Đại án tham nhũng tại Vinalines: Kẻ hối hận, người bật khóc

Thứ hai, ngày 16/12/2013 07:04 AM (GMT+7)
Chiều nay, 16.12, TAND thành phố Hà Nội sẽ tuyên bản án dành cho Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Bình luận 0
Chiều nay, 16.12, TAND thành phố Hà Nội sẽ tuyên bản án dành cho Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm trong vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Không nhận tội tham ô

Sau 3 ngày xét xử, cuối giờ chiều 14.12, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Ngô Thị Ánh tuyên bố kết thúc phần tranh luận chuyển sang phần nghị án, Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm được nói lời sau cùng.

Dù tỏ ra rất điềm tĩnh biện minh trước những cáo buộc về hành vi phạm tội của mình nhưng khi được nói lời sau cùng, bị cáo Dương Chí Dũng đã thừa nhận sai phạm. Cụ thể về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Dũng cho rằng do hạn chế về nhận thức và hiểu biết của HĐQT Vinalines, nghĩ rằng văn bản của Chính phủ, Bộ GTVT đồng ý về mặt chủ trương nghĩa là cho thực hiện, hiểu lầm ụ nổi không phải là tàu biển...; quá trình làm việc giao cho cán bộ cấp dưới nhưng đã không kiểm tra đôn đốc, thường xuyên.

Bị cáo Dương Chí Dũng tỏ ra bình thản suốt phiên tòa.
Bị cáo Dương Chí Dũng tỏ ra bình thản suốt phiên tòa.

“Bị cáo thật lòng hối hận, bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhân dân và toàn thể cán bộ nhân viên ngành hàng hải để xảy ra sai phạm này” – Dương Chí Dũng nói. Tuy nhiên việc bị truy tố về tội tham ô tài sản, bị cáo vẫn một mực khẳng định không nhận khoản tiền nào, không nhận đồng nào như bị cáo Trần Hải Sơn đã khai báo.

LS Ngô Ngọc Thủy – bào chữa cho bị cáo Dũng nói với phóng viên NTNN rằng, về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà Viện KS quy tội cho Dương Chí Dũng, ông không tranh luận nhiều. “Về tội tham ô tài sản, tôi cho rằng quy kết cho bị cáo Dũng như cáo trạng nêu là chưa đủ cơ sở. Chống tham nhũng là rất cần thiết, nhưng cơ sở buộc tội đưa ra là phải thuyết phục” – LS Thủy bày tỏ.

LS Thủy viện dẫn rằng khoản tiền hơn 1,66 triệu USD mà Công ty AP (Singapore) chuyển về Việt Nam qua Công ty Phú Hà (do Trần Thị Hải Hà – em gái bị cáo Sơn làm giám đốc) không phải là tài sản của Vinalines trực tiếp quản lý, do đó không thể kết tội bị cáo Dũng tham ô tài sản nếu có nhận một phần trong khoản tiền này. Đối đáp lại luận điểm này, đại diện Viện KS cho rằng về mặt hình thức khoản tiền đã được biến tướng nhưng rõ ràng có đủ căn cứ khẳng định đó là khoản tiền “lại quả” của Công ty AP cho lãnh đạo Vinalines.

Dương Chí Dũng có “niềm tin”?

Trong vụ án này, sản phẩm của một chuỗi hành vi sai phạm là ụ nổi 83M giờ đang là một đống sắt vụn. Chính ông Lê Triêu Thanh – đại diện của Vinalines - nói trước tòa rằng phương án sửa chữa đã không khả thi và đã dừng nhưng đống sắt vụn này mỗi tháng vẫn ngốn khoảng 1 tỷ đồng tiền trông coi, thuê nơi neo đậu, muốn thanh lý để giảm thiệt hại nhưng chưa được vì đang là tang vật vụ án.

Chính ông Nguyễn Chí Dũng – đại diện Viện KS giữ quyền công tố tại tòa cũng nói: Thiệt hại từ việc mua ụ nổi 83M không phải là 367 tỷ đồng như cơ quan điều tra xác định bước đầu mà là hơn 525 tỷ đồng và vẫn không dừng ở đây. Với các sai phạm của mình, Dương Chí Dũng bị Viện KS đề nghị mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Mai Văn Phúc – nguyên Tổng GĐ Vinalines cũng bị đề nghị mức án và tội danh tương tự.

Bị cáo nữ duy nhất Bùi Thị Bích Loan – nguyên kế toán trưởng Vinalines - trần tình: Bị cáo mắc bệnh hiểm nghèo vẫn cố gắng phấn đấu, được Nhà nước ghi nhận. Xảy ra sự việc này bị cáo rất đau lòng và ân hận. Bị cáo xin HĐXX khoan hồng , cho hưởng mức án thấp nhất để trở về với con gái duy nhất vì cháu đã mồ côi cha. Với sức khỏe thế này, bị cáo rất khó có cơ hội trở về.

Bị cáo Phúc tỏ ra bình tĩnh trong suốt phiên tòa để biện hộ rằng mình không phạm tội. Tuy nhiên trong lời nói sau cùng, bị cáo này đã bật khóc khi cho rằng mình bị oan. “Bị cáo chưa làm gì không xứng đáng với lương tâm, xin HĐXX xem xét”, bị cáo Phúc đề nghị.

Cũng bị truy tố với mức án cao nhất, nhưng bị cáo Dương Chí Dũng từ đầu phiên tòa đến lúc nói lời sau cùng vẫn tỏ thái độ bình thản. Thái độ của bị cáo khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng bị cáo có “niềm tin” về việc mình sẽ không phải nhận một kết cục xấu nhất? Hay phải chăng do đã kinh qua nhiều thử thách trong cuộc sống nên bị cáo vẫn giữ được sự điềm tĩnh, ngay cả trước những tình huống xấu nhất?

Ngoài bị cáo Mai Văn Khang và Huỳnh Hữu Đức vẫn nói mình bị oan, các bị cáo Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Trần Hải Sơn, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Dương trong lời nói sau cùng đều xin hưởng lượng khoan hồng.

Trần tình của bị cáo Dương Chí Dũng


Dù bị chủ tọa phiên tòa ngắt lời, nhưng bị cáo Dương Chí Dũng vẫn cố đọc hết 4 câu thơ trong lời nói sau cùng:


28 năm lại trở về/Với người hàng hải nặng thề năm xưa/ Dưới cờ Đảng nguyện cùng đưa/ Con tàu hàng hải đến bờ vinh quang.


Bị cáo hối hận, bị cáo thật lòng xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhân dân và toàn thể cán bộ nhân viên ngành hàng hải để xảy ra sai phạm này.


Bị cáo bỏ trốn là tác động từ cú điện thoại của người quen báo. Người đó là ai tôi đã khai tại cơ quan an ninh điều tra, nếu tòa bắt buộc tôi sẽ nói. Còn tôi xin phép không nói.


Tôi không tham ô mà nói là tham ô thì tôi không nhận kể cả đánh chết tôi trong tù cũng không nhận, đó là danh dự của tôi. Tòa tuyên án tôi tử hình thì tôi phải chịu nhưng vợ con tôi sẽ đi kêu oan suốt đời.



Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem