Ông Dương Tự Trọng và đường quan lộ lận đận

Thứ tư, ngày 08/01/2014 06:32 AM (GMT+7)
Ngày 7.1, tôi thực sự không nhận ra ông Dương Tự Trọng: Dáng điệu quá mệt mỏi, rệu rã, ánh mắt vô hồn... Đấy là tôi nhìn ảnh ông qua các bức hình báo chí trên mạng thông tin về phiên tòa.
Bình luận 0

Bị cáo Dương Tự Trọng tại phiên tòa xét xử ngày 7.1.
Bị cáo Dương Tự Trọng tại phiên tòa xét xử ngày 7.1.

Vẫn biết rằng, khi đứng trước vành móng ngựa, con người ta đâu còn giữ được phong thái ngày thường, nhất là người đó từng oai phong khoác trên mình bộ trang phục đại tá công an, giữ trọng trách Phó Giám đốc công an một thành phố lớn, một địa bàn quan trọng như TP.Hải Phòng. Tuy nhiên, ấn tượng với tôi ở ông trước đây là một cán bộ công an có phong thái lịch lãm, gần gũi, không hề quan cách.

Trong phiên tòa sơ thẩm vụ án sai phạm tại Vinalines trước đó cũng như tại phiên xử em trai mình cùng các đồng phạm hôm qua, Dương Chí Dũng đã lặp đi lặp lại rằng, điều ông ân hận nhất là đã bỏ trốn. Nói câu đó, chính là ông đã hiểu rằng, ông đã làm liên lụy tới em trai mình và rất nhiều người khác.

>> Xem thêm: Dương Chí Dũng: “Tôi sẵn sàng chết để cho em trai sống”

>> Trưởng Ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh lặng lẽ theo dõi phiên tòa xử Dương Tự Trọng

>> Đề nghị khởi tố vụ án mật báo cho Dương Chí Dũng bỏ trốn
Cũng có thể do xuất phát điểm ông từng là sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thậm chí còn là một sinh viên giỏi. Đã có lần ông tự hào kể về ngôi trường đó, về thời trẻ trai lãng mạn đó trong một buổi tiếp xúc thân mật với anh em báo chí.

Ấn tượng của tôi và không ít đồng nghiệp đã từng được ông Trọng tiếp đãi thường là cảm tình bởi sự nhiệt tình đến hết mình. Những buổi trà dư tửu hậu như vậy thường được kết thúc bằng những bài thơ do chính ông tự sáng tác.

Ở thành phố Cảng, đa phần mọi người biết đến ông Dương Tự Trọng với tư cách là một cảnh sát hình sự giỏi, có tài phá án. Nhưng riêng tôi lại có cảm nhận có lẽ ông không hợp với nghề cảnh sát, không hợp với chốn quan trường. Một phần có lẽ bởi tính cách của ông. Bởi những việc ông làm thường mang nặng cảm tính nhiều hơn lý tính (!?).

Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là cảm nhận của cá nhân tôi, người đã có thời gian tiếp xúc cả trong công việc và ngoài đời thường với ông Trọng trong khoảng thời gian không dưới 10 năm.

Phải chăng đó cũng là một nguyên nhân khiến ông hay vấp phải những “viên đá tảng” trên quan lộ. Không phải tới tận bây giờ, khi ông đứng trước vành móng ngựa, kết thúc hoàn toàn sự nghiệp công an tôi mới nghĩ như vậy, mà từ cách đây nhiều năm, tôi đã có suy nghĩ này.

Nói thế có lẽ sẽ chẳng ai tin khi mà gia đình ông có truyền thống trong ngành công an. Bố ông là Giám đốc công an đã nghỉ hưu nhưng uy tín của ông vẫn còn khá ảnh hưởng tới Công an Hải Phòng.




















Cha truyền con nối là niềm tự hào lớn của gia tộc họ Dương ở đất cảng. Tuy nhiên, cảm nhận đó của tôi càng ngày càng rõ nét, nhất là khi tôi tiếp nhận đơn tố cáo ông Dương Tự Trọng có hành vi đánh dân trong một quán karaoke, thời ông còn làm trưởng phòng cảnh sát hình sự. Một cán bộ công an lành nghề, lại đang thăng tiến trên đường quan lộ, không nên xử sự như vậy giữa chốn đông người. Cũng có thể vì vụ việc này, con đường tiến thân của ông có phần chậm lại một vài nhịp.

Trước đó nữa, khi còn là Trưởng Công an phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, trong một lần truy bắt đối tượng, ông cũng đã gặp một “tai nạn nghề nghiệp” mà nếu không phải là “con ông cháu cha” thì có lẽ đã bị thuyên chuyển khỏi ngành công an.

Rõ ràng, ông khá lận đận trong đường quan lộ mặc dù về chuyên môn, ông có thành tích tốt, được tín nhiệm, luôn là ứng cử viên sáng giá chức vụ phó giám đốc. Nhưng mỗi lần thời điểm quan trọng nhất của cuộc đua đến, ông lại gặp phải một “tai nạn” nào đó, khiến việc lớn không thành.

Phải nói chính xác là chật vật lắm, rồi ông Trọng cũng được bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an Hải Phòng. Gia thế nhà ông lúc đó quả đáng ngưỡng mộ và hiếm có ở đất Cảng, khi cùng lúc em rể ông được điều chuyển từ Bộ Công an về làm Phó Giám đốc Công an Hải Phòng.

Khi biết tin ông Trọng bị bắt vì tội tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, tôi chỉ có thể buông lời: Thật là đáng tiếc. Giá như ông đừng chuyển sang ngành công an, giá như ông cứ theo đuổi giấc mơ thời sinh viên của mình, giá như... thì câu chuyện về một gia đình "danh gia" ở Hải Phòng chắc chắn đã có một kết cục vui hơn.

Có thể khi giúp anh trai bỏ trốn, khi hành động bằng bản năng của một đứa em trai chứ không phải bằng bản lĩnh một cán bộ công an, ông Trọng đã quên rằng: “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”.
Hoàng Minh (Hoàng Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem