Nuôi cá đặc sản trên lòng hồ Hòa Bình, nông dân làm giàu, lãi quan viên

Xuân Tuấn Thứ năm, ngày 13/10/2022 05:36 AM (GMT+7)
Từ khi thủy điện Hòa Bình đóng cống (1988), người dân ở đất Mường có thêm một nghề mới là khai thác thủy sản. Nhưng không dừng lại ở việc đánh bắt, nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng để phát triển kinh tế, làm giàu.
Bình luận 0

Bà con người Mường, người Tày, người Dao sống ven lòng hồ Hòa Bình từ nhiều đời đã gắn bó với nghề truyền thống "bới đất lật cỏ", cần mẫn với nương, với ruộng đồng. Từ khi Thủy điện Hòa Bình hoàn thành, họ đã mạnh dạn rời nương xuống lòng hồ nuôi cá lồng. Sau mỗi năm, mặt hồ Hòa Bình lại đón thêm cả trăm hộ dân mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng.

Nuôi cá đặc sản "lãi quan viên"

Anh Đinh Văn Linh - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, dịch vụ và thủy sản Bình Thanh là một trong những hộ đầu tiên của xã Bình Thanh (TP.Hòa Bình) đã bỏ nương để nuôi cá. Hiện HTX có 20 thành viên, tham gia với 100 lồng cá. Gia đình anh Linh có khoảng 15 lồng cá, nằm cách nhà khoảng 15 phút đi thuyền. Hiện anh Linh nuôi cá lăng, chiên, trắm đen, rô phi… Mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường cả trăm tấn cá các loại.

Làm giàu với nuôi cá đặc sản trên lòng hồ Hòa Bình  - Ảnh 1.

Nghề nuôi cá lồng đang phát triển mạnh tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: X.T

"Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đang có xu hướng phát triển. Tỉnh cũng định hướng xây dựng thương hiệu đặc sản cá sông Đà trong thời gian tới, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập và làm giàu ở địa phương".

Ông Hoàng Văn Son - Chi Cục trưởng Chi cục

Thủy sản tỉnh Hòa Bình

Theo anh Linh, nuôi cá ở lòng hồ Hòa Bình có thuận lợi là tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ như cá tép trên hồ, trồng cỏ, ngô trên nương. "Mình tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp cho cá ăn, nên việc nuôi cá ở đây mang lại lợi nhuận cao. Sau 2 năm khó khăn do dịch Covid- 19, hiện nay các hộ nuôi cá trong HTX đã cơ bản phục hồi sản xuất, tiếp tục khôi phục và phát triển nghề nuôi cá lồng" - anh Linh chia sẻ.

Anh Linh cũng như 20 thành viên trong HTX đã đầu tư nuôi cá được cả chục năm. Ban đầu họ sản xuất manh mún, mỗi hộ đầu tư 1 - 3 lồng cá. Từ khi các hộ tham gia thành lập HTX đã nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền tỉnh Hòa Bình. "Bà con được vay vốn ưu đãi, được hỗ trợ tiền làm bè, rồi tổ chức hội thảo, xúc tiến việc xây dựng thương hiệu cá sạch sông Đà. Nhờ vậy, cuộc sống của các thành viên trong HTX được cải thiện từng ngày. So với việc trồng ngô, trồng lúa, nghề nuôi cá mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần" - anh Linh cho biết thêm.

Lòng hồ thủy điện Hòa Bình kéo dài cả trăm km, sinh sống dọc theo lòng hồ là bà con người Tày, người Dao và người Mường. Họ là những gia đình đã nhường đất cho Thủy điện Hòa Bình và thuộc các hộ di dân vén. Một thời gian dài, họ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất. Khoảng 20 năm trở lại đây, bà con đã mạnh dạn đầu tư cho nghề nuôi cá lồng.

Từ TP.Hòa Bình ngồi thuyền đi ngược lòng hồ qua các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong và Mai Châu, chúng tôi dễ dàng bắt gặp cả nghìn lồng cá được xây dựng vững chắc trên lòng hồ. Nhiều vùng có bà con dân tộc thiểu số sinh sống đã thực sự đổi đời nhờ nghề nuôi cá lồng. Sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương đã tạo thành phong trào nuôi cá lồng phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ đã vươn lên thành những triệu phú, tỷ phú nuôi cá lồng.

Anh Nguyễn Xuân Sang - người dân tộc Mường ở xóm Nai, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, được coi là triệu phú người Mường nhờ nuôi cá. Năm 2022, anh Sang còn vui mừng đón nhận tin vui, sản phẩm cá của gia đình anh có trong danh sách 100 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Anh Sang có 6 lồng nuôi cá trắm đen, 6 lồng nuôi cá lăng, còn lại là cá rô, chép và cá trê.

Trong các loại cá anh Sang nuôi, anh tâm đắc nhất là cá trắm đen. Giống này ít bệnh, ăn khỏe lại lớn nhanh, hơn nữa nó luôn là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, anh Sang cho biết: "Thường thì nuôi cá trắm đen đạt trên 10kg là tôi bán, giá 200.000 đồng/kg. Như vậy mỗi con cá thu được trên 2 triệu đồng".

Xây dựng thương hiệu cá sạch sông Đà

Làm giàu với nuôi cá đặc sản trên lòng hồ Hòa Bình  - Ảnh 3.

Nuôi cá lồng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Ảnh: X.T

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có 4.700 lồng nuôi cá, sản lượng gần 9.000 tấn/năm, chủ yếu là các loại cá đặc sản như: Chiên, lăng chấm, lăng vàng, nheo Mỹ, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chép...

Lòng hồ Hòa Bình với diện tích trên 10.450ha mặt nước nằm trên địa bàn TP.Hòa Bình và 4 huyện: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong và Đà Bắc, mở ra tiềm năng lớn phát triển nghề nuôi cá lồng. Trong những năm vừa qua, tỉnh Hòa Bình đã quan tâm và có nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng của lòng hồ như hỗ trợ bà con vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tiền làm lồng bè, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư... Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 4.700 lồng nuôi cá.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã và đang thực hiện thành công mô hình chuỗi an toàn thực phẩm cá sông Đà. Các dự án liên kết sản xuất cá sông Đà theo chuỗi giá trị tại 5 huyện, thành phố với quy mô 300 lồng nuôi, 70 hộ tham gia bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2018. Hoạt động đầu tư nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn và chuyển giao ứng dụng kỹ thuật được chú trọng thực hiện.

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có hơn 40 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại của hộ gia đình đầu tư nuôi cá lồng thâm canh với quy mô lớn. Trong đó, có gần 10 doanh nghiệp đầu tư hơn 200 lồng nuôi theo công nghệ tiên tiến với các loại cá chiên, cá lăng, cá tầm, cá bống, trắm đen... cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Đa số lồng nuôi cá hiện nay đều làm theo công nghệ mới. Theo đó, lồng lưới khung sắt với thể tích đạt từ 70 - 100m3/lồng, thay thế dần lồng bằng bương, tre. Các hộ tham gia nuôi trồng cơ bản đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Có 8 doanh nghiệp đã ký kết liên doanh với các hộ dân nuôi cá lồng hợp quy chuẩn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, các do-anh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm với các hộ dân. Vì vậy, sản lượng cá nuôi trên địa bàn luôn đảm bảo ổn định đầu ra.

Theo ông Hoàng Văn Son - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có 4.700 lồng cá. Sản lượng cá thu hoạch 10.000 tấn/năm, trong đó khai thác 1.704 tấn, nuôi gần 9.000 tấn, chủ yếu là các loại cá đặc sản như: Chiên, lăng chấm, lăng vàng, nheo Mỹ, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chép... "Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đang có xu hướng phát triển, công nghệ nuôi lồng lưới được phổ biến rộng rãi đến người dân, giúp nâng cao thu nhập, giảm chi phí đầu tư. Tỉnh cũng định hướng xây dựng thương hiệu đặc sản cá sông Đà trong thời gian tới, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập và làm giàu ở địa phương"- ông Son cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem