Ông chủ nhà hàng bỏ nghề về quê làm nông nghiệp tuần hoàn ở Bình Định, cả làng đến xem
Ông chủ nhà hàng bỏ nghề về quê làm nông nghiệp tuần hoàn ở Bình Định, thu nhập cao, tạo thêm việc làm
Thăng Bình
Thứ hai, ngày 04/12/2023 13:22 PM (GMT+7)
Thôn Kinh Tế, ngôi làng heo hút của xã Canh Vinh ở huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) xuất hiện trang trại chăn nuôi, trồng trọt thuần hữu cơ theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín của anh Võ Vinh Ca (45 tuổi) - cư dân từ TP.Quy Nhơn (Bình Định) đang được nhiều người dân đến tham quan, học hỏi...
Phát triển kinh tế tuần hoàn được cho là giải pháp hữu hiệu trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là tái sử dụng chất thải chăn nuôi, trồng trọt và phụ phẩm nông nghiệp.
Anh Võ Vinh Ca (45 tuổi) - cư dân từ TP Quy Nhơn (Bình Định) về miền núi huyện Vân Canh khởi nghiệp làm nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: TB.
Với những giá trị mang lại, mô hình này nên được nhân rộng hơn nữa để tạo nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Được UBND huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) cho thuê 4 ha đất trong thời hạn 50 năm, anh Võ Vinh Ca thực hiện ước mơ sở hữu một trang trại chăn nuôi, trồng trọt chuẩn hữu cơ mà anh ấp ủ lâu nay.
Khi được Nhà nước giao đất vào năm 2020, đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên phải đến cuối năm 2021, anh Ca mới bắt tay vào xây dựng trang trại.
Tại thời điểm này, đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn được coi là lĩnh vực khá mạo hiểm. Chưa kể khí hậu ở Vân Canh rất khắc nghiệt (được cho là địa phương nóng nhất tỉnh Bình Định).
Theo anh Võ Vinh Ca, Vân Canh là địa phương nóng nhất tỉnh Bình Định, ban đêm thì rất lạnh. Khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi. Do đó, tất cả các khu chăn nuôi đều được trang bị quạt làm mát.
Vào mùa nắng nóng, anh cho vật nuôi ăn thêm nhiều rau xanh và uống nước thảo dược do trang trại tự chiết xuất để giải nhiệt. Buổi sáng, trước khi cho ăn, tất cả vật nuôi đều được uống nước thảo dược để tăng sức đề kháng.
"Cây thảo dược được tôi trồng xen kẽ trong trang trại, vừa tạo không gian xanh, vừa thu hái để chiết xuất nước uống giải nhiệt cho vật nuôi", anh Ca chia sẻ.
Anh Ca xây dựng trang trại nông nghiệp hữu cơ không chỉ để thu sản phẩm nông sản, mà đây còn là điểm du lịch nông nghiệp, đón du khách và những học sinh muốn trải nghiệm chăn nuôi, trồng trọt.
Gia đình anh Võ Vinh Ca có chuỗi 5 nhà hàng ở TP.Quy Nhơn. Trước xu hướng thực khách ngày càng thích ăn những món thực phẩm được chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, từ lâu anh Ca đã ấp ủ ước mơ xây dựng trang trại này.
Năm 2020, anh được cho thuê 4ha đất ở thôn Kinh Tế thời hạn 50 năm, đúng vào năm dịch Covid-19 bùng phát nên phải đến cuối năm 2021 mới tiến hành xây dựng được hạ tầng khu trang trại.
Để hình thành trang trại chăn nuôi, trồng trọt thuần hữu cơ tuần hoàn khép kín như hiện nay, anh Ca phải mời anh Nguyễn Minh Khang, chủ trang trại nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Phú Thọ vào hướng dẫn theo kiểu "cầm tay chỉ việc" từng công đoạn, kể cả thiết kế hạ tầng.
Từ khi khởi công, mỗi tháng anh Khang có mặt tại trang trại của anh Ca 15 ngày để chuyển giao công nghệ.
Trong diện tích 4ha, anh Ca dành ra 2ha xây dựng chuồng trại để phục vụ chăn nuôi, 1ha chia thành từng ô trồng các loại rau ăn lá, 2.000m2 được sử dụng để xây dựng khu vực trải nghiệm cho học sinh và du khách đến tham quan, diện tích còn lại là hạ tầng khu trang trại.
Anh Ca cho biết, du lịch nông nghiệp hiện đang có xu hướng phát triển, đây là động lực để anh xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng trọt thuần hữu cơ tuần hoàn khép kín, làm điểm đến cho khách du lịch trải nghiệm và học sinh muốn thực hành sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, trang trại nông nghiệp tuần hoàn còn cung cấp sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ cho chuỗi nhà hàng của gia đình và cung ứng cho người tiêu dùng ở TP Quy Nhơn.
"Trong tháng 11/2023, tôi sẽ liên kết với các công ty lữ hành ở TP.Quy Nhơn đón những đoàn khách du lịch trải nghiệm nông nghiệp đầu tiên. Nhân sự phục vụ cho du lịch trải nghiệm tôi đã lo từ trước và đã được đào tạo bài bản", anh Ca nói.
Kỳ công từ khâu thức ăn, sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn sạch
Đứng trước cổng trang trại, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự bề thế của hạ tầng khu trang trại.
Dẫn vào trang trại là con đường bê tông vừa chiếc ô tô đi. Bên trong ngang dọc nhiều con đường bê tông nội bộ khác dẫn đến khu chăn nuôi và khu trồng trọt.
Dọc những tuyến đường bê tông phủ xanh các loại cây ăn quả, cây thảo dược, những hồ nuôi cá nước ngọt được xây dựng rất mỹ quan.
Những căn nhà đón khách tham quan, nơi học sinh đến trải nghiệm thực hành sản xuất nông nghiệp được xây dựng với kiến trúc vừa hiện đại, vừa dân dã trông rất bắt mắt.
Hiện trong khu chăn nuôi của trang trại anh Ca đang nuôi 20.000 con gà ta Bình Định, giống gà được mua của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư và Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh; 1.000 con vịt thịt với các giống vịt trời và vịt biển; 200 con heo bản địa (heo đen) và 100 con heo siêu nạc; 20 con bò BBB.
Tất cả những vật nuôi kể trên đều được nuôi theo quy trình chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, anh Ca còn nuôi vài trăm con gà H'Mông, thỏ và chim bồ câu để "làm giàu" thực đơn cho chuỗi nhà hàng của gia đình và để phong phú vật nuôi phục vụ trải nghiệm cho khách du lịch.
Có thể nói, con trùn quế là "đầu cơ nghiệp" của anh Ca. Trùn quế có nhiệm vụ "tiêu thụ" hết chất thải chăn nuôi và cả những gốc rau, cỏ, bèo, thân chuối trong trang trại, đó là những món ăn "khoái khẩu" của trùn quế.
Sau đó, anh Ca sử dụng thịt con trùn quế sấy khô, xay nhỏ phối trộn vào thức ăn như chất dinh dưỡng nhằm bổ sung đạm cho vật nuôi. Phân trùn quế được làm phân hữu cơ vi sinh, bón cho rau và cây trồng.
Hiện trong trang trại của anh Ca có 5.000m2 mặt sàn dùng để nuôi trùn quế. Có vào những căn nhà anh Ca sử dụng để nuôi trùn quế chúng tôi mới cảm nhận được anh quan tâm đến việc nuôi trùn quế đến nhường nào.
Trong những căn nhà nuôi trùn, anh Ca dành một lối đi bằng bê tông ở giữa, hai bên được thiết kế giàn sắt kiên cố 3 tầng để nuôi trùn quế. Những khu vực trước đây chỉ mới nuôi trùn quế trên nền nhà, hiện anh Ca tiếp tục cho xây dựng những giàn sắt để nuôi được cả 3 tầng.
Theo anh Ca, phải nâng quy mô nuôi lên như vậy thì thịt và phân trùn quế mới đủ cung ứng cho chăn nuôi và trồng trọt của trang trại.
"Những gốc rau, vỏ bầu, vỏ bí từ nhà bếp các nhà hàng cũng được mang lên cho vào bể xử lý rồi cho trùn quế ăn. Quy trình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ tuần hoàn khép kín không bỏ đi thứ gì.
Thịt của trùn quế là thức ăn bổ dưỡng cho vật nuôi, phân của vật nuôi lại là thức ăn của trùn quế; phân của trùn quế là phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, nguồn rác thải từ cây trồng được làm thức ăn cho trùn quế, cứ thế xoay vòng khép kín, tuần hoàn", anh Ca cho biết.
Trong trang trại, anh Ca dành hẳn một khu ủ thức ăn lên men cho vật nuôi. Những nguyên liệu nói trên là đậu nành, cám gạo, bã bia và thịt trùn quế sấy khô nghiền nhỏ.
Thức ăn cho vật nuôi sau khi phối trộn được cho vào những chiếc thùng nhựa ủ với men, sau khoảng 7 ngày sẽ cho ra thức ăn lên men cho vật nuôi.
Theo anh Ca, thức ăn cho heo có công thức phối trộn riêng, thức ăn cho gà có công thức riêng, cả bò cũng vậy. Thức ăn sau lên men được cho vào máy ép thành viên để dành cho vật nuôi ăn dần.
"Trái tim" của trang trại hữu cơ tuần hoàn này nằm ở công đoạn phối trộn thức ăn. Quan điểm chăn nuôi hữu cơ của anh Ca là không cho vật nuôi ăn cám công nghiệp, thức ăn phải tự mình phối trộn từ những loại nông sản giàu dinh dưỡng, có như vậy sản phẩm chăn nuôi mới đạt chuẩn sạch.
"Bước đầu, tôi đã thấy mô hình phát huy hiệu quả khi khách hàng rất hài lòng vì được sử dụng rau sạch, thịt sạch từ trang trại cung cấp. 80% sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt của mô hình được chuỗi nhà hàng của gia đình tiêu thụ", anh Ca cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.