Nhưn quan và tục phá quàn ở miền Tây Nam Bộ

Út Tẻo Chủ nhật, ngày 11/05/2014 10:01 AM (GMT+7)
Ở miền Tây Nam Bộ, với nhiều gia đình không theo tôn giáo nào, khi có người thân qua đời, trong đám tang, lúc chuẩn bị an táng người bình dân thường làm lễ phá quàn, sau đó, nhân vật gọi là Nhưn quan điều khiển đạo tỳ.
Bình luận 0
Nhưn quan điều khiển đạo tỳ (những người khiêng quan tài) sẽ di quan đến huyệt mộ trong vườn nhà hoặc ngoài đồng ruộng để táng an.

Để phá quàn, đại diện chủ nhà mượn một người biết làm Nhưn quan cùng mười đến mười hai thanh niên khỏe mạnh trong xóm làm đạo tỳ. Đại diện chủ nhà mời cơm rượu những người này chu đáo để cám ơn họ trước về nỗi vất vả mà họ sắp làm để đưa cha, mẹ mình về với … đất!
img

Nhưn quan tập hợp đạo tỳ

Sự tích gắn với tập tục

Khi đi điền dã trong dân gian vùng Bạc Liêu – Hậu Giang – Đồng Tháp, chúng tôi được các bậc trưởng thượng kể cho nghe tích Điền Hoành – một tích gắn liền với lễ phá quàn. Điền Hoành là người hiếu nghĩa, giỏi võ nghệ nhưng đã bỏ nhà từ lâu đi làm thảo khấu.

Ngày kia, khi nghe tin lâu la báo tin rằng mẹ mình đã chết, Hoành quyết bằng mọi giá phải đánh cắp quan tài mẹ, ngay trong đêm, đem nhanh về núi, để có thể săn sóc phần mộ. Công việc không dễ dàng vì bọn cường hào đang theo dõi, chờ bắt. Khi bọn lâu la đã hoàn thành việc dọ thám, kế hoạch được triển khai…

Nửa đêm họ xuống núi. Cả bọn được lệnh ngậm thẻ để giữ im lặng, không hở môi. Anh ta cầm đuốc mở đường, chỉ huy bọn lâu la xông vào nhà "ăn cắp" trót lọt cái quan tài, rồi trở ra nhanh. Đi khỏi xóm một đổi, anh ta mới bắt đầu than khóc, họp lâu la hò hát cho đỡ mệt lúc khiêng lên sườn núi. Dọc đường, để chăm sóc cái quan tài không bị xao động, anh ta nhảy lên đứng trên mấy cây đòn khiêng để quan sát, đề phòng bọn cường hào đuổi theo…

Đó là sự tích và câu chuyện ấy lại gắn với cách di quan và an táng của người chết ở miền đất này.

Người biết nghi thức di quan và động quan đóng vai Nhưn quan, theo tích xưa thì đấy là tên cướp chịu tang cho mẹ, nên vẽ mặt dữ dằn (chân mày đen rậm, mặt tướng), thường mặc đồ đỏ, còn những người khiêng quan tài (đạo tỳ) thì mặc quần áo có kiểu thức rất đặc biệt như bọn lâu la, mỗi người ngậm một cây nhang tượng trưng cho thẻ lệnh. Trước khi hoạt cảnh diễn ra, tất cả đều thi lễ trước quan tài người quá cố.
img
Nhưn quan “tranh luận” với thầy chùa

Đoàn đạo tỳ lạy xong, Nhưn quan quay ra, hoạt cảnh chính thức bắt đầu, Nhưn quan tay cầm hai ngọn đuốc lửa cháy rực (cán làm bằng khúc tre tươi non thước tây, ngọn đuốc quấn bằng vải mùng tẩm dầu), chỉnh tề hàng ngủ.

Trước quan tài, thầy chùa hóa thân thành người giữ linh cữu, tay cầm dải vải màu vàng chừng hai thước tây, múa mấy bài quyền như để khử trừ yêu quái, gọi là "phá quàn". Đoạn thầy cho hai đệ tử (những người này thường nằm trong ban nhạc lễ được chủ nhà thuê) đứng trước hàng cầm hai thanh tre tượng trưng như hai thanh đao, gác tréo, chận ngang như để gìn giữ chiếc quan tài ấy.

Thầy chùa cúng vái trước quan tài xong, quay ra hét lớn: Nghe tiếng quân reo ngoài ngõ… giờ kiết nhựt linh sàng đã đến hay sao… ta chẳng Nhưn quan lai đáo …

Nhưn Quan nhảy ra vừa múa vừa nói: Dạ dạ… Bẩm, Nhưn quan lai đáo… xin bẩm bạch tôn sư… có điều chi tôn sư chỉ dạy… (nói giọng mỉa mai rồi định xông vào).

Thầy chùa: Dang ra… Nhà ngươi là ai… từ đâu đến… hãy hài danh hài tánh, hài thị hài thiềng (thị, thành - nói trại đi), cho bổn sư được rõ…

Nhưn Quan: Như ta đây thất đài san quê ngụ… danh tánh thị Điền Hoành… nghe gia nhân mách bảo rành rành, gia trung nầy có một quan tài,… mà quan tài ấy đáng giá ngàn vàng trăm lượng…

Ta sợ yêu tà cám dỗ,… nên ta mới hạ san xuống thu đoạt quan tài tịch tịch a!…

Thầy chùa: Hay, hay dữ a! Ngươi mau cho ta xem qua chứng chỉ của vua ban đặng hãn tường chơn giả!

Nhưn Quan: Ạ… ạ… nhà ngươi đòi xem … thì đây là chiếu chỉ vua ban… ta trình lên để hắc bạch phân minh (thò tay lấy từ thắt lưng ra tờ giấy đỏ tượng trưng cho chiếu chỉ vua!)

Thầy chùa: Nếu nhà ngươi là tướng cướp đã phục thiện làm lành thì ta nói rõ, đây không phải hòm vàng mà là một quan tài ta đã giữ từ lâu, nay gặp lại nhà ngươi! Ta sẵn sàng giao lại. Nhưng ta cho ngươi biết quan tài nầy làm bằng gỗ huỳnh đàn… đầu chạm vàng trang sức nặng ngàn cân… nhà ngươi có binh mã bao nhiêu mà đòi thu đoạt.

Nhưn quan: Quân của ta lớp lớp… hàng hàng… Dù quan tài có nặng vạn lần, ta đây cũng san bằng trở lực…

Khi Nhưn quan hát, thầy chùa ra vẻ lóng tai nghe, tỏ ý chấp thuận, đoạn hô to: Truyền! Các tư kỳ sự! (Truyền: Ai lãnh việc gì phải giữ lấy việc ấy).

Hai người cầm đao canh giữ trước quan tài lùi ra, thầy chùa cũng lui vào (chuẩn bị thay áo già để dẫn vong), công việc coi như đã giao lại cho Nhưn quan. Nhưn quan cầm đuốc lửa, vừa múa vừa tiến vào: Vâng lời thầy Đức Trọng, Cao Long! Hỡi đạo hò đàng ta! (Đạo tỳ đồng "dạ" hoặc "ơ" thật lớn). Nhưn quan hét: Vậy chớ nào, như hà linh cửu?

Nhưn quan bước vào bàn minh tinh đốt nhang, rồi khóc thương thảm thiết, lấy chiếc khăn tang trắng (được chuẩn bị sẵn để trên cái dĩa ở bàn minh tinh) quấn lên đầu mình. Nhạc cổ truyền: kìm, cò, tranh, sáo, tiêu, … đệm theo lời ca.
img

Nhưn quan múa lửa xông vào

Nhưn quan ca điệu Nặng tình xưa

Mẹ (hoặc cha, tùy theo người mất) ơi! Con đến muộn, mẹ giờ quy tiên; Bất hiếu nhi vô dụng, chẳng lo gì cho mẫu thân; Nay con quỳ lạy trước linh sàng; Mong mẹ tha thứ tội tình; Bản thân con giờ đây mất mẹ; Con biết tìm đâu được mẹ kính yêu; Bổn phận con - kể từ hôm nay; Không có mẹ hiền răn la dạy bảo; Mà chỉ còn, đưa tiễn từ liêm; Mẹ thứ tha cho đứa con bất đạo; Con lạy tạ, mẹ về cực lạc; Con làm tròn hiếu tử với mẫu thân; Nay con vĩnh biệt mẹ hiền… (khóc la thảm thiết).

Đoạn Nhưn quan nhảy múa ba vòng xung quanh trước quan tài, lăn qua cả dưới đáy hòm như để khám xét xem sự nặng nhẹ, khó dễ trong việc cử quan, lúc bấy giờ trên nắp quan tài người ta có để cái dĩa với mấy đồng bạc, Nhưn quan đưa tay ra bộ lấy bỏ vào túi, miệng ngậm dầu lửa phun vào ngọn đuốc, lửa bốc cao đỏ rực, trống, kèn, đờn tấu vang liên hồi, Nhưn quan quay phắt trở ra hô to:

- Hỡi đạo hò đàng ta ! (đạo tỳ đồng hô “dạ” hoặc "ơ" vang dậy). Phải chính túc đai cáo… Cúc cung từ bái! (đạo tỳ đồng hô “dạ” hoặc "ơ").

Y lịnh, đạo tỳ đồng lạy linh cửu theo một kiểu cách đặc biệt. Xong 4 lạy. Nhưn quan hát:

- Đây chi nài khó nhọc; Đó chớ nệ tiếc công; Nghiêng mình vàng đỡ lấy quan tài; Di linh cữu táng an phần mộ! (đạo tỳ đồng hô “dạ” hoặc "ơ").

Sau đó, Nhưn quan điều khiển hai hàng đạo tỳ tiến vào (mỗi bên 5 - 6 người), chủ nhà dẹp nhanh các trướng, bàn đưa, bàn điếu, khiêng bàn minh tinh qua một bên, lư hương được con trai trưởng hoặc cháu nội lớn bưng, con dâu, hoặc đứa cháu lớn (có khi là con Út) theo che dù, theo sau là bài vị, hay ảnh chân dung người mất, và tấm triện (tấm giấy đỏ do thầy chùa viết bằng chữ Hán, với nội dung dẫn vong linh người quá cố về cõi hư vô).

Nhưn quan điều khiển tập thể đạo tỳ phò linh cữu đặt lên vai từ từ đưa ra khỏi nhà, bấy giờ, Nhưn quan bỏ đăng chúc (đèn), hai tay cầm hai chiếc sanh bằng cây tre, miệng hát lên, trong khi tay thì nhịp gõ:

- Bớ đạo tỳ ta! ("ơ") Hãy lẵng lặng mà nghe ba hồi sanh lịnh! (gõ sanh: cắc, cắc).

- Một hồi sanh, ngồi đâu ngồi đó! (cắc cắc… cắc).

- Hai hồi sanh, rán vó lên eo! (cắc cắc… cắc).

- Ba hồi sanh, thượng lộ đăng đàng! (cắc cắc… cắc)

Qua mỗi lệnh truyền và tiếp theo một hồi sanh, những động tác rập ràng thuần thục diễn ra đồng bộ trong không khí nghiêm mật và im lặng khác thường, nếu huyệt mộ ở sau vườn đất nhà thì đạo tỳ khiêng một lượt tới nơi mới để quan tài xuống ghế kê sẵn, còn nếu đường đi xa thì đưa quan tài lên chiếc nhà vàng (linh xa) từ từ chuyển động đúng theo động tác rất ăn ý của tập thể Nhưn quan, đạo tỳ. Để đánh tan cái u sầu nhất định trong giờ phút đau đớn này, Nhưn quan và đạo tỳ đồng cất giọng để tỏ lòng thương tiếc người chết:

Ô hô! Tam thốn khí tại thiên bang dụng,

Nhứt đán vô thường vạn sự hưng.

Người về âm cảnh quan liêu,

Kẻ còn dương thế những triêu tịch sầu! (1)
img
Và nghi thức phá quàn
Thầy chùa lúc bấy giờ mặc áo già, tay cầm chiếc sênh, miệng tụng kinh để dẫn vong. Con cháu, dòng họ đưa tang tay cầm nhang lần lượt đi theo sau quan tài, ra khỏi nhà. Trên đường đi, trống đánh liên hồi, người ta còn rải vàng bạc dọc đường với ý nghĩa cho ma cũ lượm tiền xài, không theo phá để đạo tỳ khiêng quan tài nhẹ hơn, … Đối với ng Việt ở miền Tây Nam bộ thường không có hiện tượng “nằm lăn đường”, nhưng trong quá trình đưa đám, các con, cháu thường đi lùi, hai tay chống ngược với đạo tì thể hiện sự đau đớn, bịn rịn không muốn “đưa” cha mẹ về nhanh với … đất!

Đến nơi, người bưng lư hương đến trước, hàng được đạo tỳ đặt trên ghế, con cháu vái lạy lần nữa, rồi dưới sự hướng dẫn của Nhưn quan, hàng từ từ được đưa xuống đất (người ta để ở hai đầu hàng hai nửa cây cà bắp nối lại làm dây để thòng quan tài xuống huyệt), khi hàng chạm đáy, người ta dùng dao cắt bỏ dây, người con trai trưởng bỏ xuống huyệt nắm đất đầu tiên, sau đó các anh em con cháu khác lần lượt thực hiện thao tác ấy, nó thể hiện ý nghĩa con cháu táng an cho ông, bà cha, mẹ.

Lúc bấy giờ người ta đánh một trống dài nữa rồi dứt luôn (người ta kiêng không được đụng đến mặt trống sau khi đã chôn cất).

Những người hàng xóm được chủ nhà mượn lo việc chôn cất khỏa đất dần dần đến khi đầy, người ta đắp thành nắm mộ, trên cùng đắp chiếc chiếu cho người nằm dưới đất sâu đỡ lạnh.

Người đi đưa, dần dần trở về. Thầy chùa đi trước tụng kinh dẫn vong, người bưng lư hương quay về. Nhưn quan và đạo tỳ đã xong nhiệm vụ. Nhưn quan đi đến một quãng xa, lột “khăn tang” độc thần chú hóa bùa, làm phép “giải thoát”, rồi đốt đi. Coi như anh ta đã trở về người bình thường.

Một tập tục xưa mà các nhà nghiên cứu dân gian cho là gắn liền với hò đưa linh ở miền ngoài “dư cư” vào đây đến nay vẫn còn đó, có điều nó đã ít nhiều thay đổi theo hướng chuyên nghiệp át dần nghi thức dân gian.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem