Những kẻ lừa đảo thoát tội?

Thứ sáu, ngày 28/01/2011 12:35 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc Công an huyện Cư Mgar (Đăk Lăk) thông báo không xử lý hình sự 5 chủ đại lý cà phê vỡ nợ khiến hàng trăm người dân bức xúc.
Bình luận 0

Trong thông báo gửi đến UBND thị trấn Quảng Phú và các xã trên địa bàn huyện Cư Mgar vào cuối tháng 12 - 2010, Cơ quan CSĐT Công an huyện cho biết đã quyết định chuyển hơn 300 đơn khiếu nại của người dân đến TAND huyện để giải quyết dân sự.

Đó là đơn tố cáo các đại lý cà phê Lý Nhung (thị trấn Quảng Phú), Nga Sơn (xã Cư Dliê Mnông), Hiền Tâm (xã Ea Kpam), Quang Trâm và Long Nhung (xã Ea HDinh) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong năm 2010, 5 đại lý này đã nhận ký gửi hơn 500 tấn cà phê nhân quy chuẩn của 314 hộ dân, sau đó lần lượt tuyên bố vỡ nợ.

img
Nhiều nông dân xã Cư Dliê Mnông thất vọng khi cơ quan chức năng thông báo không xử lý hình sự các đại lý cà phê.

Chiều 27-1, anh Phạm Trung Kiên (thôn Tân Thành, xã Cư Dliê Mnông) than thở: “Không chỉ ký gửi 2 tấn cà phê, vợ chồng tôi còn cho đại lý Nga Sơn mượn cả “sổ đỏ” 2,7ha rẫy cùng “sổ đỏ” căn nhà đang ở. Vừa rồi ngân hàng đã kê biên rẫy cà phê, nếu tôi không trả nợ thay cho đại lý Nga Sơn thì họ kê biên nốt căn nhà. Tôi đang lo sắp tới phải dắt vợ và 3 đứa con ra đường...”.

“Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Đăk Lăk, trong năm 2010, toàn tỉnh có hàng chục doanh nghiệp, đại lý cà phê vỡ nợ, “xù” trên 260 tỷ đồng của người dân và phần lớn đều thoát tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Còn ông Huỳnh Minh Cảnh - Trưởng thôn 2 - cho biết: “Hơn một nửa thôn 2 đều sập bẫy Nga Sơn. Tiền bán cà phê không lấy được, bà con buộc phải vay nóng để trang trải sinh hoạt, tái đầu tư vào vườn cà phê. Bây giờ ai cũng nợ đầm đìa. Riêng tôi còn khốn đốn hơn vì vợ mắc bệnh ung thư phải thường xuyên đi TP.HCM chữa trị, vậy mà họ cũng không trả tiền 5 tấn cà phê”.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Cư Dliê Mnông - xác nhận vợ chồng Phan Văn Sơn và Lê Thị Nga (đại lý Nga Sơn) không có mặt tại địa phương. “Tài sản họ đã thế chấp ngân hàng, bây giờ dân có khởi kiện dân sự cũng đâu giải quyết được gì, những trường hợp như vậy cần phải xử lý hình sự” - ông Sơn bức xúc.

Ông Vũ Duy Luận - Chánh án TAND huyện Cư Mgar - cho chúng tôi biết:

“Ký gửi cà phê là thỏa thuận dân sự, cho dù có yếu tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cũng rất khó chứng minh nên vừa rồi các cơ quan nội chính của huyện thống nhất chỉ giải quyết dân sự.

Chúng tôi đã tiếp nhận 300 vụ kiện đòi nợ, bị đơn là các đại lý cà phê Nga Sơn, Quang Trâm, Long Nhung, Lý Nhung, Hiền Tâm... Tuy nhiên, tài sản của họ không nhiều, mỗi đại lý chỉ khoảng một vài tỷ đồng và đã thế chấp hết cho ngân hàng rồi”.

Theo lý giải của Chánh án Vũ Duy Luận thì dù có thắng kiện hàng trăm hộ dân cũng không thể đòi được nợ, trong khi họ đang bị những khoản vay lãi cao thúc bách. Và với cách xử lý của ngành nội chính huyện Cư Mgar, chuyện các đại lý kinh doanh cà phê tuyên bố vỡ nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của nông dân còn lâu mới chấm dứt. Bởi trên thực tế, không ít đại lý đã chủ động tẩu tán tài sản rồi mới tuyên bố vỡ nợ, thậm chí bỏ trốn, tức việc lừa đảo được tính toán từ trước.

Dư luận tỉnh Đăk Lăk bức xúc cho rằng, với các hành vi chiếm đoạt cà phê trắng trợn của các đại lý lừa đảo, thay vì giải quyết dân sự, cần phải xử lý hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem