Một người Hà Giang "rót" 500 triệu xuống hồ thủy điện sông Chảy để nuôi loài cá đặc sản

Thứ tư, ngày 09/11/2022 05:38 AM (GMT+7)
Ông Đặng Thái Sơn, tại tổ 5, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để làm lồng nuôi cá lăng đặc sản, cá trắm, cá chép trên hồ thủy điện sông Chảy.
Bình luận 0

Thủy điện sông Chảy 3 chạy qua địa bàn các xã Tụ Nhân, Sán Xả Hồ, Pờ Ly Ngài (huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) có điều kiện lý tưởng cho phát triển nghề nuôi cá đặc sản.

Với lợi thế diện tích mặt nước lớn, nhiều hộ dân ở xã Tụ Nhân đã tận dụng đầu tư nuôi cá đặc sản, mở ra triển vọng cho việc phát triển mô hình kinh tế của người dân nơi đây.

Một người Hà Giang "rót" 500 triệu xuống hồ thủy điện sông Chảy để nuôi loài cá đặc sản - Ảnh 1.

Mô hình nuôi các loài cá, trong đó có cá lăng đặc sản của ông Đặng Thái Sơn trên lòng hồ Thủy điện sông Chảy 3, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Sau khi Thủy điện sông Chảy 3 đi vào hoạt động, quá trình ngăn sông tích nước đã hình thành nên vùng lòng hồ rộng lớn, thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản. 

Tận dụng lợi thế đó, ông Đặng Thái Sơn, tại tổ 5, thị trấn Vinh Quang đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để làm lồng cá. Hiện tại ông Sơn đang có 16 lồng cá các loại, chủ yếu là cá lăng, cá trắm, cá chép. Ước tính ban đầu trung bình mỗi lần xuất bán, gia đình ông thu lãi được khoảng 79 triệu đồng/1 lồng cá Lăng. 

Ông Sơn cho biết, khác với nuôi cá lồng ở khu vực đồng bằng, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện có nhiều điểm lợi. Lòng hồ thủy điện có môi trường nước sạch, không ô nhiễm vì dòng nước lưu thông thường xuyên, mực nước khá ổn định. 

Điểm đặc biệt là có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ. Do vậy, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao và nhanh cho thu hồi vốn hơn.

Trao đổi với phóng viên, anh Lý Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Tụ Nhân cho biết: Xã có diện tích nước mặt trên lòng hồ khoảng hơn 80 ha, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển thủy sản của địa phương. Từ những kết quả ban đầu, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng, phát triển mô hình nuôi cá lồng trên mặt hồ. 

Cũng qua đợt nuôi cá thí điểm, nhân dân đã tiếp thu, tiếp cận kỹ thuật nuôi cá lồng, làm quen với thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó làm thay đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất tập trung theo hướng thị trường.

Sau mô hình của ông Sơn, hiện trên địa bàn xã đã có thêm 1 hộ dân nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng tạo các điều kiện thuận lợi và phù hợp, nhất là kỹ thuật và tìm đầu ra để hỗ trợ người dân tăng thu nhập từ một mô hình này. 

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật mới để phòng chống gió lốc, thiên tai; phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế mặt nước.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện thành công là hướng đi mới cần được nhân rộng, là động lực hỗ trợ các địa phương vùng cao khai thác tiềm năng, lợi thế lòng hồ thủy điện; kết hợp tiểu khí hậu sinh thái tạo nguồn nước mát trong mùa Hè để nuôi thủy sản gắn với du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị nâng cao, thu nhập bền vững.

Văn Quân (Báo Hà Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem