Nhớ những mùa ngô biếc xanh

Bùi Việt Phương Chủ nhật, ngày 10/05/2015 07:00 AM (GMT+7)
Dọc theo con đường Quốc lộ 6 ngược lên Hoà Bình, vào những mùa ngô đang thì "con gái" khách du lịch sẽ dễ dàng nhận ra màu xanh mát mắt của những bãi ngô, đồi ngô như tô điểm cho cảnh sắc của vùng núi rừng Tây Bắc.
Bình luận 0
Đến mùa ngô cho bắp, du khách ở vùng đồng bằng lên tới đây sẽ được thưởng thức hương vị những bắp ngô nướng thơm rẻo khác lạ so với ngô dưới bãi sông, thứ ngô lớn bằng đất mùn đen của lá cây, hay mọc lên từ hốc đá. Ngô đã thành một yếu tố không thể thiếu cho cuộc sống nơi đây, ngoài xôi ngô, làm mèm mén, để nấu rượu và muôn vàn món ăn khác. Nhưng để có được những đồi ngô biếc xanh, hạt ngô căng mẩy cũng đâu có nhàn hạ gì với cư dân nơi đây.
img
Những nương ngô xanh biếc (ảnh BVP).
Tôi còn nhớ đầu xuân, sau những ngày tết, khi sương khói còn bao phủ các bản làng, những mầm cây hé nụ còn ngập ngừng trước cái lạnh, mọi người đã phải lên nương phát cỏ, đốt nương. Bao thứ cỏ dại, cây bụi chỉ bén hơi xuân là vươn lên xanh um che kín lớp đất màu mỡ. Từng đường dao quắm vung lên, mùi nhựa cây ngai ngái, những đốm lửa đôt nương thơm khét mùi cây tươi, mùi đất ẩm. Những tro than từ cây dại sẽ nằm lại với đất, đợi những trận mưa xuân, nắng xuân làm khô ải, mục rồi ngấm vào đất tạo thành thứ mùn hữu ích cho cây trái.

Những ngày  gieo hạt ngô giống cũng thật vui. Ngày trước chưa có những bịch hạt giống được sản xuất trong các trung tâm, bà con phải lựa sẵn những bắp to khỏe từ mùa trước, để khô, tránh bị mọt, mốc rồi đem gieo. Người gieo hạt đi nối nhau, ban đầu là người cầm cây gậy có phía dưới nhọn, phía trên nặng hơn để việc chọc lỗ được dễ dàng.

Nghe các cụ già kể lại, xưa kia phía đầu trên cả gậy còn có thêm ống tre, ống nữa chứa hòn đá nhỏ như viên bi để tạo vũ điệu “chọc lỗ tra hạt”. Người đi sau vung hạt giống vừa đủ, dùng chân vùi lấp để chim thú không tìm thấy dấu vết. Qua vài tuần khi cây ngô nảy hạt, trổ lá lên xanh cũng là lúc cỏ dại đua chen, sau mấy lần làm cỏ mới có những thân ngô xanh mướt hút chất dinh dưỡng từ lòng đất và được những cơn mưa rừng tắm gội.

Mùa ngô trổ cờ, lại nhờ những cơn gió thổi phấn bay từ cây nay sang cây khác. Bởi thế mà nhiều khi, những nương ngô khác giống ở cạnh nhau, thường tạo ra những lai ghép thú vị. Ngày bé tôi và chúng bạn rất thích thú những bắp ngô xen kẽ hạt trắng với hạt tím, hạt vàng như tấm thổ cẩm pha màu từ bàn tay của gió. Vài loại ngô trên một bắp ngô, điều thú vị mà chẳng  giống cây nào có được.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, ngô đã lại đều hạt búng sữa, lúc này chịu khó lựa những bắp đúng độ, đem về tẽ khéo rồi đem đồ với gạo nếp, đảo qua với hành phi sẽ được món xôi ngô đúng vị thật ngon. Thêm vài tuần nữa là món ngô luộc vừa dẻo thơm vừa ngọt. Nước luộc ngô thành thứ nước uống thú vị, là vị thuốc lợi tiểu và dễ uống.

Khi thân ngô đã ngar màu vàng, lá teo tóp chỉ còn lại những bắp tròn, mẩy cũng là lúc người ta đi hái về, bỏ vào những chiếc gùi sau lưng. Tay thoăn thoát bẻ bắp ngô, ném bay qua đầu liệng vào chiếc gùi trên lưng, sau khi không quên hạ thân ngô nằm xuống để làm thứ phân bón cho chính đất này. Vui nhất là những góc sân, góc nhà chất đầy bắp ngô. Tiếng bàn tay đỏ ửng tách ngô nghe vui tai, những bồ, tải đựng đầy ngô theo xe về xuôi hay nằm trong kho làm thức ăn cho gia súc. Chỉ những bắp già còn nguyên áo là được treo ngược, làm giống cho mùa sau. Mùa ngô đi qua, còn biết bao điều thú vị vương vấn trong kí ức mọi người.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem