Nước sạch không tự sinh ra...

Thứ sáu, ngày 08/11/2013 08:24 AM (GMT+7)
“Chúng tôi đã hiểu nước sạch không phải là có vô hạn. Nếu mình không bảo vệ rừng và nguồn nước, sử dụng tiết kiệm thì nước sạch cũng sẽ hết" - anh Lường Văn Cán, dân bản Pá Công, xã Huổi Một, huyện Sông Mã bảo vậy.
Bình luận 0
Nước sạch là vốn quý

Sông Mã (Sơn La) là huyện nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La, nơi sinh sống của cộng đồng nhiều dân tộc: Mông, Thái, Sinh Mun, Lào... đời sống vật chất và trình độ dân trí còn hạn chế.

Anh Lường Văn Cán nhớ lại: Trước đây, nếu nói đến nước sạch mà mình được sử dụng thì chỉ có thể là qua nước uống đã đun sôi hoặc khi đi rừng khát nước phải uống trong thân tre, thân chuối... Còn thường ngày là nước suối, nước mó "nguyên chất". Vì thế người lớn thì hay bị bướu cổ, sỏi thận, mật, gan; trẻ con thì bị giun, sán, ngứa ngáy. Nhưng những năm gần đây, được Nhà nước đầu tư cho nhiều hệ thống lọc nước, dẫn nước; lại được tuyên truyền, bà con đã biết được giá trị của nước sạch và chỉ dùng nước sạch thôi.

Dân bản C4 xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) sử dụng tiết kiệm  nguồn nước sạch do Nhà nước đầu tư.
Dân bản C4 xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch do Nhà nước đầu tư.

Đến bản Loọng Mòn của bà con dân tộc Sinh Mun trong xã Huổi Một, chị Vì Thị Liên, dân bản, kể: “Trong nước mó hay có con tắc te (tên gọi một loại vắt sống trong nước) chỉ chực chờ để chui vào mũi người, hay các loài động vật khi vô tình uống phải nó. Nhiều người phải đến bệnh viện gắp nó ra vì nó lẩn trốn rất nhanh, vào sâu trong mũi, cuống họng, rất khó bắt...”.

Phải bảo vệ nguồn nước

Cũng theo chị Liên thì trước đây do chưa được tuyên truyền, giải thích và đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch nên bà con suy nghĩ rất giản đơn: Nước là do trời làm ra, dùng thoải mái không sợ hết. "Nhưng bây giờ, dân bản đã hiểu rằng nước sạch là do mình làm ra và nước sạch cũng có hạn. Nếu không đầu tư vào giữ gìn, bảo vệ, tiết kiệm nguồn thì nước sạch cũng sẽ hết"- chị Liên khẳng định.

Đến nhà anh Cút Văn Khoa, cùng bản với chị Liên, thấy anh đang đun bếp bằng lõi bắp ngô. Anh Khoa cho hay: “Trước đây dân bản có ai chịu nấu bếp bằng cùi ngô đâu. Củi trên rừng nhiều lắm. Nay thì chúng tôi không chặt củi bừa bãi nữa. Cán bộ bảo phải giữ rừng, dân bản cũng thấy phải giữ rừng để an toàn mùa mưa lũ, lấy khí sạch thở và nước sạch để ăn uống, sinh hoạt”.

Già bản Loọng Mòn - Cút Văn Biên, gật gù, chỉ tay lên dãy núi phía tây trùng điệp trải dài theo đường biên giới Việt - Lào, bảo: “Không phải chỉ dân bản Loọng Mòn mà ở đất Sông Mã này, bây giờ ai cũng biết phải trồng cây, phải giữ gìn nguồn nước... Cháu cứ nhìn kia, cả dải đất này xưa kia trọc lốc mà bây giờ cây cối đang xanh dần. Rừng tự nhiên, rừng kinh tế, vườn cây ăn quả... chính là cách để làm ra nước sạch của người dân Sông Mã đấy.
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem