Nhà Trần đánh bại 800.000 quân Nguyên như thế nào?

Thứ tư, ngày 23/05/2018 15:33 PM (GMT+7)
Dưới thời trị vì của mình, nhà Trần hai lần đánh bại quân Nguyên hùng mạnh, do Thoát Hoan chỉ huy. Đó là một trong những đỉnh cao chói lọi của nghệ thuật quân sự của người Việt.
Bình luận 0

Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, chiến công hai lần đánh bại quân Nguyên xâm lược vào các năm 1285, 1287-1288 là một trong những mốc son chói lọi nhất.

Trong chiến công đó, hai vị vua của nhà Trần là Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò của đấng quân vương mà còn là chỉ huy trực tiếp trên chiến trường.

Nhà Nguyên và âm mưu xâm chiếm nước ta

Sau thất bại năm 1258, nhà Nguyên chưa từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Đầu năm 1284, vua Nguyên phong cho Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương, mang đội quân đông đảo và thiện chiến xuống phía Nam, lấy cớ "mượn đường đánh Chiêm Thành" để xâm lược nước ta. Số quân này, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, là 500.000 người.

Sau khi vượt qua biên giới, quân Nguyên đánh bại quân ta ở một số nơi. Trước sức mạnh của kẻ địch, Trần Quốc Tuấn phải rút quân về Vạn Kiếp.

img

Phật hoàng Trần Nhân Tông - vua trực tiếp chỉ huy quân đội Đại Việt đánh bại quân Nguyên xâm lược.

Tháng 2.1285, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem binh thuyền tấn công Vạn Kiếp. Sau đó, địch tổ chức bao vây 10.000 quân ta tại Bình Than. Một trận thủy chiến lớn diễn ra tại đây.

Sau trận này, quân ta rút về đóng trên sông Hồng, tập trung thủy quân và xây dựng các chiến lũy bằng gỗ trên bờ nam để cầm chân quân Nguyên, tạo thời gian cho việc sơ tán quân dân khỏi kinh thành theo kế “vườn không nhà trống”.

Tháng 3.1285, cánh quân Nguyên từ Chiêm Thành đánh thốc vào phía nam Đại Việt. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông sai Trần Quang Khải đón đánh Toa Đô ở Nghệ An.

Do chênh lệch lớn về lực lượng, Trần Quốc Tuấn phải đưa hai vua rút về vùng bờ biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, sau đó lại rút về Thanh Hóa.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tại Thanh Hóa, hai vua Trần đã chỉnh đốn, tổ chức lại lực lượng. Theo nhận định của vua Trần Nhân Tông, “giặc nhiều năm phải đi xa, lương thảo chuyên chở hàng vạn dặm, thế tất mỏi mệt. Lấy nhàn chống mệt, trước hết hãy làm chúng nhụt chí, thì ắt là đánh bại được chúng”.

Sau đó, vua và Trần Quốc Tuấn chia đại quân thành nhiều mũi thực hiện tổng phản công. Dưới sự thống lĩnh của Trần Quốc Tuấn, các cánh quân ta liên tiếp đánh thắng giặc Nguyên, giải phóng Thăng Long. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông thân chinh ra bắc, đập tan lực lượng của giặc Nguyên trong trận Trường Yên vào tháng 6.1285.

Ngày 24.6.1285, quân ta tiến đánh cánh quân Toa Đô tại Tây Kết (Khoái Châu - Hưng Yên). Toa Đô bị chém tại trận, quân ta bắt hơn 50.000 quân Nguyên, tịch thu vô số khí giới.

Cùng lúc đó, Trần Quốc Tuấn, mở nhiều cuộc tấn công lớn trên bờ bắc sông Hồng và quét sạch cánh quân Thoát Hoan khỏi Đại Việt. Tháng 7.1285, thái thượng hoàng và nhà vua ca khúc khải hoàn trở về Thăng Long. Vua Trần Nhân Tông đã phóng thích các tù binh về nước.

Thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai khiến Hốt Tất Liệt càng thêm căm phẫn, quyết tâm trả thù bằng mọi giá.

Cuộc tháo chạy lịch sử của Thoát Hoan

Cuối năm 1286, vua Nguyên lại huy động 300.000 quân (có tài liệu ghi 500.000 quân) và hàng trăm chiến thuyền tiếp tục xâm lược Đại Việt.

Tháng 12.1287, quân thủy bộ nhà Nguyên chia làm 3 đạo tiến vào Đại Việt. Tháng 2.1288, quân Nguyên đánh phá Thăng Long. Quân ta bỏ thành rút lui, tiếp tục thực hiện “vườn không nhà trống”.

Sau khi vào Thăng Long, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi truy đuổi vua Trần, nhưng vua đã lui xuống hạ lưu sông Hồng, rồi theo cửa Giao Thủy đi ra biển vòng lên Đồ Sơn.

Ở Thăng Long không có lương thực, Thoát Hoan lúng túng. Không những thế, quân ta đã phản công mạnh mẽ và kiểm soát vùng Hải Dương và Hải Phòng, đẩy Thoát Hoan vào nguy cơ bị cắt đường về Vạn Kiếp. Tướng giặc buộc phải rút quân khỏi Thăng Long, quay về Vạn Kiếp.

img

Chiến thắng Bạch Đằng là đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự của người Việt.

Cuối tháng 3.1288, Thoát Hoan quyết định lui quân khỏi Đại Việt, Ô Mã Nhi được lệnh dẫn một cánh quân thủy rút về trước. Tháng 4.1288, cánh quân này lọt vào trận địa mai phục của đại quân ta ở sông Bạch Đằng. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua và Trần Quốc Tuấn, quân ta tiêu diệt toàn bộ cánh thủy quân Nguyên, bắt sống nhiều tướng lĩnh và tịch thu hàng trăm thuyền chiến.

Ngày 18.4, vua Trần về phủ Long Hưng (Thái Bình), đưa các bại tướng của trận Bạch Đằng bị bắt đến trình diện trước lăng vua Trần Thái Tông.

Một ngày trước trận Bạch Đằng, đại quân Nguyên bắt đầu rút từ Vạn Kiếp lên Lạng Sơn. Quân Đại Việt liên tục phục kích, chặn đánh gây cho quân Nguyên tổn thất rất lớn. Đến ngày 19.4.1288, quân Nguyên đã bị đánh bật hoàn toàn khỏi Đại Việt.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, khi tháo chạy về đến Lạng Sơn, đội quân bại trận của Thoát Hoan tiếp tục bị cánh quân của Phạm Ngũ Lão mai phục đánh cho tơi bời, cố chạy “bán sống bán chết” về phương Bắc. Riêng Thoát Hoan chui vào ống đồng cho quân lính khiêng chạy về nước.

Sau thất bại này, quân Nguyên không còn dám xâm lược nước ta thêm lần nào nữa. Cũng từ đây, nhà Nguyên bắt đầu bước vào thời kỳ suy yếu, cho đến khi sụp đổ vào năm 1368.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem