Những đại cao thủ dùng kiếm khiến giới võ lâm nể sợ trong truyện Cổ Long

Thứ hai, ngày 05/08/2019 12:33 PM (GMT+7)
Một số kiếm khách chẳng phải nhân vật chính nhưng vẫn nhận được sự yêu thích hết lòng của độc giả từng đọc các tác phẩm Cổ Long.
Bình luận 0

Yến Nam Thiên

Nói về kiếm trong giang hồ mà Cổ Long tạo ra, có một kỳ tài võ học từng đột phá tầng thứ 9 (Cửu Trùng Thiên) của Giá Y Thần Công - môn võ được coi là khó nhất và cũng hùng mạnh nhất trên thế gian. Người đời gọi kiếm của ông là chính kiếm bởi Yến Nam Thiên là con người chuyên hành hiệp trượng nghĩa, xả thân vì người nhưng không màng danh lợi.

img

Yến Nam Thiên

Với nội lực hùng hậu từ Giá Y Thần Công, cộng thêm các chiêu kiếm tự sáng, Yến Nam Thiên đủ sức để đánh ngang tay với Yêu Nguyệt Cung Chủ của Di Hoa Môn. Có lần, Tiểu Ngư Nhi đã hỏi ông rằng: "Nếu đánh với Yêu Nguyệt Cung Chủ, lão nhân gia có tự tin tất thắng không?". Yến Nam Thiên không đáp mà chỉ nở một nụ cười kiên quyết, minh chứng cho sự tự tin không gì có thể che lấp của mình.

Yến Thập Tam

Tề danh với Yến Nam Thiên còn có 2 thanh kiếm nữa, 1 trong số đó là Ma Kiếm Yến Thập Tam. Với Đoạt Mệnh Thập Tam Kiếm, ông đánh khắp thiên hạ chưa gặp đối thủ. Mặc dù kiếm chiêu chỉ dừng lại ở 13 nhưng ngần ấy đã đủ để ông xưng vương, áp đảo quần hùng. Thế nhưng, Yến Thập Tam cũng là kỳ tài võ học, ông đau đầu tìm ra phương thức để sáng chế chiêu thứ 14 - chiêu kiếm tinh hoa mà cả đời ông đã dồn hết tâm huyết.

img

Yến Thập Tam

Sau này, Yến Thập Tam còn luận ra chiêu thứ 15 để đánh bại Tam Kiếm Tam Thiếu Gia nhưng đổi lại, ông lại mất đi tình mạng của mình. Có lẽ, chiêu thức ấy quá mạnh, đến nỗi mà người sử dụng nó cũng không thể điều khiển nổi.

Tạ Hiểu Phong

13 tuổi đánh bại Hoa Sơn Đệ Nhất Kiếm của Hoa Khiếu Thôn, 20 tuổi đã gần như vô địch thiên hạ, quả thật, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không kể đến Tam Thiếu Gia của Thần Kiếm Sơn Trang - Tạ Hiểu Phong. Sau khi bị đánh bại bởi chiêu thứ 15 của Yến Thập Tam, ông đã bước vào cảnh giới vô kiếm chí cao. Dù vậy, mọi đối thủ từng xứng với mình đều đã chết, Tạ Hiểu Phong rơi vào cõi tịch mịch, cô độc khó diễn tả bằng lời. Những năm cuối đời, Tạ Hiểu Phong cũng luận ra được cảnh giới nhân kiếm hợp nhất, đột phá võ học từ trước tới nay.

img

Tạ Hiểu Phong

Diệp Cô Thành

Diệp Cô Thành với tuyệt chiêu Thiên Ngoại Phi Tiên đã đủ để độc bá giang hồ, Cổ Long từng miêu tả về vị kiếm sĩ này như sau: "Một làn kiếm khí làm cho người ta lạnh tới xương tủy, làn kiếm khí này so với Tây Môn Xuy Tuyết còn đáng sợ hơn. Trên đời, tưởng chừng như chẳng còn ai có thể đỡ được chiêu kiếm này". Trận chiến trên đỉnh Tử Cấm, Diệp Cô Thành đã thắng Tây Môn Xuy Tuyết nửa chiêu nhưng anh vẫn chấp nhận chịu chết. Bởi khi ấy, Diệp Cô Thành đã vỡ mộng hoàng đế, mọi thứ đã chấm dứt, dù có chiến thắng trận này, anh cũng không còn lại gì. Được chết dưới một thanh bảo kiếm khác là niềm vinh hạnh mà bản thân Diệp Cô Thành vẫn mơ ước.

img

Diệp Cô Thành

Tây Môn Xuy Tuyết

Tây Môn Xuy Tuyết, ngoài lạnh trong nóng, sử dụng kiếm điêu luyện, chớp mắt đã có thể lấy mạng đối thủ. Anh thường mặc đồ trắng, ghét ác như thù, dù không nói nhiều nhưng thường lấy hành động để trả lời, là người tri kỷ tâm giao mà Lục Tiểu Phụng từng có được.

img

Tây Môn Xuy Tuyết

Sau trận chiến với Bạch Vân Thành Chủ, dường như chẳng còn ai xứng để Tây Môn Xuy Tuyết dùng kiếm nữa. Cổ Long từng viết: "Có một loại kiếm pháp mà không ai có thể nhìn thấy, bởi vì những người may mắn nhìn thấy đều đã xuống mồ". Kiếm pháp ấy thuộc về một cái tên thần thoại - Kiếm Thần Tây Môn Xuy Tuyết.

Nipp (Trí Thức Trẻ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem