NSND Trần Hiếu 82 tuổi vẫn hát sung trong đêm “Chuyện tình mùa đông”

Thanh Hà Thứ bảy, ngày 27/01/2018 08:00 AM (GMT+7)
Với phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, dù đã ở tuổi 82 nhưng NSND Trần Hiếu vẫn khiến khán phòng trở nên sôi động và không ngừng vỗ tay trước màn biểu diễn của ông qua ca khúc vui tươi “Đừng nói tôi già”.
Bình luận 0

Tiếp tục với chuỗi liveshow đánh dấu sự trở lại của mình, nam ca sĩ Đình Nguyên đã tổ chức đêm nhạc mang tựa đề “Chuyện tình mùa đông” được diễn ra tối ngày 25.1 tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các khách mời như: NSND Trần Hiếu, ca sỹ Trọng Bắc, Kasim Hoàng Vũ, Pha Lê, Huỳnh Long…Đặc biệt là sự góp mặt của NSND Trần Hiếu, người thầy đầu tiên và cũng là duy nhất của nam ca sĩ gốc Đà Lạt này.

img

img

NSND Trần Hiếu xuất hiện trong đêm nhạc của học trò, với chiếc mũ bê-rê và nụ cười hóm hỉnh quen thuộc, người nghệ sỹ già 82 tuổi, cầm micro hát “Đừng nói tôi già” – một ca khúc mà nhạc sỹ Nguyễn Xuân Mai viết tặng ông năm nghệ sỹ tròn 80 tuổi đã khuấy đảo cả khán phòng, khiến tất cả khán giả vỗ tay hưởng ứng và thích thú trước màn biểu diễn sôi động của ông.

img

Ông cũng không quên dành lời khen cho cậu học trò của mình: “Tôi dạy học từ năm 1959, đến nay cũng gần tròn 60 năm. Vừa dạy chính quy vừa không chính quy. Đình Nguyên thuộc lớp không chính quy đó. Tôi từng đọc ở trong một cuốn sách, người ta nói đại ý rằng, bước sang thế kỷ XXI, toàn nhân loại sẽ xóa đi một chữ, đó là “nghiệp dư”. Tôi nghĩ đến điều đó khi nhìn Đình Nguyên. Đôi khi, có những người không được học chính quy, lại hát tốt hơn những người chính quy. Tôi vẫn nói với các học trò của mình, với nghề của chúng ta, trò 7 thầy 3 là được rồi. Thầy giỏi mấy cũng chỉ dừng ở 3 thôi. Nhưng trò mà không đạt 7 thì sẽ không thể đạt 10. Nguyên đạt 7 rồi”.

img

Hai thầy trò cũng phối hợp ăn ý, truyền cảm trong một ca khúc đậm tính tự sự là “Hà Nội và tôi” – một ca khúc của nhạc sỹ Lê Vinh.

Nếu chương trình ở Hà Nội, Đình Nguyên xuất hiện trong tâm thế của một lãng khách thì với “Chuyện tình mùa đông” diễn ra tại TP.HCM, anh như một đứa con đi xa vừa trở về và mang chút tình mà anh gọi là “quà mọn”, để tri ân những người đồng hành với mình hơn 10 năm qua.

Chất giọng nam trung đặc biệt với quãng giọng rộng, âm vực lên cao xuống thấp linh hoạt giúp Đình Nguyên có khả năng chạm vào lòng người nghe khi hát “Những bước chân âm thầm” (Sáng tác: Y Vân), “Đời không còn nhau” (Sáng tác: Diệu Hương), “Quê hương tuổi thơ tôi” (Sáng tác: Từ Huy), “Dấu chân địa đàng” (Sáng tác: Trịnh Công Sơn), 2 ca khúc “Em đẹp nhất đêm nay” và “Cảm ơn đêm nay” của nhạc sỹ Vũ Quốc Việt… Ca khúc “Nỗi buồn mùa đông” (nhạc ngoại, lời Việt: Anh Bằng) từng được biết đến nhiều qua tiếng hát Như Quỳnh thì giờ qua tiếng hát trầm, ấm, truyền cảm của Đình Nguyên mang một sắc vị mới.

Ở tuổi 37, Đình Nguyên chọn hình ảnh của mình rất rõ rệt, đó là hình ảnh của một “gentleman” – quý ông hát. Và quý ông đó muốn kể những bức tranh đẹp bằng thẩm mĩ âm nhạc của mình. Trong bức tranh đó, không phân biệt nhạc mới hay nhạc cũ. Cũng không có ai là trung tâm. Chỉ có một nhân vật chính ở đây, đó là âm nhạc, là cái Đẹp. Và anh “rủ rê” những người khác cùng mình làm đầy bức tranh đó, bằng các mảnh ghép âm nhạc, mỹ cảm của họ.

img

Theo Đình Nguyên kể, có một khoảng thời gian dài, anh cảm thấy hoang mang, chao đảo vì “đời cơm áo” nhưng vì có những người đó mà anh mới nhận ra rằng, một người ca sỹ thì không thể một ngày không hát. Họ là nguồn năng lượng bền bỉ, bất tận giúp Nguyên kiên định, tự tin vào con đường mà mình đã chọn.

Đình Nguyên nói: “Đã có một khoảng thời gian, tôi cứ đi lòng vòng mãi. Ở thời điểm đó, dù muốn hay không muốn thì vẫn phải lòng vòng. Để làm nghệ thuật, bên cạnh giọng hát, còn nhiều yếu tố nữa, như tài chính, sự may mắn… Tất cả hội tụ tại một điểm thì việc mới thành. Nổi tiếng hay không, cũng phụ thuộc vào nhân duyên nữa. Nhưng mà giờ nhớ lại, quãng thời gian đó cũng không hề phí phạm. Nó dạy tôi bài học về lòng kiên định và nhắc mình rằng mình thực sự thích cái gì. Khi nhận ra điều đó rồi thì mình sẽ không bao giờ từ bỏ”.

Trong đêm “Chuyện tình mùa đông”, ca sĩ Kasim cũng tạo bất ngờ khi vẫn là chất rock đó, vẫn là chất khàn đó, nhưng so với thời Sao mai 2004, Kasim giờ đây như một “gentleman” mới. Giọng hát đầy trải nghiệm, dày, ấm và gợi. Anh cả đàn piano cả song ca cùng Đình Nguyên một sáng tác của nhạc sỹ Lê Quang – “Khi”. Kasim cũng không quên thể hiện “Mơ về nơi xa lắm” - một ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Phú Quang, phổ từ thơ của Thăng Thái Long.

img

Ca sĩ Đình Nguyên và ca sĩ Pha Lê trong đêm "Chuyện tình mùa đông". Ảnh: Nguyễn Quân

Pha Lê, cô em gái thân thiết của Đình Nguyên là người nữ duy nhất trên sân khấu “Chuyện tình mùa đông”. Đình Nguyên nói vui, lí do chọn Pha Lê cũng chỉ vì cô là ca sỹ “nam tính nhất” trong số các giọng ca nữ. Xuất hiện trong đêm nhạc, Pha Lê song ca cùng Đình Nguyên tình khúc “Con đường màu xanh” của nhạc sỹ Trịnh Nam Sơn và solo “Cảm ơn người bỏ ta đi”, một sáng tác của nhạc sỹ Võ Hoài Phúc.

20 bản tình ca, được nối nhau bằng những câu chuyện nhỏ. Đình Nguyên chia sẻ: “Gần 10 năm, không có cơ hội nói lời tri ân, cảm ơn nên tôi muốn nhân cơ hội này để bày tỏ hết. Đêm nhạc này, là đêm của người thân, tình nhà. Dốc lòng cho hết. Xuất hiện ở đây, Đình Nguyên chỉ muốn nói một điều rằng, Đình Nguyên đã trở lại, và năm 2018 sẽ có những điều rất mới”.

Đây cũng là chương trình khép lại năm cũ 2017 và đặt nền móng cho chuỗi sự kiện, gắn với những sản phẩm âm nhạc mới trong năm 2018. Nam ca sỹ tiết lộ: “Sau chương trình này, Nguyên sẽ phát hành một single mới cộng tác với một nhạc sỹ trẻ; đồng thời ra một album gồm những ca khúc thể hiện thành công nhất trên sân khấu từ trước đến giờ. Ngoài ra, trong năm 2018, trung bình mỗi quý, đều có sản phẩm giới thiệu đến công chúng của mình”.

Không phải bạn trẻ nào cũng biết tới nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… là ai. Không phải bạn trẻ nào cũng biết cảnh “mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đường” là một thời như thế nào. Số lượng ca sỹ hát nhạc xưa, nhạc trữ tình về sau này không quá nhiều. Ngoài việc thỏa mãn đam mê, Đình Nguyên mong muốn hướng tới một giá trị nhỏ mà mình có thể góp phần vào, đó là giá trị giáo dục. Anh giữ lửa cho mình, truyền lửa đó sang thế hệ sau anh. Âm nhạc có ý nghĩa hơn cũng từ những điều giản dị như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem