Năm 2021, ông Phạm Văn Tuyết, thôn Đồng Lạc đã đầu tư chuyển đổi 5.000m2 từ nuôi tôm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao bằng cách lót bạt nilon ở đáy ao và làm lưới che phía trên không gian ao nuôi, hệ thống cấp, xử lý nước ao...
Với sự chuyển đổi này, năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch cao gấp 3 - 4 lần so với nuôi ao đất, từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích nuôi thủy sản.
Nuôi tôm công nghệ cao tại vùng ngoài đê xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Ông Tuyết chia sẻ: Nuôi tôm công nghệ cao, quy trình lựa chọn giống tôm phải tốt, nuôi trong môi trường nước đã qua xử lý và đủ điều kiện về oxy, phải kiểm tra môi trường hàng ngày. Nuôi tôm công nghệ cao giảm được dịch bệnh, sản lượng đạt cao hơn so với nuôi ở ao đất.
Mỗi năm tôi nuôi được từ 3 - 4 vụ chứ không chỉ làm được 2 vụ như cách nuôi truyền thống trước đây. Tuy nhiên, để nuôi tôm công nghệ cao người dân chúng tôi phải bỏ chi phí ban đầu rất lớn, khoảng 1 tỷ đồng/ha. Năm đầu tiên tôi nuôi tôm theo hướng công nghệ cao cho thu lãi 150 triệu đồng/vụ.
Còn ông Nguyễn Văn Hinh, thôn Hợp Châu chia sẻ, khi thực hiện nuôi tôm thẻ trên diện tích 1ha của gia đình chuyển đổi sang công nghệ cao thành công. Bên cạnh việc đầu tư bài bản hạ tầng ao nuôi, ông chú trọng đến nguồn con giống mua tại cơ sở uy tín, đồng thời bản thân đúc rút kinh nghiệm về sử dụng chế phẩm vi sinh, hạn chế kháng sinh trong mỗi vụ nuôi thả.
Đều đặn kiểm tra theo định kỳ chất lượng nước và lượng thức ăn tồn dư để điều chỉnh cho phù hợp, mật độ thả và xử lý môi trường, hạn chế được dịch bệnh, bảo đảm tôm nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của xã ven biển, Nam Thịnh đã từng bước thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, góp phần tích cực trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện nay xã có diện tích vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản khoảng 220ha, trong đó có 10ha nuôi tôm công nghệ cao của người dân và 17ha của doanh nghiệp. Qua đánh giá cho thấy nuôi tôm công nghệ cao cho hiệu quả vượt trội, bảo đảm an toàn dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Ưu điểm vượt trội so với nuôi tôm truyền thống là hạn chế tác động của thời tiết, nhất là những đợt rét đậm, rét hại và mưa lớn, ao nuôi không bị phân tầng nước, không làm tôm sốc nhiệt gây chết hàng loạt. Tuy nhiên, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao yêu cầu người nuôi phải có vốn lớn.
Trung bình chi phí đầu tư theo mô hình này trên 1 tỷ đồng/ha. Ngược lại, tỷ lệ thành công khá cao, năng suất trung bình đạt trên 30 tấn/ha.
Để bảo đảm cho người dân và doanh nghiệp phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao bền vững, xã Nam Thịnh đã có nhiều giải pháp như quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản; hàng năm đầu tư cải tạo hệ thống mương dẫn nước vào vùng nuôi tôm; tăng cường phối hợp với ngành chuyên môn kiểm soát chất lượng con giống.
Xã phối hợp tạo điều kiện cho người dân tham quan, học tập các mô hình hiệu quả nhằm thay đổi tư duy, nâng cao kiến thức nuôi trồng thủy sản. Chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với các ngân hàng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc vay vốn của người dân. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi biện pháp chăm sóc, phòng bệnh cho tôm.
Hạ tầng ao nuôi tôm thẻ công nghệ cao được các hộ dân xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) đầu tư quy mô bảo đảm nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.