Nhìn lại những sự kiện đặc biệt của Triều Tiên năm 2014 qua ảnh

Đông Phong (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 13/12/2014 08:00 AM (GMT+7)
Sự biến mất bí ẩn dẫn đến những đồn đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, sự nổi lên của em gái ông Kim trên chính trường hay một số sự kiện chính trị quan trọng là những tin tức về Triều Tiên được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm trong suốt năm 2014.
Bình luận 0

img

Hôm 6.1, Ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman dẫn đầu đội cựu ngôi sao của giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) tới tham dự một trận giao hữu với  tuyển bóng rổ Triều Tiên. Đây là chuyến thăm thứ 4 của Rodman tới Triều Tiên trong hơn một năm trở lại đây. Rodman là người Mỹ nổi bật nhất từng gặp nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nổi tiếng là người hâm mộ môn bóng rổ, đặc biệt là đội Chicago Bulls nơi mà Rodman từng là một ngôi sao sáng. Trong ảnh là nhà lãnh đạo Kim Jong-un (đứng giữa) và ngôi sao Dennis Rodman (đeo kính) chụp ảnh lưu niệm.

Trong dịp này, trước mặt quan khách và khán giả, ngôi sao bóng rổ người Mỹ còn hát tặng nhà lãnh đạo Kim Jong-un một bài hát chúc mừng sinh nhật.

img

Đầu tháng 3.2014, người dân Triều Tiên nô nức tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử 5 năm một lần để chọn các đại biểu Quốc hội Triều Tiên.  Mỗi năm Quốc hội Triều Tiên họp từ 1-2 lần để thông qua các chính sách do chính phủ đề xuất hoặc xem xét lại những chính sách quan trọng.

img
 

Đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền hồi cuối năm 2011. Giới quan sát cho rằng, kết quả bầu cử lần này cho thấy nhà lãnh đạo trẻ đã tự tin trong việc củng cố quyền lực.  Trong ảnh là binh sĩ Triều Tiên nhảy múa vào ngày 9.3, sau khi bỏ phiếu bầu quốc hội.

img

Ngày 31.3.2014,  Triều Tiên, Hàn Quốc bất ngờ đấu pháo dữ dội. Triều Tiên đã bắn khoảng 500 quả đạn pháo tại vùng biển gần đường giới tuyến tranh chấp trên Hoàng Hải, 100 quả đạn pháo trong đó đã rơi xuống phía Nam đường giới tuyến về phía vùng biển của Hàn Quốc. Sau đó, Hàn Quốc đã đáp trả 30 phút, việc bắn hơn 300 quả đạn pháo bằng loại pháo tự hành K-9 vào vùng biển phía Bắc đường giới tuyến. Triều Tiên tuyên bố, họ đang tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật nhưng vụ đấu pháo trên biển Hoàng Hải càng làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng vốn đã nóng bỏng và quyết liệt trên vùng bán đảo này. Trong ảnh là người dân Hàn Quốc lo lắng dõi theo tình hình về cuộc đấu pháo trên truyền thông.

img

Cuối tháng 6.2014, Triều Tiên nổi giận với một phim mới của Hollywood với nội dung là về một âm mưu ám sát lãnh đạo Kim Jong-un. Bộ phim hài có tựa đề “The Interview” kể về câu chuyện của một nhà báo Mỹ đến Bình Nhưỡng để phỏng vấn lãnh đạo Kim Jong-un nhưng sau đó được  giao nhiệm vụ ám sát lãnh đạo Triều Tiên. Bộ phim dự kiến được công chiếu tại 63 nước trên thế giới. Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên án gay gắt bộ phim là “hành động khủng bố công khai nhất”, đồng thời cảnh báo “một biện pháp đối phó mạnh mẽ và tàn nhẫn” nếu chính quyền Mỹ làm ngơ và đỡ đầu cho việc công chiếu bộ phim này. Những ầm ĩ về bộ phim này vẫn còn tiếp tục kéo dài sau khi có tin một nhóm hacker đòi Sony, hãng sản xuất The Interview phải xóa bỏ bộ phim trên.

img

Hôm 9.7, trong buổi lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất ông nội, Chủ tịch Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để lộ tình trạng sức khỏe không tốt khi bước đi tập tễnh vào hội trường. Ông Kim tiếp tục đi khập khiễng khi đến thăm Cung điện mặt trời Kumsusan, nơi yên nghỉ của ông Kim Nhật Thành và Kim Jong-il đêm trước đó.

img

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên bước đi khập khiễng khiến dư luận đồn đoán  ông có thể  bị bong gân mắt cá chân hoặc đau đầu gối sau chuyến thăm và chỉ đạo các căn cứ quân sự ở bờ Đông Triều Tiên hoặc gặp di chứng của bệnh gout.

