Ông nội leo lên đồi tìm sóng internet, dựng chòi cho cháu học online

Duy Hậu Thứ hai, ngày 20/09/2021 17:54 PM (GMT+7)
Vì mong cháu có một tương lai tốt hơn mình, ông Triệu Sinh Hương (52 tuổi, trú Tuy Đức, Đắk Nông) đã leo lên đồi, dò sóng internet để dựng chòi cho cháu mình học online.
Bình luận 0

Khó cũng cho cháu cái chữ

Những ngày qua, trên một ngọn đồi tại buôn Điêng Đu (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) xuất hiện một cái chòi nhỏ. Đấy là căn chòi do ông Triệu Sinh Hương dựng lên cho cháu mình học online.

Ông lên đồi tìm sóng internet, dựng chòi cho cháu học online - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Hương cùng cháu Tài trong căn chòi mới dựng trên đồi. Ảnh: Xuân Lam

Ông Hương người đồng bào Dao, quê ở Lạng Sơn, vào Đắk Nông sinh sống đã được nhiều năm nay. Cháu nội ông là Triệu Viết Tài, đang học lớp 5C Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (xã Đắk Ngo). Những năm qua, Tài ở với ông bà nội và được cho ăn học.

Ông Hương và vợ quanh năm thuê đất trồng màu và chăm 4 sào điều. Cuộc sống của họ hết sức khó khăn. Thế nhưng ông Hương bảo, dù khó khăn đến đâu vợ chồng ông vẫn quyết tâm cho Tài đi học.

Ông lên đồi tìm sóng internet, dựng chòi cho cháu học online - Ảnh 2.

Cháu Tài trong căn chòi do ông nội dựng cho. Ảnh: Xuân Lam

Hai tháng trước, khi biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cháu mình phải học online, ông Hương đã mua cho cháu 1 chiếc điện thoại với giá hơn 2 triệu đồng. Với gia đình ông Hương, đây là khoản tiền không nhỏ.

"Với gia đình tôi, đây là số tiền không nhỏ. Nhưng đó là số tiền mà nhà nước hỗ trợ cho cháu tôi trong năm học trước. Tôi và vợ không dám đụng vào, để dành phòng khi cháu cần gì cho việc học hoặc ốm đau. Nay cháu cần, tôi mới dám lấy ra dùng", ông Hương nói.

Mấy ngày trước, nhà trường thông báo về việc chuẩn bị dạy học online. Ông Hương đã mang chiếc điện thoại mới mua, leo lên đồi dò tìm sóng internet. Khi leo lên quả đồi dựng đứng cách nhà chừng 400m thì ông Hương thấy có sóng 4G.

Ông lên đồi tìm sóng internet, dựng chòi cho cháu học online - Ảnh 3.

Mặc dù gia đình rất khó khăn nhưng vì tương lai của cháu ông Hương quyết tâm cho cháu ăn học đầy đủ. Ảnh: Xuân Lam

Ngay ngày hôm sau, ông Hương chặt cây, đào hố và dựng lên một cái chòi. Tiếp đó, ông tìm gỗ đóng cho cháu một bộ bàn ghế. "Cái đồi dựng đứng, cháu còn nhỏ đi lại rất khó. Nhưng chỉ chỗ đó mới có sóng tốt nên tôi cũng chẳng còn cách nào khác", ông Hương nói.

"Biết là rất khó khăn nên vợ chồng tôi đã phải động viên cháu. Và cho dù thế nào tôi cũng quyết tâm cho cháu theo học cái chữ để đỡ thiệt thòi sau này. Chỉ mong sao cháu nó sau này không phải khổ như mình", ông Hương nói thêm.

Phụ huynh học cùng con

Cô Hoàng Thị Thu, giáo viên dạy lớp 1 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, hôm nay (20/9), nhà trường bắt đầu dạy chính thức. Lớp do cô phụ trách hiện có 40 học sinh nhưng chỉ có 20 em đủ điều kiện học online. Số còn lại sẽ được chuyển phiếu đến cho phụ huynh hướng dẫn các cháu.

Ông lên đồi tìm sóng internet, dựng chòi cho cháu học online - Ảnh 4.

Nhiều học sinh ở Đắk Ngo không đủ điều kiện học online. Ảnh: Xuân Lam

"Do các cháu còn quá nhỏ nên bắt buộc phụ huynh phải ngồi học cùng để đảm bảo việc học được thông suốt. Tuy nhiên, do chất lượng sóng internet không đảm bảo nên việc học vẫn bị gián đoạn", cô Thu cho biết.

"Điêng Đu là buôn khó khăn nên việc buộc phụ huynh ngồi học cùng con ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ. Nhiều phụ huynh cũng tâm tư. Nhưng rất may hầu hết mọi người đều ủng hộ, sát cánh cùng nhà trường để vượt qua giai đoạn khó khăn này", cô Thu nói.

Cũng theo cô Thu, do trình độ của phụ huynh mỗi người một khác nên việc giao phiếu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học của các cháu. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp tốt nhất vào thời điểm này.

Theo cô Đinh Thị Minh Ước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, trong năm học này toàn trường có 434 học sinh. Trường có 3 điểm là Điêng Đu, Phi La Te và Phi La Te 1. Trong đó, Điêng Đu là điểm khó khăn nhất.

Để chuẩn bị bước vào học chính thức, các giáo viên đã khảo sát thực tế và triển khai nhiều biện pháp khác nhau, phù hợp để chuyển tải kiến thức cho học sinh. Theo đó, đối với học sinh đủ điều kiện thì tổ chức học online. Trường hợp khác thì giáo viên làm phiếu hướng dẫn chuyển đến phụ huynh cho học sinh học.

Cũng theo cô Minh Ước, hiện cả hai cách học online và giao phiếu đến cho học sinh đều không thể hiệu quả bằng việc học trực tiếp. Đắk Ngo là vùng sâu, vùng xa nên sóng internet yếu cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc học online. Tuy nhiên, trước mắt đây vẫn là cách tốt nhất để khắc phục trong điều kiện dịch dã diễn biến phức tạp.

Ông Phạm Xuân Lam, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo cho biết, toàn xã hiện có 1 trường trung học cơ sở, và 3 trường tiểu học. Qua khảo sát, việc học online hiện nay gặp nhiều khó khăn như học sinh thiếu thiết bị, sóng internet yếu, chậm dẫn đến học sinh khó nghe thầy cô giảng bài; do học tại nhà khiến nhiều học sinh chưa ý thức được việc tự học.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem