Nhiều niềm vui, nhưng chưa hết lo

Thứ ba, ngày 08/06/2010 09:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mỗi động thái của hoạt động các thống kê về xuất nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm đem lại cho chúng ta nhiều niềm vui lớn, nhưng về sâu xa vẫn còn đó những nỗi lo.
Bình luận 0
img
Bốc dỡ phân bón nhập khẩu tại cảng Hải Phòng.

Những niềm vui

Về xuất khẩu, tháng 5 đã đạt quy mô lớn nhất trong nhiều tháng qua, vượt qua mốc 6 tỷ USD, tăng tới 1,44% so với tháng trước và tăng tới 37,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng kim ngạch xuất khẩu đạt 25.830 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 6% theo mục tiêu đề ra cho cả năm.

Đóng góp vào việc tăng lên của kim ngạch xuất khẩu, theo tính toán sơ bộ, thì giá tăng khoảng 8%, cao gần gấp đôi tốc độ tăng (khoảng 4,3%) về lượng. Cũng đóng góp vào sự tăng lên của kim ngạch xuất khẩu là kim ngạch một số mặt hàng tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 7%. Kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm công nghiệp chế biến tăng 11,6%.

Trong hai khu vực, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,8 tỷ USD, tăng 25,9%, cao gấp đôi tốc độ tăng chung; nhờ vậy, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã tăng từ 47,8% trong 5 tháng đầu năm 2009 lên 53,4% trong 5 tháng đầu năm nay.

Nhập siêu tháng 5 đã giảm cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với kim ngạch xuất khẩu và đều là các mức thấp nhất tình từ đầu năm. Tỷ lệ nhập siêu qua các tháng như sau:

Tháng 1 là 19,4%, tháng 2 là 35,6%, tháng 3 là 20,7%, tháng 4 là 22,1% (4 tháng là 23,4%), tháng 5 là 12,3% (5 tháng là 20,8%).

Như vậy, cùng với sự giảm nhiệt của lạm phát từ tháng 4 (0,14%) và tiếp tục ở mức thấp (0,27%) thì một vấn đề nóng khác của kinh tế vĩ mô là nhập siêu đến tháng 5 cũng đã được hạ nhiệt. Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui đó thì trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nhập siêu vẫn còn đó những nỗi lo.

Những nỗi lo

Mặc dù nhập siêu tháng 5 đã giảm xuống nhưng tính bình quân 1 tháng trong 5 tháng vẫn ở mức trên 1 tỷ USD. Mức nhập siêu trong những tháng cuối năm thường cao hơn giữa năm (do giá nhập khẩu tăng cao hơn, do nhu cầu nhập khẩu để sản xuất và nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết cao), nên nhập siêu giảm trong tháng 5 cũng chưa thể vội mừng.

Về xuất khẩu, trong tổng kim ngạch 6,1 tỷ USD của tháng 5, thì có tới 800 triệu USD là tái xuất vàng, chiếm tới 13,1%. Nếu loại trừ yếu tố này thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thông thường chỉ còn 5,3 tỷ USD, chỉ tăng 0,47% so với tháng 4 và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước và nhập siêu của tháng 5 sẽ vượt lên mức 1,55 tỷ USD.

Trong hai yếu tố giá và lượng đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu như trên đã nêu, thì tỷ trọng đóng góp của việc tăng lượng xuất khẩu là thấp (so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng năm nay tăng xấp xỉ 2,9 tỷ USD, trong đó do giá xuất khẩu tăng đóng góp trên 1,8 tỷ USD, còn lượng xuất khẩu tăng chỉ đóng góp gần 1,1 tỷ USD).

Thậm chí lượng xuất khẩu của một số mặt hàng đã giảm so với cùng kỳ năm trước, như sắn giảm 51,3%, cà phê giảm 15,2%, gạo giảm 10,5%…

Về xuất khẩu, tính chung 5 tháng so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vẫn cao hơn gấp đôi tốc độ tăng của xuất khẩu (29,8% so với 12,6%). Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 29,8%, nhưng nhóm cần kiểm soát nhập khẩu đã tăng tới 64,8%, vừa cao hơn tốc độ tăng của nhóm cần khuyến khích nhập khẩu (27,5%), vừa cao hơn tốc độ tăng chung.

Nhóm nguyên - nhiên - vật liệu nhập khẩu với khối lượng và kim ngạch lớn, trong khi có một số mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được hoặc nếu quan tâm hơn đến vịêc phát triển công nghiệp phụ trợ. Đáng lưu ý, giá nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu tăng thấp hơn giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Chẳng hạn, giá sản phẩm dệt may tăng 5- 10%, nhưng giá bông tăng 63,7%, giá sợi tăng 33,6%); giá sản phẩm gỗ chỉ tăng khoảng 10%, nhưng giá nguyên liệu gỗ tăng 25- 30%; giá sản phẩm nhựa tăng 20% thì giá chất dẻo nguyên liệu tăng tới 43,7%…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem