Nông thôn mới Nam Định, đây là xã đạt chuẩn hơn 6 năm, vì sao nói điểm kết thúc không có?
Nông thôn mới Nam Định, đây là xã đạt chuẩn đã hơn 6 năm mà điểm kết thúc không có, vì sao lại nói vậy?
Đ. Lực - M. Chiến
Thứ ba, ngày 21/02/2023 06:00 AM (GMT+7)
Nông thôn mới đã đem đến luồng gió mới, thay đổi toàn diện bộ mặt xã Trực Chính (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cách đây 6 năm, nhưng xây dựng nông thôn mới ở đây có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc...
Với điểm xuất phát thấp, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của UBND tỉnh, UBND huyện; sự đồng lòng của chính quyền địa phương, của người dân, nhờ đó xã Trực Chính đã nhanh chóng bứt phá, lột xác và chuyển mình mạnh mẽ. Từ một xã nghèo, có thu nhập thấp, đến nay Trực Chính đã trở thành địa phương có thu nhập cao.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Mai Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Trực Chính cho biết, năm 2014, địa phương bắt đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM. Thời điểm đó, địa phương mới chỉ có 7 tiêu chí đạt, các tiêu chí còn lại vẫn dở dang. Trong đó, tiêu chí cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, môi trường… là những tiêu chí khó khăn nhất.
Để tháo gỡ khó khăn, Đảng ủy xã Trực Chính đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các tiêu chí còn lại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào xây dựng NTM tới các Đảng viên, người dân ở các thôn, xóm. Nhờ vậy, Trực Chính đã sớm cán đích NTM.
"Năm 2015, xã Trực Chính vinh dự được UBND tỉnh Nam Định trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đây là niềm vui lớn của chính quyền địa phương và bà con nhân dân trên địa bàn xã", ông Trường bộc bạch.
Chặng đường xây dựng NTM đã hoàn thành. Tuy nhiên, chặng đường xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phía trước vẫn còn dài, Trực Chính đã sớm quên niềm vui đó và không ngủ quên trên thành tích. Tất cả hệ thống chính trị tiếp tục cùng vào cuộc, nâng cao năng lực, giữ vững các tiêu chí.
Nhờ chương trình nông thôn mới, diện mạo xã Trực Chính (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) được nâng cao, đổi mới rõ rệt. Đường làng, trường học khang trang, sạch sẽ... Video: Mai Chiến
Đến 2019, Trực Chính cơ bản hoàn thành các tiêu tiêu chí trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Năm 2021, Đoàn thẩm định NTM nâng cao, kiểu mẫu tỉnh Nam Định đã về xã Trực Chính tham quan và thẩm định kết quả thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao tại xã Trực Chính.
Qua kiểm tra thực tế, báo cáo thẩm định của các ngành, của UBND xã Trực Chính, Đoàn thẩm định NTM nâng cao, kiểu mẫu tỉnh Nam Định đã thống nhất xã Trực Chính hoàn thành 19/19 tiêu chí, đủ điều kiện để trình Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020.
Bước sang giai đoạn xây dựng NTM kiểu mẫu (2021 - 2025), xã Trực Chính được UBND huyện Trực Ninh chọn là 1 trong 2 xã điểm xây dựng NTM kiểu mẫu. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, chính quyền địa phương cùng nhân dân đã triển khai thực hiện, đầu tư, nâng cao các tiêu chí; phấn đấu cán đích NTM kiểu mẫu vào năm 2024.
"Năm nay, địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM từ xã đến các thôn, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ", ông Trường nhấn mạnh.
Có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc
Đó là chia sẻ của ông Trần Duy Hội - Trưởng thôn Dịch Diệp với phóng viên Báo điện tử Dân Việt về phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở cơ sở.
Ông Hội thông tin, toàn thôn có hơn 370 hộ khẩu với trên 1.120 nhân khẩu. Năm 2015, thực hiện sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, thôn Dịch Diệp đã họp bàn, triển khai phong trào xây dựng NTM.
"Trước khi triển khai, thực hiện phong trào xây dựng NTM, chúng tôi đã tổ chức họp dân, tuyên truyền về những lợi ích được hưởng khi tham gia xây dựng NTM. Qua buổi họp, bà con nhân dân trong thôn đều hưởng ứng và tích cực tham gia. Bởi vậy, phong trào đạt được nhiều kết quả tích cực", ông Hội nhớ lại.
Theo ông Hội, nhiều năm qua, bà con nhân dân trong thôn Dịch Diệp đã góp công sức, ngày công, tiền bạc… để đẩy mạnh xây dựng NTM. Thậm chí, có hộ gia đình còn tình nguyện hiến đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng đường Tỉnh lộ ĐT487 chạy qua địa bàn thôn, xã.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống từ chính quyền từ thôn tới hộ gia đình nên các trục đường chính, dong ngõ ngày càng được củng cố, bê tông hóa; đảm bảo sạch sẽ, thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, cảnh quan môi trường luôn được người dân giữ gìn sạch sẽ, không có rác thải trôi sông. Đặc biệt, hiện nay tại mỗi hộ gia đình đều có 2 thùng đựng rác (rác hữu cơ, rác vô cơ) để phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nhằm giảm thiểu 1 lượng rác thải ra ngoài và giảm tải cho nhà máy xử lý rác thải.
"Nhờ môi trường sống được đảm bảo sạch sẽ, nên nhiều năm nay, trên địa bàn thôn không xuất hiện ổ dịch bệnh nguy hiểm nào xảy ra ở trên người. Giai đoạn đại dịch Covid-19 xuất hiện, người dân được lực lượng chức năng chăm sóc, hỗ trợ về mọi mặt, vì vậy không có ai thiệt mạng. Tất cả mọi người dân đều khỏe mạnh, an toàn", ông Hội tâm sự.
Đặc biệt, nhờ phong trào xây dựng NTM, mà đời sống của người dân được nâng lên, cuộc sống ấm no hơn. Không những thế, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo; trên địa bàn thôn không xảy ra vụ trộm cắp tài sản nào.
Ông Hội phấn khởi, vài năm trở lại đây, nhân dân thôn Dịch Diệp đã thực hiện tốt 3 "tự". Đó là tự quản, tự phòng, tự bảo vệ. Song song với đó, nhiều hộ gia đình tự đầu tư kinh phí, lắp camera an ninh trước cửa nhà để bảo vệ tài sản. Với thôn, cũng đã lắp đặt camera an ninh ở những khu vực công cộng…
Dẫn chúng tôi đi tham quan, Trưởng thôn Dịch Diệp không giấu nổi niềm vui khi nhắc lại thời điểm thôn được công nhận là thôn kiểu mẫu vào năm 2021. "Có được kết quả này là sự đồng lòng, chung sức của bà con nhân dân thôn Dịch Diệp nói riêng, cả xã nói chung. Nhân dân chúng tôi rất tự hào khi đạt được danh hiệu thôn kiểu mẫu. Đây là động lực để cơ sở hướng tới xây dựng thôn kiểu mẫu bền vững", ông Hội nói.
Ông Hội nhấn mạnh, mặc dù đã được công nhận là thôn kiểu mẫu, nhưng thời gian tới, cơ sở vẫn tiếp tục xây dựng, sửa chữa lại những công trình phúc lợi nhằm hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí trong việc xây dựng NTM kiểu mẫu bền vững.
"Công tác xây dựng NTM được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, thể hiện sự quyết tâm cao; tiêu biểu như thôn Khánh Thịnh Định và thôn Dịch Diệp. Đến nay, ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ, nhân dân đã ủng hộ, đóng góp trên 2 tỷ đồng", ông Mai Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.