Nhà thơ Dương Thuấn: Tôi phải kêu cứu cho hồ Ba Bể

Thứ tư, ngày 18/05/2011 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mới đây, nhà thơ Dương Thuấn đã gửi thư lên lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam phản đối bản tin thời sự của đài đã đưa tin không đúng sự thật về hồ Ba Bể ở Bắc Kạn quê hương ông.
Bình luận 0

Trong lá thư dài gần 3 trang giấy A4 gửi cho VTV, ông thể hiện sự bức xúc trước những thông tin về việc khai thác quặng ở Pù Ổ (xã Đồng Lạc, Chợ Đồn, Bắc Kạn) mà VTV1 phát sóng ngày 12.5 trong bản tin thời sự. Ông có thể nói rõ hơn về sự việc này?

- Tôi viết lá thư ấy với tư cách là Tổng Thư ký Hội Những người yêu hồ Ba Bể và Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Kạn để lên tiếng về những thông tin sai sự thật mà người ta đang cố tình nói về tình trạng khai thác quặng tại Pù Ổ- một việc làm chắc chắn sẽ dẫn tới việc đẩy nhanh hơn sự bồi lấp hồ Ba Bể hiện nay.

img
Bãi bồi trong lòng hồ Ba Bể xuất hiện vài năm gần đây. (Ảnh do nhà thơ Dương Thuấn cung cấp).

Khảo sát của hội tại Pù Ổ vào tháng 4.2011 cho thấy nguồn nước rửa quặng không được xử lý mà xả thẳng ra suối chảy về hồ. Mẫu nước đem đi xét nghiệm cho thấy bị ô nhiễm tới mức báo động. Chúng tôi buộc phải lên tiếng đòi VTV phải đính chính những thông tin họ đã đưa.

img
Nhà thơ Dương Thuấn

Dương Thuấn là người nổi tiếng với những vần thơ dạt dào tình cảm của người miền núi trong “Đi tìm bóng núi”, “Tình ca bên suối”, “Khúc hát sông Năng”... giờ hoạt động năng nổ như một chiến sĩ bảo vệ môi trường, điều này hơi lạ...

- Tôi nghĩ cũng không có gì lạ, tôi là người con của núi cao rừng thẳm. Hồ Ba Bể quê tôi giống như một trái tim trong cơ thể mà người con nào của quê tôi cũng nâng niu, trân trọng. Tôi đồ rằng với tốc độ bị xâm hại như hiện nay, chỉ trong vòng 40 năm nữa, hồ Ba Bể- viên ngọc thiên nhiên quý báu, 1 trong 20 hồ nước ngọt của thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt sẽ bị bồi lấp và biến thành bãi đất bồi hoàn toàn. Vì thế tôi không thể không lên tiếng.

Về góc độ văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc Tày của ông, việc bảo vệ hồ Ba Bể phải chăng lại càng có ý nghĩa đặc biệt hơn?

- Đúng vậy, nhìn thấy hồ bị xâm hại từng ngày, tôi xót xa, và càng xót xa hơn cho văn hóa của người dân tộc Tày.

Khi tôi còn nhỏ, hồ Ba Bể là một vùng yên bình thơ mộng, người dân đi lại bằng thuyền độc mộc. Những bản nhà sàn, những người con gái ngồi dệt cửi soi bóng xuống hồ. Giờ thì 3 trong 6 hồ thông nhau đã bị bồi lấp hoàn toàn, diện tích mặt nước còn lại ngày càng thu hẹp, những ngôi nhà sàn nằm trơ trên bãi đất bồi.

Người dân thuở xưa sống bằng nghề chài lưới kiếm cá tôm và trân trọng sản vật trời đất, giờ thì đã biết đánh cá bằng gí điện, bằng mìn, vào rừng nguyên sinh tàn sát cây quý. Rồi bùn đất, như phế thải cứ lừ lừ dâng lên bồi lấp mặt nước hồ trong xanh.

Sự việc chính quyền cấp phép cho doanh nghiệp khai thác quặng sắt ở Pù Ổ được người Tày quê ông nhìn nhận thế nào?

Nhà thơ Dương Thuấn là người dân tộc Tày, sinh năm 1959 tại bản Hon, Ba Bể, Bắc Kạn, tốt nghiệp thủ khoa ngành Thơ khóa 4 tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Hai câu thơ được xem như “tuyên ngôn” của ông được khá nhiều người nhắc đến: “Ta là chàng trai của núi/Ta chỉ biết nói lời cho quả sai”.

- Ôi, người Tày quê tôi lạ lắm. Trong tay tôi có những lá đơn của tổng cộng 206 người dân đại diện cho các hộ gia đình sống trong khu vực khai thác quặng gửi đến hội chúng tôi kêu cứu. Trong số họ, có rất nhiều gia đình có con cái cũng làm việc cho cái công ty ấy, nhưng họ vẫn ký vào đơn. Hỏi tại sao, họ bảo, thấy cái gì sai thì phải ký thôi, việc giữ cái hồ quan trọng hơn chứ...

Nghe nói vì lên tiếng bảo vệ hồ Ba Bể mà ông cũng đã nhận được khá nhiều lời “mời mọc”?

- Khi biết tôi quyết tâm lên tiếng bảo vệ hồ, lãnh đạo tỉnh bảo tôi: “Thôi ông nói bớt đi, đây là vấn đề tế nhị”, còn nhiều kẻ thì gọi điện đến gạ gẫm: “Anh thôi đi, cần gì thì cứ nói, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng”. Nhưng tôi không thôi, tôi phải nói và tiếp tục kêu cứu cho Ba Bể, đó là việc làm cho con cháu những đời sau nữa chứ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem