Ông già Noel 4 ngày kiếm được 190.000 đồng, tối ngủ vỉa hè

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 23/12/2019 08:18 AM (GMT+7)
Không phải nơi đâu cũng toàn lấp lánh niềm vui, không phải dịch vụ nào “ăn theo” ngày lễ lớn cũng hốt bạc. Ở Sài Gòn hoa lệ, có một "ông già Noel" lang thang trên đường phố, tối ngủ vỉa hè để kiếm vài chục nghìn đồng cho cuộc sống mưu sinh.
Bình luận 0

Sài Gòn những ngày cận kề Giáng Sinh, đường phố dường như cũng tấp nập, lấp lánh hơn. Một buổi sáng ngang qua đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3, TP.HCM), tôi bỗng thấy một người mặc bộ đồ ông già Noel đã sờn cũ, dính vài vết mực đi trên đường. Khá tò mò, tôi dừng lại hỏi chuyện, biết tên anh là Nguyễn Văn Cường (44 tuổi, quê ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).

img

Ông già Noel Nguyễn Văn Cường. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Anh Cường kể, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ mất sớm lại không có vợ con, nên anh bươn trải mưu sinh, nay nơi này, mai nơi khác. Cách đây 3 năm, anh được nhà thờ cho bộ đồ ông già Noel để biểu diễn văn nghệ, anh rất thích nên dùng xong là giặt sạch rồi cất cẩn thận.

Ngày thường, anh Cường làm nghề bán vé số tại Đồng Nai, bưng đồ cho quán ăn trong xóm. Năm ngoái, có người mách nên anh quyết định bắt xe đò từ Đồng Nai lên Sài Gòn, hóa trang thành ông già Noel và chụp hình cùng khách. Suốt mấy ngày lang thang “hành nghề”, anh kiếm vỏn vẹn 400.000 đồng, chẳng đáng là bao nhưng với anh đó cũng là một khoản thu nhập giúp trang trải cuộc sống.

img

Mỗi khi có khách đi qua, anh Cường đều nói: "Xin chào" hoặc "Hello". Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Năm nay, anh quyết định xuống sớm hơn, mà ngặt nỗi tiền đi xe đò còn chẳng có. Thấy hoàn cảnh tội nghiệp, hàng xóm mới dúi cho anh 100.000 đồng để làm lộ phí đi đường.

Trả tiền xe rồi, trong túi còn mấy đồng lẻ, anh chẳng dám mua gì ăn nên anh gắng nhịn đói, tối thì ngủ vạ vật trên vỉa hè gần Nhà thờ Đức Bà. Mấy ngày ở Sài Gòn tấp nập, anh cứ lang thang từ Nhà thờ sang công viên Lê Văn Tám, tối thì ngủ ngay tại vỉa hè.

“Bụi đời quen rồi, mới đầu ngủ vỉa hè còn bị đuổi nhưng rồi họ thương nên không đuổi nữa. Tôi ở đây cũng được bà con hỏi nhiều, tôi nói tùy tâm, 5.000, 10.000 đều được. Riêng ông bà già, tôi chỉ lấy 5.000/3 tấm. Cũng có nhiều khách chụp xong rồi bỏ đi, hi hữu có ông khách Hàn Quốc cho 500 đồng, tôi tính đem về làm đồ cổ”, anh Cường hài hước nói.

img

img

Bộ đồ ông già Noel khá nóng trong thời tiết của Sài Gòn nhưng anh Cường vẫn rất thích. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Đối với anh Cường, được mọi người quan tâm, cho tiền chụp hình thì mừng, nếu không cho, anh cũng không hề tỏ thái độ bực bội. Dù rằng, 4 ngày ở Sài Gòn chỉ kiếm được vỏn vẹn có 190.000 đồng.

Đoạn đang ngồi nói chuyện, có bác xe ôm đến đưa cho anh bịch đồ ăn. Anh Cường vừa nhận vừa cảm ơn rối rít, niềm vui ánh lên trên khuôn mặt khắc khổ.

“Mấy hôm xuống Sài Gòn mà nhiều người biết tôi khó, họ cho đồ ăn, nước uống... Có cô bán vé số cứ dúi vào tay cái bánh, tôi nói thôi cô để lại dùng, thì cô nói không cầm là cô giận nên tôi đành nhận. Nói thế chứ tôi không thích đi xin, ngó thấy làm được việc gì, tôi vẫn gắng làm”, anh Cường nói chắc nịch.

img

img

Ông già Noel tỏ ra rất vui vẻ khi được tặng quà. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Tôi hỏi thành phố rộng lớn thế này, việc không thiếu, sao anh không thử xin một công việc khác cho thu nhập tốt hơn, anh Cường bần thần bảo, bản thân anh đã nhiều bệnh lại không biết chữ, chỉ viết được mỗi tên mình. Có bận anh xin làm bảo vệ ở quán ăn, khách sạn nhưng họ đều từ chối vì thấy anh thấp bé quá.

Năm 2007, anh bị bệnh gan tưởng chết, may sau đó được mách bài thuốc uống rồi khỏi. Nhiều người cũng hỏi anh sao không kiếm mối nào mà cưới vợ đi, anh chỉ cười bảo: “Không lo nổi thân mình thì lo được cho ai”.

img

img

Bữa trưa đạm bạc ngay bên vỉa hè của anh Nguyễn Văn Cường. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Một mình ở Sài Gòn nhộn nhịp, anh Cường vẫn lạc quan kể tôi nghe về những vị khách dễ mến mà anh gặp, những người nghèo khổ giống như anh nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ miếng cơm, ngụm nước.

Anh còn nhớ như in dịp Giáng Sinh năm ngoái được lên sân khấu nhảy cùng ca sĩ Sơn Tùng MTP. Nói rồi anh bỗng hát vài câu trong ca khúc Em của ngày hôm qua, dù câu đúng, câu sai lộn xộn nhưng đủ để tôi thấy sự lạc quan của “ông già Noel” đặc biệt này.

Quá trưa, dù anh Cường đã đứng rất lâu bên đường, vẫy tay chào mọi người, nhưng số người dừng lại chụp ảnh chỉ lác đác. Anh Cường mở hộp xôi vừa được cho ra ăn tạm lấy sức cho “ca” làm việc buổi chiều tại một địa điểm khác.

Trước khi tạm biệt tôi, anh nói kết thúc lễ Giáng Sinh, anh sẽ ở Sài Gòn thêm 2 ngày rồi về lại Đồng Nai trông nom nhà cửa.

“Nói là nhà nhưng hư, dột hết rồi, có cái tivi thì cũ quá, giờ không xem được nữa. Dù thế nào, tôi vẫn về, còn lo chuyện hương khói cho ba mẹ. Tôi nhớ mẹ lắm, mấy chục tuổi rồi, nhưng hễ nghe bài hát nào về mẹ là nước mắt tôi lại chảy dài...”, anh Cường nói rồi hòa vào dòng người tấp nập trên phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem