Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày xưa tôi làm ai phật ý, người ta lại đến mách nhà thơ Xuân Diệu”

Tuệ Lâm Thứ năm, ngày 09/01/2025 17:02 PM (GMT+7)
"Ai đó tiếp xúc với tôi, có điều gì đó phật ý, họ lại mách Xuân Diệu", nhà thơ Trần Đăng Khoa kể. Mỗi lần như thế, nhà thơ Xuân Diệu lại đưa ra lời khuyên cho nhà thơ kém mình 42 tuổi.
Bình luận 0

Mới đây, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có buổi giao lưu, gặp gỡ với các độc giả tại một sự kiện với chủ đề "Lời khuyên của nhà thơ dành cho các ba mẹ trẻ". Trong sự kiện này, một độc giả trẻ đến từ Long Biên (Hà Nội) đã lên sân khấu đặt câu hỏi cho nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Vì sao bác lại viết được những vần thơ hay như vậy?", nhà thơ Trần Đăng Khoa trả lời: "Rất đơn giản thôi. Bác biết làm thơ năm 8 tuổi và 10 tuổi đã ra tập thơ đầu tiên. Năm 17 tuổi, một hãng truyền hình của Pháp do đạo diễn - nhà thơ cộng sản Pháp Gérard Guillaume về làng bác ở Hải Dương thực hiện bộ phim Thế giới nhỏ của Khoa, một bộ phim tài liệu dài 30 phút. 

Bộ phim này đã được phát trên kênh truyền hình Pháp và châu Âu vào thời điểm giao thừa ngày 1/1/1969, được giải thưởng Culture của Đảng Cộng sản Pháp".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày xưa tôi làm ai phật ý, người ta lại đến mách nhà thơ Xuân Diệu” - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa được các độc giả lớn tuổi tặng hoa và những tờ báo cũ có bài viết về ông. Ảnh: NS Tân Việt

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể rằng, đoàn làm phim Pháp do nhà thơ Xuân Diệu dẫn về làng. Những cảnh quay được thực hiện năm 1968, ghi lại hình ảnh về cuộc sống của cậu bé Khoa (khi ấy mới 10 tuổi) ở Hải Dương. "Ông hoàng thơ tình" là người trực tiếp làm phiên dịch rồi trực tiếp giới thiệu thơ của Trần Đăng Khoa với bà con dân làng và các bạn thiếu nhi trong làng.

"Trong phim, nhà thơ Xuân Diệu xuất hiện 3 lần. Phần mở đầu ông nói về thơ tôi, phần giữa ông đọc thơ tôi và khi kết phim. Đó là những trường đoạn rất sinh động và rất quý hiếm. Đây cũng là hình ảnh duy nhất lưu giữ được hình bóng ông trọn vẹn cả hình cả tiếng lúc sinh thời.

Trong phim, chúng tôi sống thế nào, làm thơ thế nào, vui chơi thế nào, họ quay đúng như thế. Ông đạo diễn chỉ bảo: "Các em đừng để ý đến máy quay, cũng đừng để ý đến các bác", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày xưa tôi làm ai phật ý, người ta lại đến mách nhà thơ Xuân Diệu” - Ảnh 2.

Hình ảnh nhà thơ Trần Đăng Khoa trong phim tài liệu "Thế giới nhỏ của Khoa". Ảnh: TL

Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: "Tôi rất yêu bộ phim này, không phải vì trong đó có tuổi thơ của tôi mà quý hơn là hình ảnh con người thật của nhà thơ Xuân Diệu. Tôi cứ tiếc, giá hồi đó, mình xuất hiện ít hơn, để dành nhiều thời lượng cho nhà thơ Xuân Diệu, Trần Thị Duyên và bạn bè tôi, những người không bao giờ còn về lại được nữa.

Bây giờ, chúng ta có Bảo tàng Hội Nhà Văn, lại có Hãng phim Hội Nhà văn. Tôi mong Hãng phim chỉ làm phim về các nhà văn thôi. Làm sao ghi lại được hết hình ảnh, bóng dáng và vẻ đẹp của họ. Đừng để khi họ đã mất rồi, chúng ta mới khẳng định giá trị của họ. Và đến lúc ấy, chúng ta mới lại thấy tiếc. Tiếc nhưng tất cả đều đã muộn rồi. Có muốn làm lại cũng không làm lại được nữa".

Mối thâm tình đặc biệt giữa nhà thơ Trần Đăng Khoa với nhà thơ Xuân Diệu

Thực tế, giữa nhà thơ Trần Đăng Khoa và cố nhà thơ Xuân Diệu có một mối thâm tình rất đặc biệt. Bài thơ Hạt gạo làng ta – một bài thơ gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Trần Đăng Khoa được chính thi sĩ Xuân Diệu hiệu đính và nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ thành nhạc vào năm 1971.

