Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi: Biểu tượng của một lớp nông dân mới

Khánh Nguyên (ghi) Thứ hai, ngày 12/09/2022 09:00 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, những nông dân Việt Nam xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chính là biểu tượng sống động của một lớp nông dân mới, đã biết đối thoại với thị trường, từ đó sản xuất cho phù hợp, đem lại giá trị gia tăng cao.
Bình luận 0
Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi: Biểu tượng của một lớp nông dân mới - Ảnh 1.

Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, những nông dân Việt Nam xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chính là biểu tượng sống động của một lớp nông dân mới. Ảnh: D.V

Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, vai trò của phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động với quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân những năm qua?

Phải khẳng định, những năm qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động đã góp phần thúc đẩy nhiều nông dân vượt khó vươn lên, khai thác tốt các tiềm năng thế mạnh để làm giàu trên quê hương, những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc là những nhân tố tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương.

Nhưng quan trọng hơn, tôi cho rằng những nông dân được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân Việt Nam xuất sắc đã trở thành biểu tượng sống động của một lớp nông dân mới trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, là tấm gương có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng.

Khi đã gọi là phong trào thì phải tạo động lực cho sự phát triển và mang tính hướng dẫn. Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần tìm thấy những giá trị mới, xuất hiện lớp nông dân đã biết đối thoại với thị trường, thể hiện phẩm chất nêu gương, tự lực cánh sinh, điều đó biểu hiện ở 4 điểm sau:

Những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tận dụng thời gian không trực tiếp sản  xuất để lắng nghe, quan sát, phân tích những xu thế của người tiêu dùng để tìm ra một thị trường ngách, từ đó sản xuất ra sản phẩm mới hoặc nâng cấp sản phẩm đã có để nâng cao tính cạnh tranh, hình thành một lớp nông dân đã có bước chuyển lớn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Họ cũng biết lựa chọn những nông sản thế mạnh, quyết định quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ chế biến để tạo ra giá trị sinh lời cao hơn, đó là bước ngoặt tạo ra sự khác biệt, giúp họ trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc.

Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi: Biểu tượng của một lớp nông dân mới - Ảnh 2.

Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã biết lắng nghe thị trường. Trong ảnh: Gia đình anh Ngô Văn Hùng ở xã Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang trồng vải thiều đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật Bản. Ảnh: N.Chương.

Họ cũng không bị động trông chờ vào nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của chính quyền địa phương mà tự thân vận động, bước ra khỏi vòng an toàn để đối mặt với thị trường, với khó khăn. Do vậy, thành quả của họ ngày hôm nay không chỉ là thành quả của quá trình chắt chiu tiết kiệm tích tụ vốn, của những sáng tạo mang tính đột phá mà còn là thành quả của mồ hôi và nước mắt.

Không những thế, trong quá trình sản xuất, họ cũng có ý thức trách nhiệm với người tiêu dùng, tạo ra những nông sản an toàn, chất lượng, từng bước tiếp cận với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn.

Trong những năm trở lại đây, các nông dân sản xuất giỏi còn mạnh dạn đổi mới sáng tạo, biết liên kết, hợp tác, chuyển đổi số và biết đối thoại với thị trường.

Có thể thấy, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam đã tôn vinh hàng nghìn, hàng trăm nông dân giỏi ở khắp mọi miền đất nước. Trong đó, ông có ấn tượng đặc biệt với chân dung nông dân nào?

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam đã tôn vinh rất nhiều nông dân giỏi, mỗi người trong số họ là một câu chuyện vượt khó, vươn lên làm giàu, chiến thắng số phận. Nhưng có 2 nhân vật mà tôi thường hay đưa ra làm ví dụ ở các lớp tập huấn cho nông dân về sự đổi mới của nông dân, đó là trường hợp của nông dân Hoàng Văn Chất ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La. Thực sự, đó là điển hình cho ý chí nông dân biết vượt lên hoàn cảnh.

Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi: Biểu tượng của một lớp nông dân mới - Ảnh 3.

Nông dân Hoàng Văn Chất ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La là điển hình cho ý chí nông dân biết vượt lên hoàn cảnh. Ảnh: N.Chương.

Ông Chất từng là bộ đội, phục viên về quê hương phát triển kinh tế, do không tính hết được những rủi ro về thiên tai, ông thất bại trong đầu tư, phá sản và phải chấp hành án trong mấy năm. Ra trại, ông không nản chí, làm lại từ đầu với mô hình trồng cây có múi, cà phê trên vùng đất dốc Mai Sơn và đã thu quả ngọt nhờ biết cách liên kết, hợp tác với các nông dân khác sản xuất an toàn. Ông Chất được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

Hay một chị nông dân ở Hậu Giang có cách làm khác người, trông cây ăn quả lâu năm với khoảng cách rất thưa, trong khi mọi người trồng dày, những chỗ đất trống khi cây chưa khép tán, chị trồng các cây trồng ngắn ngày, vòng đời sản phẩm ngắn. Từ một người phụ nữ bình thường giờ chị đã vươn lên làm giàu, còn tạo việc làm cho cả trăm lao động.

Câu chuyện vươn lên của mỗi nông dân thực sự rất đáng khâm phục, tạo sức lan tỏa và cộng hưởng để tập hợp nông dân ở xung quanh mình.

Nghị quyết 19 của Đảng vừa ban hành với mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại; gần đây khái niệm "trí thức hóa nông dân", xây dựng "nông dân chuyên nghiệp" cũng được các ngành chức năng nói đến. Vậy theo ông làm gì để đạt được mục tiêu này?

-Theo tôi, điều kiện cần để thực hiện trí thức hóa nông dân là vai trò kiến tạo của Chính phủ và Bộ NNPTNT để nông dân hiểu và đứng vào trong kiến tạo ấy. Trong cuộc cách mạng số, nếu như có bản đồ số về nông nghiệp, được cập nhật thường xuyên, vùng sinh thái nào trồng cây gì thì sẽ thôi thúc họ lựa chọn sản phẩm mới, công nghệ mới. Khí đó, sản phẩm nào ra trước sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Cũng cần trang bị cho người nông dân tri thức về thị trường, nhận diện giá trị sản phẩm để từ đó tìm ra cách làm sao cho chi phi ít nhất nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao nhất, nói cách khác là phát huy sức mạnh mềm của nông sản.

Ngoài ra, cần đào tạo nông dân kỹ năng hợp tác liên kết trong cộng đồng, liên kết với đa chủ thế, tất cả những chủ thể liên quan đến sản phẩm, người nông dân đứng vào tổ chức nông dân, để biểu đạt ý kiến, đóng góp xây dựng chính sách và từ những công việc này, họ cũng được nâng cao trình độ, nhận thức, khát khao chinh phục những công nghệ sản xuất mới.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem