Nông nghiệp miền Trung - Tây Nguyên cần “cú hích” để tạo đột phá (bài 2): Đánh thức tiềm năng chăn nuôi

Minh Huệ Thứ năm, ngày 24/09/2020 08:53 AM (GMT+7)
Trong khi các vùng chăn nuôi lớn như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh vì đất đai nhỏ hẹp, xen kẽ trong khu dân cư... thì khu vực Tây Nguyên lại “hóa giải” được hết các vướng mắc đó.
Bình luận 0

Nhờ diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, các tỉnh Tây Nguyên đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn rót tiền vào xây dựng vùng chăn nuôi tập trung công nghệ cao (CNC).

Những dự án tiền tỷ

Điển hình là mới đây, Tập đoàn TH đã tổ chức lễ khởi công dự án chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp CNC tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy với tổng vốn đầu tư lên tới 2.544 tỷ đồng, diện tích 441ha - quy mô lớn nhất khu vực Tây Nguyên hiện nay. 

Tại dự án này, quy mô đàn bò tập trung là 10.000 con, đàn bò nuôi liên kết với nông dân dự kiến 20.000 con thông qua mô hình hợp tác xã CNC; ngoài ra còn xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. 

Dự án này có thể coi là đặt nền móng cho sự phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tỉnh Kon Tum - địa phương có nhiều thế mạnh cho ngành.

Cần “cú hích” để tạo đột phá (bài 2): Đánh thức tiềm năng chăn nuôi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm một trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao của Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: T.L

"Các dự án chăn nuôi lớn cần tiếp cận theo chuỗi chăn nuôi 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer) để vừa đảm bảo sản xuất chuỗi và bảo vệ môi trường. Tây Nguyên rất thích hợp để ứng dụng chuỗi này vì đây là vùng cây công nghiệp lớn, hướng tới sản xuất hữu cơ, đây chính là thị trường rất lớn cho phân bón hữu cơ - sản phẩm từ chuỗi chăn nuôi".

Ông Tống Xuân Chinh

Theo bà Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, tham gia vào hợp tác xã CNC, bà con nông dân sẽ được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để mua bò sữa và xây dựng chuồng trại; được hỗ trợ về thú y; được hỗ trợ cung cấp thức ăn cho bò và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu.

 Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 - 4.000 hộ nông dân của huyện Sa Thầy và các vùng lân cận của tỉnh Kon Tum có thể tham gia dự án, nhận chuyển giao công nghệ, tiếp cận cơ hội cải thiện thu nhập và làm giàu cho gia đình.

Trước đó, 2 doanh nghiệp chăn nuôi lớn là Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) đã thành lập công ty liên doanh, bắt tay triển khai 2 dự án chăn nuôi quy mô lớn tại Đăk Lăk và Gia Lai.

 Trong đó, tại Gia Lai liên doanh này sẽ triển khai dự án "Khu chăn nuôi ứng dụng CNC DHN Gia Lai", quy mô sử dụng đất từ 50 - 100ha, gồm khu trang trại chăn nuôi 2.500 lợn giống cụ kỵ; nhà máy giết mổ lợn thịt và sản xuất phân hữu cơ.

Còn tại Đăk Lăk, 2 doanh nghiệp đã khởi công "Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng CNC DHN Đăk Lăk" trên địa bàn xã Ea M'Droh (huyện Cư M'Gar), với tổng vốn cả giai đoạn 2019 - 2025 là 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng).

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, dự án tại huyện Cư M'Gar có diện tích gần 200ha. Quy trình chăn nuôi áp dụng công nghệ 4.0, theo 349 tiêu chuẩn của GlobalGAP.

"Dự kiến cuối năm 2021 tổ hợp chăn nuôi này sẽ chính thức cung cấp giống lợn sạch, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường Việt Nam" - ông Hùng nói.

"Nếu so với các vùng chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Dương thì khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đăk Lăk gặp khó khăn hơn về đường giao thông, xa các thị trường tiêu thụ lớn, hệ thống dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế... Sở dĩ chúng tôi vẫn chọn đầu tư ở Đăk Lăk, hay mới đây là Gia Lai là bởi ở đây chúng tôi được chính quyền địa phương tạo điều kiện xây dựng dự án trên diện tích đất đai rộng lớn, xa khu dân cư, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho xây dựng khu chăn nuôi tập trung áp dụng CNC" - ông Hùng nói.

Cần “cú hích” để tạo đột phá (bài 2): Đánh thức tiềm năng chăn nuôi - Ảnh 3.

Động thổ dự án chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp CNC của Tập đoàn TH tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: T.L

Tạo thêm việc làm cho nông dân

Trao đổi với phóng viên, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đánh giá cao ý nghĩa của các dự án chăn nuôi tiền tỷ này. Trong đó, dự án của liên doanh DHN sẽ đưa Đăk Lăk trở thành tỉnh phát triển về nông nghiệp ứng dụng CNC, cung cấp giống lợn và gà an toàn dịch bệnh cho các tỉnh Tây Nguyên, miền Nam và là vùng thí điểm an toàn dịch bệnh đầu tiên ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.

Được biết, trong 5-10 năm tới, Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng và phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống lợn cụ, kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại khắp 5 tỉnh Tây Nguyên, nâng tổng công suất chăn nuôi lợn lên 10.000 - 15.000 con lợn giống cụ kỵ và 100.000 - 120.000 con lợn ông bà.

"Nhìn một cách tổng thể, và các doanh nghiệp cũng nhận thấy Tây Nguyên có lợi thế rất lớn, đó là quỹ đất còn nhiều, rất dễ hình thành các khu chăn nuôi CNC quy mô lớn" - ông Chinh nói.

Bên cạnh đó, theo ông Chinh, Tây Nguyên có các vùng trồng trọt lớn, nông dân rất nhạy bén trong tiếp cận và ứng dụng CNC, thuận lợi về nguồn thức ăn thô xanh cũng như hình thành mối liên kết sản xuất với bà con nông dân. Tại đây, nếu đầu tư chăn nuôi bò thịt, bò sữa đều rất phù hợp, do còn nhiều diện tích đất có thể trồng cỏ, ngô sinh khối.

Thêm nữa là lợi thế về chính sách. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên và đầu tư đặc thù cho vùng Tây Nguyên, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc. Đối với các doanh nghiệp, khi rót vốn vào chăn nuôi ở Tây Nguyên thì cần nắm rõ đặc điểm cơ sở hạ tầng, điều kiện chăn nuôi CNC còn thiếu vắng những gì để xây dựng một chiến lược đầu tư phù hợp, có tính khả thi nhất.

"Tuy nhiên, để các dự án đem lại hiệu quả kinh tế bền vững, tôi cho rằng, phải đáp ứng 3 điều kiện.

Thứ nhất là phải chăn nuôi theo chuỗi, doanh nghiệp có thể đầu tư tại chỗ hoặc liên kết với nhiều doanh nghiệp thực hiện chuỗi khép kín từ thức ăn, con giống, kỹ thuật công nghệ, nhà máy chế biến để giảm giá thành, chia sẻ cùng nhau cả rủi ro lẫn lợi nhuận. Thứ hai, dứt khoát phải áp dụng CNC. Thứ ba, nên lựa chọn mô hình đầu tư PPP, tức là công - tư đều tham gia vào chuỗi này.

Một điều nữa chúng tôi đặc biệt lưu ý khi đầu tư chăn nuôi ở Tây Nguyên, đó là phải sử dụng công nghệ tiết kiệm nước. Vì Tây Nguyên vào mùa khô rất dễ xảy ra hạn hán, thiếu nước, không thể áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn như với khu vực đồng bằng sông Hồng hay Đông Nam Bộ" - ông Chinh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem