Nguyễn Tiến Dũng
Thứ sáu, ngày 16/10/2020 08:59 AM (GMT+7)
Hiện nay, rất nhiều loài chim di trú theo bầy đàn bay về đều bị giăng bẫy. Chỉ tính riêng địa bàn Nghệ An đã có đến hàng ngàn tay bẫy, mỗi ngày số chim bị bắt rất lớn.
Đi dọc con đường liên xã vùng biển huyện Diễn Châu, chúng tôi thấy bẫy giăng la liệt. Tiếp cận tay bẫy tên Kiên, anh ta cho biết, vào dịp mùa thu (tháng 7-10 âm lịch) các loài chim di trú từ biển bay về đất liền rất nhiều. Nắm được quy luật đó nên người dân chăng lưới đón bắt.
Kiên hào hứng: "Bọn tui giăng lưới ở mép đường, đoạn đường dọc theo bờ biển. lưới cao 2m, dài ngắn tùy ý nhưng ít nhất là 100m. Khâu thứ hai là bật loa phát tiếng kêu của chim. loài chim di trú bẫy lưới được chủ yếu là gà lôi, trích, cà cà, vịt trời, ngỗng trời.
Những loài chim này rất thính, cách 1km chúng đã nghe tiếng kêu, tưởng là tiếng của đồng loại nên đồng loạt bay đến, chúng bay rất thấp cứ lao vùn vụt không có "số lùi" nên dính lưới.
Không có con nào thoát được được vì chân của chúng ngón dài luôn quắp lại. Mùa này tui huy động cả nhà trực cả ngày lẫn đêm gỡ chim để mang đi bán. Giá chim năm nay tăng! Gà lôi 100.000 đồng/con; cà cà 35.000 đồng/con; trích 70.000 đồng/con; cò 50.000 đồng/con. Nhờ có nghề bẫy chim mà tui tậu được con xe máy và trang trải cho 5 đứa con ăn học".
Kiên dẫn chúng tôi ra xem "thiên la địa võng" của những tay thợ bẫy chim bên bờ biển.
Dọc theo mép đường chúng tôi thấy lưới giăng dài qua nhiều xã: Diễn Bích, Diễn Kim, Diễn Ngọc, Diễn thành và Diễn Thịnh. Tiếng các loài chim từ đài "cát sét" kêu loạn xạ.
Chim dính lưới liên tục người ta chạy như con thoi để gỡ. Kiên cho biết ở vùng cửa biển này có cả trăm tay bẫy, mỗi ngày bắt được trên 1 tấn chim các loại. Số chim này được nhập cho các quán nhậu và đem ra chợ bán để làm món ăn.
Ở cửa biển các tay bẫy giăng thiên la địa võng thì ở trên khắp các cánh đồng trên địa bàn Nghệ An đều la liệt bẫy giăng. Chúng tôi chứng kiến những tay bẫy ở cánh đồng xã Nhân Thành, huyện Yên Thành một buổi sáng bắt được hơn chục đàn cò, mỗi đàn 50 - 200 con đều không thoát được "thiên la địa võng" đầy chết chóc này.
Bình, một tay bẫy ở Hợp Thành cho biết: "Trước đây mỗi mùa tui cũng kiếm được mươi triệu đồng, gấp mấy lần làm ruộng nhưng nay kiếm được ít hơn vì nhiều người sắm đồ nghề đi bẫy, riêng xóm tui là 17 người. Mùa này hầu như làng mô, xã mô, huyện mô cũng có người bẫy cò".
Không chỉ dùng lưới bẫy, có người còn dùng súng hơi, súng cồn, súng thể thao để săn chim. Người đi bắn chim về bán kiếm tiền, kẻ dùng súng bắn chim làm thú tiêu khiển và để làm mồi nhậu.
Theo Giang, một tay súng hơi cho biết thì mỗi đêm anh bắn được khoảng trên 20kg chim các loại để về bán cho các quán nhậu, riêng xóm anh đã có gần chục tay súng săn chim.
Nguy cơ lây lan dịch bệnh
Những dịp này khắp trên các ngả đường, các chợ , hầu hết các quán ăn ở Nghệ An đều bày bán đặc sản chim trời. Chúng tôi đã đi đến một số chợ ở Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu , Yên Thành - mỗi chợ một ngày tiêu thụ ít nhất 4 - 5 ngàn con chim, chủ yếu là cò trắng, gà lôi, trích, cà cà, vịt trời, …
Biên, một lái chim cho biết một ngày anh thu gom được trên 2 tấn chim để nhập cho các quán nhậu.
Việc thảm sát chim trời không những làm mất cân bằng sinh thái mà các loài chim di trú này là ẩn họa của việc lây lan dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đưa ra cảnh báo, virus cúm A H7N9 xuất hiện từ gia cầm, chim di trú có thể lây lan rộng trên toàn cầu.
Hiện nay, đại dịch Covid- 19 đang hoành hành trên khắp thế giới, chúng ta càng cần nâng cao cảnh giác. Các chuyên gia về y tế cảnh báo các loài chim di trú là tác nhân lây truyền các dịch bệnh lan rộng một cách nhanh nhất.
Đề nghị các ngành chức năng về môi trường ở nghệ An cần sớm có chỉ thị cấm và xử phạt đối với hành vi săn bắt chim để bảo vệ môi sinh, môi trường và đề phòng loài chim di trú này lây lan dịch bệnh cho con người và gia súc, gia cầm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.