Clip nhà lãnh đạo Kim Jong-un tập tễnh bước vào khán phòng với tình trạng sức khỏe không tốt.

img

Những tin đồn về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang bị bệnh càng được củng cố sau khi nhà lãnh đạo trẻ liên tục vắng mặt trong 2 sự kiện quan trọng là lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên 10.10, và Quốc khánh Triều Tiên 9.9. Việc biến mất trong gần 40 ngày của lãnh đạo Triều Tiên khiến một số người xem là dấu hiệu cho thấy nguy cơ hỗn loạn chính trị đang diễn ra ở đất nước này. Trong ảnh là nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) trong lần đi thị sát tập trận nhảy dù ngày 28.8.2014, không lâu trước khi "biến mất".

img
Ngày 10.10, Đảng Lao động Triều Tiên kỷ niệm 69 năm ngày lập Đảng trong bầu không khí lễ hội tràn ngập thủ đô Bình Nhưỡng. Quốc kỳ, cờ hoa tung bay trên đường phố. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục vắng mặt trong sự kiện quan trọng này làm dấy lên nhiều đồn đoán về sức khỏe cũng  như bất ổn chính trị ở  Triều Tiên.  Trong ảnh là quân đội Triều Tiên duyệt binh trước khu tưởng niệm ông Kim Nhật Thành và Kim Jong Il nhân kỷ niệm 69 năm thành lập Đảng Lao động.
img

Giữa lúc tin đồn về sự "mất tích" của nhà lãnh đạo Triều Tiên, thì truyền thông Hàn Quốc lại rộ đưa tin cô Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, có thể đang nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên thay anh trai mình. Từ lần xuất hiện đầu tiên trong một bức ảnh chụp tai Hội Nghị lần thứ  3 của Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 9.2010, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhiều lần "kề vai sát cánh" bên anh trai trong nhiều sự kiện chính trị quan trọng cũng như các chuyến thị sát.

img

Hồi tháng 3, cô Kim Yo-jong chính thức xuất hiện trước công chúng khi đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội với chức danh một quan chức cấp cao. Hôm 27.11 vừa qua, truyền thông Triều Tiên loan báo, em gái lãnh đạo Kim Jong-un chính thức được bổ nhiệm vào chức vụ mới là Phó Trưởng ban của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Nhiều nhà phân tích dự đoán, với vị trí này, bà Kim Yo-jong sẽ nhanh chóng trở thành người phụ nữ quyền lực nhất Triều Tiên.

img

Sau hơn một tháng "mất tích", truyền thông Triều Tiên bất ngờ đăng ảnh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chống gậy "tái xuất" trong một buổi đi thị sát. Mặc dù còn phải chống gậy nhưng việc nhà lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện đã đập tan các tin đồn về một cuộc đảo chính ở Triều Tiên.

img
Hôm 8.11, Triều Tiên bất ngờ công bố trả tự do cho 2 công dân Mỹ cuối cùng bị nước này giam giữ.  Triều Tiên từng giam giữ ít nhất 7 người Mỹ từ năm 2009 đến nay nhưng  sau đó đều phóng thích mà không có điều kiện. Một số được thả sau khi các cựu tổng thống Mỹ như Bill Clinton và Jimmy Carter đến thăm Bình Nhưỡng. Trong ảnh là công dân Mỹ Matthew Todd Miller tại phiên toà xử tội gián điệp.

 

img

Năm 2014 cũng là năm chứng kiến mối quan hệ Trung - Triều có dấu hiệu nguội lạnh, thay vào đó, Triều Tiên lại tăng cường các quan hệ hợp tác với Nga.  Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn cử một đặc phái viên tới Nga nhằm tăng cường quan hệ với Chính phủ của Tổng thống Putin. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Nga rất có thể trong thời gian tới sẽ thế chân Trung Quốc trở thành "người bạn lớn" của Triều Tiên. Trong ảnh là ông Choe Ryong-hae (áo đen, phải), thư ký cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên, đặc phái viên của lãnh đạo Kim Jong-un vừa có chuyến thăm Moscow trong 8 ngày hồi tháng 11.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem