Ở Kiên Giang, nông dân nuôi cua biển bắt lên toàn con to bự thế này đây, giá cua biển cứ tăng
Ở Kiên Giang, người dân, doanh nghiệp đang tăng khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản để bù sản lượng thiếu hụt
Thứ ba, ngày 16/07/2024 14:22 PM (GMT+7)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, sản lượng khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt 360.942 tấn, bằng 45,42% kế hoạch năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, sản lượng khai thác hải sản và nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt 360.942 tấn, bằng 45,42% kế hoạch năm.
Nông dân vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang đang vào đợt thu hoạch cua biển. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN
Trong đó, hải sản khai thác đánh bắt 213.231 tấn, bằng 49% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản nuôi thu hoạch 147.711 tấn, bằng 40,47% kế hoạch năm, tăng 2,25% so cùng kỳ…Giá trị sản xuất thủy sản ước tính đạt hơn 16.000 tỷ đồng, bằng 44,73% kế hoạch năm, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm 2023.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, sản lượng hải sản khai thác đánh bắt giảm do chi phí chuyến biển cao, lao động khan hiếm, nguồn lợi thủy sản trên ngư trường giảm, tái tạo phục hồi chậm cùng một số nguyên nhân khác dẫn đến đa số tàu cá hoạt động sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngừng ra khơi.
Tiếp đến, nuôi trồng thuỷ sản gặp một số khó khăn, bất lợi của thời tiết, nuôi tôm bị ảnh hưởng do nắng nóng, nhiệt độ cao, độ mặn tăng làm cho môi trường nuôi bất lợi dẫn đến một số loại bệnh phát sinh gây hại như: Đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu… Cùng đó, sốc môi trường làm cho thủy sản nuôi chậm lớn, với tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 6.165 ha, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt hơn 439.000 tấn, để cả năm đạt kế hoạch 800.000 tấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang - Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tháo gỡ khó khăn trong hoạt động khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn tình trạng tàu "3 không" tham gia khai thác trên biển.
Ông Nguyễn Văn Sinh, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang phấn khởi vì giá cua biển tăng cao trong 2 tháng qua. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN
Tỉnh tập trung triển khai thực hiện "Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu (EC) trong việc gỡ thẻ vàng IUU của Thủ tướng Chính phủ", các giải pháp trọng tâm khắc phục khai thác hải sản trái phép và hành động cao điểm chống khai thác IUU.
Tỉnh Kiên Giang quyết liệt thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC về khung pháp lý, cơ chế chính sách; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật và xử lý vi phạm.
Tỉnh Kiên Giang hiện có 8.219 tàu cá đã đăng ký, trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đánh bắt xa bờ 3.627 chiếc và số tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình 3.606 chiếc, còn lại 21 tàu cá nằm bờ chưa lắp đặt thiết bị này.
Theo đó, ngành chức năng tập trung theo dõi và nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản, ngư trường, mùa vụ khai thác để kịp thời cung cấp cho ngư dân tổ chức khai thác đánh bắt đạt hiệu quả.
Đồng thời, ngành chức năng khuyến cáo ngư dân tổ chức khai thác thuỷ sản theo chuỗi và theo nhóm, tổ, đội để hỗ trợ nhau trong dịch vụ hậu cần, thông tin thời tiết, thông tin về ngư trường, bám biển dài ngày khai thác đánh bắt an toàn trên biển; chuyển đổi sang các nghề khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao để nâng cao hiệu quả, tăng giá trị sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Trung, xã Đông Yên huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang thu hoạch cua biển. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN
Tỉnh tăng diện tích thả nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị như: Tôm, cua biển, nhuyễn thể, cá lồng bè… ở các huyện vùng U Minh Thượng, ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng biển đảo.
Đồng thời, các địa phương tận dụng mùa nước nổi vào tháng 9 - 11 ở những cánh đồng vùng trũng, thấp để nuôi, dưỡng cá nước ngọt, nuôi cá xen canh với lúa, nuôi cá trong mương vườn ở các huyện vùng Tây sông Hậu và phía bắc Quốc lộ 80 vùng Tứ giác Long Xuyên.
Tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản ven biển, dưới tán rừng, ven đảo và xa khơi, tăng cường mời gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp tiềm lực mạnh, nhiều kinh nghiệm đầu tư vào đề án nuôi biển của tỉnh, làm động lực phát triển nghề này.
Ngành chức năng tăng cường kiểm tra con giống nhập tỉnh và lưu thông trên thị trường, nhằm ngăn chặn tình trạng giống kém chất lượng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất vụ nuôi thủy sản.
Đồng thời, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi chọn mua con giống sạch bệnh, chất lượng ở những cơ sở uy tín để thả nuôi, tuyệt đối không mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh tăng cường theo dõi, dự báo tình hình mưa lũ, quản lý vận hành hệ thống cống thủy lợi kiểm soát, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất; thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản, thông tin những diễn biến bất lợi của môi trường để kịp thời xử lý; khuyến cáo người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu dịch bệnh gây hại, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất thủy sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.