Nuôi giun quế, trồng cam sạch, môi trường cũng sạch

Thu Hà Thứ sáu, ngày 11/01/2019 13:55 PM (GMT+7)
Mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi và trồng trọt của ông Nguyễn Xuân Hùng ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) đã góp phần quan trọng đã tạo ra những dòng sản phẩm sạch phục vụ người dân Thủ đô.
Bình luận 0

Giải quyết hiệu quả bài toán môi trường

Đầu năm 2016, ông Hùng mạnh dạn làm đơn đề xuất UBND xã Phù Đổng cho thuê khu đất thùng đào, thùng đấu của thôn Phù Đổng với diện tích 15,6ha. Ông quy hoạch 1.500m2 đất để xây dựng khu nuôi giun quế. Diện tích đất còn lại ông Hùng quy hoạch thành trang trại trồng các loại cây cảnh, cây ăn quả có múi, hoa lan chất lượng cao…

Chia sẻ về lý do lựa chọn Phù Đổng làm nơi phát triển mô hình nuôi giun quế, ông Hùng cho biết: “Qua tìm hiểu ở đây, tôi nhận thấy địa hình và thổ nhưỡng, nguồn nguyên liệu sẵn, phù hợp để nuôi giun quế. Hơn nữa, việc nuôi giun quế ở vùng này sẽ giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải của các hộ chăn nuôi bò sữa”.

img

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và đoàn công tác thăm mô hình nuôi giun quế của ông Hùng. Ảnh: TH

Ông Trần Xuân Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết: “Hiện xã có đàn bò với tổng khoảng 2.000 con, mỗi ngày đàn bò thải ra gần 20 tấn phân. Trước đây, số phân này một phần các hộ dân sử dụng làm hầm biogas, còn hầu hết bà con đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, thậm chí đổ ra vệ đê, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường. Khi xã nhận được đơn đề xuất của ông Hùng mong muốn được đầu tư nuôi giun đất, nhận thấy mô hình này có thể giúp xã giải quyết được nguồn chất thải từ bò sữa, lãnh đạo xã đã đồng ý cho triển khai”.

Theo ông Hùng, từ ngày bắt đầu nuôi giun quế, mỗi tháng ông thu mua của bà con 360 tấn phân bò để thực hiện việc nuôi giun. Nuôi giun quế là mô hình khép kín, tự sản xuất - tự tiêu thụ, kết hợp giữa 3 yếu tố: Khoa học – Môi trường – Kinh tế. Đây được xem là mô hình nghiên cứu sáng tạo, giúp xử lý chất thải nông nghiệp bằng biện pháp sinh học lần đầu tiên được triển khai có quy mô.

Hiện nay, ông Hùng đang thu hoạch giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ giun quế. Với giá bán 20.000 đồng/kg sinh khối (giun giống), 100.000 đồng/kg giun thành phẩm, 2.500 đồng/kg phân sạch, trang trại của ông cung cấp giống và phân bón cho nhiều trang trại lớn ở miền Bắc và trên địa bàn Hà Nội.

Mô hình khép kín

Ngoài nhà xưởng nuôi giun quế, ông Hùng còn quy hoạch khu đất thành vùng trồng cây cảnh, cây ăn quả, hoa lan cao cấp và sử dụng chính nguồn phân sạch từ giun quế để chăm sóc. Năm 2018, lứa cam đầu tiên trong chuỗi mô hình khép kín do ông Hùng xây dựng đã được thu hoạch, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Ông Hùng cho biết, chỉ vài năm nữa người dân sẽ hoàn toàn được sử dụng dòng sản phẩm hoa quả, gia cầm sạch.

Hiện ông Hùng là Chủ tịch HĐQT HTX Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư với 10 thành viên tham gia. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, chia sẻ cho bà con về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ông Hùng còn tìm hiểu, tham gia các diễn đàn nông nghiệp và các buổi hội thảo để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi giun quế…Điều đáng mừng, mục đích ban đầu khi nuôi giun là giải quyết vấn đề môi trường tại Phù Đổng và tạo ra mô hình khép kín trong chăn nuôi và trồng trọt nông nghiệp sạch” – ông Hùng nói.

Mới đây, trong đợt kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới tại Gia Lâm, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá cao mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng giun quế của ông Nguyễn Xuân Hùng. Mô hình này đã góp phần quan trọng trong giải quyết bài toán về môi trường tại địa phương. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng huyện Gia Lâm cần nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem