Khá giả nhờ nghề truyền thống
Lạng Sơn là địa phương không có nhiều nghề truyền thống nhưng những làng nghề hiện có đều mang đậm nét đặc trưng văn hóa vô cùng độc đáo. Tiêu biểu như nghề làm bánh cao khô Vạn Linh (huyện Chi Lăng), cao khô Chợ Bãi (huyện Văn Quan), nghề thổ cẩm ở xã Hòa Cư, nghề nấu rượu ở xã Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc), nghề làm ngói âm dương ở xã Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn),…
Song song với việc nhân rộng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang tập trung xây dựng đề án hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn. Đây là điều kiện để xây dựng nông nghiệp bền vững, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Trong đó, Văn Quan là huyện có nghề truyền thống lâu đời, nổi bật nhất là nghề làm cao khô Chợ Bãi (xã Yên Phúc), nghề làm mía đường truyền thống ở Nà Rọ (xã Song Giang)… Các nghề truyền thống này không chỉ giúp người dân các xã xoá đói giảm nghèo mà còn làm ăn ngày càng khá giả, góp phần quan trọng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Làng làm nghề cao khô Chợ Bãi đã góp phần tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Ảnh: Liễu Chang
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Văn Quan, hiện toàn xã Yên Phúc có gần 20 hộ gia đình sản xuất cao khô, chủ yếu tập trung tại thôn Chợ Bãi 1. Tuy nhiên lâu nay, các hộ gia đình sản xuất và kinh doanh cao khô mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết và cũng có thương hiệu để người tiêu dùng biết và phân biệt với sản phẩm ở địa phương khác.Để giúp người dân đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống, cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Văn Quan đã tiến hành làm các thủ tục để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi”.
Ông Hà Văn Thiện, Chủ nhiệm Dự án Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi” cho biết: Các cơ quan chuyên môn đã tiến hành đánh giá cảm quan và thử nghiệm lấy 5 mẫu cao khô. Qua xem xét, phân tích đánh giá cho thấy cao khô Chợ Bãi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không hàn the, không tẩy trắng. Sau khi hoàn tất các thủ tục xây dựng nhãn hiệu tập thể, ngày 30/7/2019 Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Cao khô Chợ Bãi”.
Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi” sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế và tăng thu nhập cho người dân.
Bà Hoàng Thị Đươi (77 tuổi) cho biết làm cao khô là nghề truyền thống của gia đình. “Từ lúc bà về đây làm dâu đã bắt đầu theo mẹ chồng học nghề, lâu dần làm cao khô thành thuần thục như bây giờ”.
Trung bình một ngày gia đình bà làm được khoảng 800 bó cao khô, thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình.
Bà Đươi cho biết cao khô Chợ Bãi có thể để được 2- 3 tháng mà không hỏng nên rất đông khách phương xa từ Hà Nội, Nam Hà, Đắk Lắk, TP.Hồ Chí Minh… đến đặt mua để làm quà. Giá cả lên xuống theo giá gạo bán trên thị trường, nhưng dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/cọc (gồm 5 mớ). Cao khô góp phần giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định và là thức đặc sản làm quà trong các chuyến đi xa.
Gắn làng nghề với du lịch cộng đồng
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Bắc Sơn là huyện có làng nghề làm ngói âm dương Quỳnh Sơn đang tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ông Hoàng Công Ngọc (80 tuổi), người có 60 năm làm ngói cho biết: Theo truyền thống của người Dao, Tày, Nùng thì những ngôi nhà ở đây được xây dựng và lợp mái chủ yếu bằng ngói âm dương, loại ngói được làm từ đất nung nênmát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
Người dân ở làng làm ngói âm dương hàng ngày vẫn cần mẫn với công việc nhào nặn, đóng ngói… tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Liễu Chang
“Ở Quỳnh Sơn hiện có khoảng 30 hộ dân còn sản xuất ngói âm dương. Sản phẩm làm ra bán chủ yếu cho các huyện trong tỉnh Lạng Sơn như Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia,... và các tỉnh lận cận như Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên. Nói chung ngói ra lò là có người tới lấy luôn”- ông Ngọc phấn khởi cho biết.
Theo ông Ngọc, quy trình làm ngói âm dương mất khá nhiều thời gian nên mỗi năm chỉ sản xuất được 2-3 lò ngói. Để hoàn thiện sản phẩm phải mất từ 3 -4 tháng, từ công đoạn nhào đất sét, ủ đất trong vòng nửa tháng, lọc sỏi đá, cho vào khuôn rắc một lớp tro chống dính, sau đó phải đợi ngói khô mất khoảng 1 -2 tháng rồi mới cho vào lò nung.Mỗi lò nung chứa được từ 40.000 - 60.000 viên ngói, nung liên tục trong 10 ngày 10 đêm. Sau đó hạ lửa, chờ nguội và bê ra khỏi lò. Một ngày trung bình người thợ đóng được khoảng 5-6 vạn viên. Ngói sau khi nung chín sẽ có người ở các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng tới đặt mua với giá 16 triệu đồng/10 vạn ngói.
Ông Dương Trần Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Bắc Sơn đang quan tâm và có định hướng quy hoạch, phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề truyền thống. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Việc các làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển đã góp phần rất lớn trong tạo việc làm, nhiều người trẻ tâm huyết với nghề có cơ hội được phát triển, có việc làm, tăng thu nhập, đặc biệt là có đóng góp quan trọng vào thành tựu của công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn Lạng Sơn.Trong giai đoạn 2015 – 2019, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh Lạng Sơn từ 25,95% cuối năm 2015 đã giảm xuống ước còn khoảng 10,5% cuối năm 2019.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.