Trước đó, vào năm 1968, nhà thơ Xuân Diệu về nhà của Trần Đăng Khoa ở Nam Sách, Hải Dương. Để tránh cho cậu bé Khoa không tự kiêu khi có nhà thơ lớn đến tìm, các cán bộ ở huyện Đoàn sắp xếp, bố trí cho nhà Xuân Diệu và Huy Cận về tham dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ ở Nam Sách. Nhưng khi về đến Nam Sách, nhà thơ Xuân Diệu đã trốn khỏi đại hội, tự tìm đến ngôi nhà nhỏ của cậu bé có tài thi ca.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ngày xưa tôi làm ai phật ý, người ta lại đến mách nhà thơ Xuân Diệu” - Ảnh 3.

Nhà thơ Xuân Diệu xuất hiện trong bộ phim tài liệu về Trần Đăng Khoa. Ảnh: Chụp màn hình VTV.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể, chiều hôm sau, dân làng đổ đến nhà ông để xem "hai ông Tây" (tức nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận). Trong lúc nhà thơ Huy Cận nói chuyện với mọi người trong làng thì nhà thơ Xuân Diệu kéo Trần Đăng Khoa ra góc vườn.

"Ông ngồi bệt xuống góc sân trước cửa chuồng gà và bắt đầu chất vấn tôi. Mồ hôi ông vã đầm đìa, ướt đẫm cả áo sơ mi kẻ sọc. Xuân Diệu mở cuốn sổ thơ mà ông chép tay, rồi bắt đầu đánh dấu, ghi chép. Tôi không biết ông có nghe tôi không. Thỉnh thoảng, gương mặt ông lại ngẩn ra, nom xa vợi như ông đang nghĩ đến một chuyện nào khác", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Trong chùm thơ của Trần Đăng Khoa, nhà thơ Xuân Diệu chú ý đặc biệt tới bài Mưa. Ông hỏi "thần đồng thơ ca" những hình ảnh thú vị như "ông trời mặc áo giáp đen", "bố đội sấm đội chớp"…

Sau cuộc gặp gỡ ấy, nhà thơ Xuân Diệu trở thành người thầy dạy nghề nghiêm khắc, gần gũi và thân thiết của Trần Đăng Khoa.

img
img

Nhà thơ Trần Đăng Khoa tại cuộc gặp gỡ các độc giả. Ảnh: NS Tân Việt

"Ai đó tiếp xúc với tôi, có điều gì đó phật ý, họ lại mách Xuân Diệu", nhà thơ Trần Đăng Khoa kể. Mỗi lần như thế, nhà thơ Xuân Diệu lại đưa ra lời khuyên cho nhà thơ kém mình 42 tuổi.

Mỗi lần sáng tác được bài thơ hay, tập thơ ưng ý hay một trường ca, nhà thơ Trần Đăng Khoa lại chép thêm một bản để gửi cho "chú Xuân Diệu". Nhận được thơ, "ông hoàng thơ tình" thường gửi thư lại cho "cháu Khoa" ngay, kèm những nhận xét ngắn gọn, súc tích.

Sau này, khi lớn hơn, Trần Đăng Khoa có nhiều dịp tới thăm nhà thơ Xuân Diệu ở Hà Nội. Ông thuộc từng nếp sống, đoán biết tâm lý của bậc cha chú. Theo miêu tả của Trần Đăng Khoa, Xuân Diệu cống hiến hết mình cho thơ ca nhưng về cuối đời, tác giả Thơ thơ thường nghĩ tới tuổi già, cái chết và càng nghĩ về thời gian đời người bao nhiêu ông càng làm việc nhiệt huyết bấy nhiêu.

Trần Đăng Khoa nói, ông may mắn khi lúc lẫm chẫm bước chân vào làng thơ ở tuổi lên 10 đã được gặp nhà thơ Xuân Diệu. Trần Đăng Khoa đến với thơ hồn nhiên như em bé đến với trò chơi nhưng khi gặp Xuân Diệu, "thần đồng thơ ca" hiểu được rằng, thơ không bao giờ là trò chơi, nó là một công việc sáng tạo cực nhọc.

"Có thể nói may mắn cho đời tôi là tôi đã sớm gặp Xuân Diệu. Không phải tôi đến với ông mà chính ông tìm đến với tôi. Trong quan hệ, ông đối xử với tôi rất bình đẳng. Ông gọi tôi bằng "cháu", đôi khi hứng lên gọi bằng "em". Nhưng trong sáng tác, ông coi tôi như một người bạn đồng nghiệp, còn tôi thì luôn biết mình là một người học trò nhỏ bé của ông", nhà thơ Trần Đăng Khoa viết trong Chân dung và đối thoại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem