bắc, bố tôi không xin được việc làm nên đã nhờ ông anh họ cho đi phụ đánh xe ngựa tuyến đường từ Hà Nội đi thị trấn Phùng, Ðan Phượng. Và từ một anh công chức chuyên làm việc giấy tờ, sổ sách, bố tôi trở thành anh đánh xe ngựa nghiệp dư suốt 4 năm để lấy tiền nuôi vợ, nuôi con. Ðó là hình ảnh ấn tượng, trở thành một kỷ niệm sâu sắc trong tôi mỗi khi nhớ về bố mình.

Xin cảm ơn nhà thơ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem