Những đặc sản du lịch nổi tiếng ở Sài Gòn

Thứ bảy, ngày 18/04/2015 12:00 PM (GMT+7)
Du lịch tới TP.HCM, bạn có thể lựa chọn du ngoạn ven sông Sài Gòn bằng tàu, thăm phố Tây Phạm Ngũ Lão, mua sắm ở chợ Bến Thành, hay về với biển Cần Giờ… Đặc biệt là đi du lịch Thành phố trong dịp 30/4 này.
Bình luận 0
Phương tiện

Phương tiện đi lại chủ yếu cho khách du lịch Sài Gòn chủ yếu là xe máy, kế đó là ôtô, xe đạp, xe buýt, xe xích lô. Phương tiện di chuyển công cộng rẻ nhất là xe buýt chỉ 5.000VND/tuyến, kế đó là xe ôm và và taxi. Hiện mật độ giao thông ở TP HCM khá đông đúc, nhiều đoạn đường trong thành phố xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ tan tầm: từ 7h00 - 8h00 và 17h00 - 18h00.

img

Du lịch 30/4 đến Sài Gòn - một địa điểm lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.

Địa điểm vui chơi

Ven sông Sài Gòn: Khu vực sầm uất nhất ven sông Sài Gòn là đường Tôn Đức Thắng, cũng thuộc trung tâm TP.HCM. Con đường này có những khách sạn và những nhà hàng cao cấp, từ đó có thể ngắm cảnh sông Sài Gòn thi vị vào các buổi chiều. Ở đây có bến tàu để du khách tham gia một chuyến du ngoạn sông Sài Gòn, hoặc thử cảm giác ăn tối tại các nhà hàng nổi.

Nhà thờ Đức Bà: Đây là khu vực trung tâm thuộc quận 1, TP.HCM. Khu vực Nhà Thờ thể hiện rõ rệt “tính cách” của thành phố Sài Gòn. Gần nhà thờ cổ kính là hình ảnh đối lập với những tòa cao ốc thời hiện đại. Từ nhà thờ Đức Bà, du khách có thể sang thăm dinh Độc Lập, mua sắm ở Diamond Plaza, dạo phố Đồng Khởi, qua Hồ Con Rùa, uống cà phê bệt ở đường Hàn Thuyên…

img

Nhà thờ Đức Bà là một địa danh nổi tiếng không thể bỏ qua khi đi du lịch Sài Gòn.

Đường Nguyễn Huệ - Quận 1: Đây là con đường thuộc khu vực trung tâm TP.HCM, hai bên đường có nhiều khách sạn, khu mua sắm cao cấp, một số căn đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, mang dáng dấp kiến trúc châu Âu cổ điển. Đi thẳng đường Nguyễn Huệ theo hướng đông nam du khách sẽ đến con đường Tôn Đức Thắng ở ven sông Sài Gòn.

Chợ Bến Thành: Có từ thế kỷ thứ XIX, chợ Bến Thành như một nhân chứng lịch sử qua nhiều biến động của thời cuộc. Chợ có 4 cổng Đông-Tây-Nam-Bắc quay ra các con đường chính ở trung tâm Sài Gòn. Đến đây, du khách có thể mua sắm rất nhiều các sản phẩm lưu niệm, vải vóc, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ.

Dinh Thống Nhất: Công trình được thiết kế theo phong thuỷ và kiến trúc phương Đông nhưng lại rất hiện đại. Tham quan dinh Độc Lập, du khách có thể chiêm ngưỡng tận mắt nhiều vật phẩm từ chế độ cũ cũng như những chứng tích ghi dấu thời khắc ngày thống nhất đất nước 30/4/1975.

Biển Cần Giờ: Cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ vừa có rừng, vừa có biển nên rất sẵn hải sản tươi sống. Ngoài ra cũng có nhiều điểm tham quan khá hấp dẫn như rừng ngập mặn Vàm Sác, Đảo Khỉ, khu du lịch và bãi biển 30/4, Lăng Ông Thủy Tướng Nam Hải… Hàng năm vào 16/8 âm lịch lễ hội Nghinh Ông tổ chức rất trọng thể tại đây với hàng trăm ghe tàu tham dự.

Khu du lịch Suối Tiên: Nằm ở cửa ngõ đông bắc Sài Gòn, cách trung tâm thành phố 19 km, Suối Tiên là điểm vui chơi giải trí thu hút nhiều khách du lịch khi đến với TP.HCM. Suối Tiên còn là nơi giáo dục văn hóa lịch sử qua những khu tham quan xây dựng dựa trên ý tưởng các truyền thuyết, huyền tích của dân tộc và tư tưởng đạo học phương Ðông.

img

Đặc sản Sài Gòn nổi tiếng với món lẩu mắm ngon tuyệt.

Đặc sản

Lẩu mắm: Món lẩu mắm ngon nhất thì phải về miền Tây (Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An), nhưng nếu không có thời gian thì du khách có thể thưởng thức lẩu mắm ngay tại Sài Gòn. Nồi lẩu mắm quan trọng nhất là nước dùng, phải chế biến từ loại mắm ngon, nêm nếm khéo léo cho vừa ăn. Lẩu mắm ở Sài Gòn thường có rau muống, kèo nèo, bông súng, đậu bắp, bạc hà, bắp chuối, rau nhút.

Bún mắm: Bún mắm ngon không quá ngọt, quá mặn hay cay nhưng cũng không hề nhạt nhẽo, nhất là không thể thiếu vị thơm nức của mắm. Ăn bún mắm ngoài lát cá, thịt heo quay, tôm, mực, không thể thiếu đĩa rau sống với rau đắng, bắp chuối, kèo nèo, cọng bông súng, húng thơm. Một số quán ăn ghi điểm thêm nhờ tô nước mắm me chua chua ngọt ngọt rất hấp dẫn.

Bánh tráng Trảng Bàng: Đây là món ăn của người Tây Ninh, ngoài bánh tráng phơi sương còn có bánh canh, bánh tráng được ăn với thịt heo luộc, thịt bò luộc, cùng với rất nhiều loại rau và mắm nêm đặc trưng của người miền Tây.

Bún bò Huế: Đây là một trong những đặc sản của xứ Huế, từ lâu cũng trở nên rất phổ biến tại Sài Gòn. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng.

Lẩu cá kèo là món ăn mang hương vị miền Nam đặc trưng. Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang tạo nên vị chua chua, chát chát đặc trưng. Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, hoa chuối… Mang hương thơm hấp dẫn của rau và gia vị đặc trưng, nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên.

(Theo Bảo Ngọc / VietQ.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem