Ông thương binh “nghiện” vá đường

Hoàng Lê Thứ ba, ngày 19/07/2016 06:00 AM (GMT+7)
Hơn 20 năm qua, con đường đá đỏ huyện lộ 17 in hằn dấu chân người thương binh hạng 4/4 Lê Văn Luân. Bất kể mưa nắng, thời gian, ông vẫn miệt mài mang cuốc xẻng giặm vá con lộ dài 5km trước cửa nhà mình. Nhiều người bảo rằng, chỉ người “gàn” mới làm như vậy, nhưng với ông Luân, nhìn con lộ lắm ổ quạ, ổ gà, ông sẽ ăn không ngon, ngủ không yên...
Bình luận 0

Hơn 20 năm vá đường

Con đường đá đỏ huyện lộ 17 dài khoảng 5km ở ấp Tân Phong (xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) những ngày mưa dầm với nhiều lỗ thủng, nước ứ đọng gây nhiều khó khăn, ách tắc cho việc đi lại của bà con. Chỉ tay về phía con đường đang hư hỏng nặng, một người dân bảo: “Phải chi ông Luân còn khỏe, sức mấy mới có mấy chỗ thủng kia, ông ấy sẽ vá lại hết!”.

Hơn 20 năm qua, ông Luân “một mình một bóng” chắp vá con đường này và giờ khi đến tuổi “gần đất xa trời”, trong lòng ông lại canh cánh nỗi lo cho con đường khi mùa mưa đến.

Men theo con đường đá đỏ có những chỗ thủng quá lớn chưa được lấp đầy, chúng tôi tìm gặp ông Lê Văn Luân (82 tuổi) - một lão nông tận tụy với công việc chắp vá đường. Nhắc đến ông, bà con trong ấp không ngớt lời trầm trồ bởi tấm lòng thiện nguyện, giàu đức hy sinh. Bà con gọi ông Luân bằng một cái tên quá đỗi thân thương: “Ông vá đường”.

img

Ông Lê Văn Luân chia sẻ về công việc vá đường. Ảnh: H.L

Trong ngôi nhà lá cũ kỹ, ông Luân giờ đã yếu nhưng ánh mắt vẫn còn tinh anh và trong ông dường như vẫn mang nặng nỗi lo về con đường trước cửa.

Kể về mối “lương duyên” đến với việc tự nguyện chắp vá đường đi, ông Luân cho biết: “Là người từng đi qua lửa đạn chiến tranh, tôi mới biết cuộc sống hòa bình đáng quý biết nhường nào. Từng trải qua nhiều trận càn quét của giặc, có lúc phải vào sinh ra tử, nhiều đồng đội của tôi đã bỏ lại xương máu và tính mạng của mình để đánh đổi cuộc sống như hôm nay. May mắn thay, tôi còn trụ lại đến ngày hòa bình nên không thể ngồi yên mà phải đóng góp một điều gì đó ích nước, lợi dân”.

"Việc vá đường của ông Luân 20 năm qua xuất phát từ tấm lòng của người cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử. Ông làm công việc nặng ngọc này mà không cần ai phải kêu gọi hay động viên, cứ nghĩ là làm không hề toan tính thiệt hơn cho bản thân. Việc làm của ông Luân là động lực để bà con trong ấp, đặc biệt là thế hệ trẻ ở địa phương có cách nghĩ, cách làm, sống vì người khác. Ông là một tấm gương mẫu mực ở địa phương và sẽ được bà con nhắc mãi về đức hy sinh thầm lặng mà thật cao cả".

Ông Dương Văn Hưng - 
Trưởng ấp Tân Phong

Ngày đi bộ đội, ông bị thương nặng, là thương binh hạng 4/4. Sau giải phóng, ông lại lao vào đóng góp sức lực cho chính quyền, Ban nhân dân ấp Tân Phong. Khi thấy không còn đủ sức, ông xin nghỉ và bắt tay vào công việc vá đường để bà con đi lại thuận tiện hơn. Ngày nào cũng vậy, ông lội bộ dọc tuyến đường 17 dài tầm 5km trước cửa nhà, mang theo ít đá, cứ chỗ nào bị thủng, ông lại cặm cụi tỉ mỉ vá từng lỗ cho bà con đi lại dễ dàng hơn.

Ông cho biết: “Mỗi lần trông thấy xe cộ bị ngã do các khúc đường bị hỏng, tôi thấy xót lắm. Ban ngày còn né được, ban đêm mà sơ ý là té mất mạng như chơi”.

Nhiều bà con địa phương cho biết, những ngày mưa gió, “ông vá đường” lại làm việc cật lực hơn. Người nào nhận thấy được việc ý nghĩa mà ông đang làm thì nhảy vào cùng ông vá những đoạn đường bị hỏng. Tuy nhiên, có người lại cho rằng, ông Luân “ăn không ngồi rồi”, việc nhà mình làm chưa xong lại đi lo chuyện thiên hạ. Thậm chí, họ còn hiểu nhầm ông Luân làm điều phi pháp nên bị địa phương bắt làm việc công phục vụ cho bà con. Gạt đi những điều tiếng không hay về mình, ông vẫn miệt mài với công việc mà ông yêu thích bất kể ngày đêm.

Chia sẻ về việc làm thầm lặng của chồng mình, bà Nguyễn Thị Vui (80 tuổi) cho biết: “Thấy được ý nghĩa từ công việc mà ông ấy đang làm, tôi và các con mình cũng ủng hộ ông hết mức. Tuy nhiên, tôi lo lắng cho sức khỏe của ông, già yếu như vậy rồi mà còn làm những công việc nặng rất nguy hại đến sức khỏe”. Được người thân “hiểu” việc mình đang làm nên ông Luân cảm thấy bản thân mình cần cố gắng nhiều hơn, chắp vá con đường đến khi nào không còn đủ sức.

Canh cánh nỗi lo khi mưa về

Đối với bà con ở ấp Tân Phong này, hình ảnh một ông già gầy còm vác cuốc đi dọc tuyến đường 17 quá ư quen thuộc. Năm nay, một mùa mưa nữa lại về, con đường đất đỏ ấy gồ ghề hơn với nhiều ổ quạ, ổ gà, bà con lại nhớ về “ông vá đường” đội mưa đi dọc tuyến đường. Mọi người thầm nghĩ, giá như có ông Luân thì những khúc đường khó đi này sẽ bằng phẳng hơn, không còn cảnh ùn tắc thế này nữa.

Hướng ánh mắt về con đường lấm lem sình đất, ông Luân lộ vẻ lo âu: “Mấy năm trước tôi còn khỏe, con đường này đâu đến nỗi tàn đến vậy, đường đá đỏ mà xe tải cứ chạy ầm ầm thì còn gì. Nhìn trên mặt đường xuất hiện quá nhiều lỗ thủng, thú thật tôi không thể yên tâm”.

img

Ông Luân vá một đoạn hư hỏng trên tuyến lộ 2 năm trước. Ảnh: H.L

“Ông vá đường” nay đã 82 tuổi, sức khỏe cũng vì vậy mà tàn tạ theo thời gian. Ông cho biết, đôi mắt ông giờ kém lắm, tay chân đau nhức triền miên, phải bốc thuốc Đông y uống mỗi ngày. “Nhiệm vụ” vá  đường do chính ông đặt ra cho bản thân mình nay sẽ không còn tiếp tục được nữa. Tuy nhiên, cứ mỗi cơn mưa đến, lòng ông Luân bỗng canh cánh nỗi lo về con đường trước cửa nhà mình đang hư hỏng nặng.

“Niềm vui của tôi là được vác cuốc đi chắp vá những đoạn đường, giờ nằm đây mà tôi thấy nhớ về ngày đó. Nhưng ngặt nỗi, sức khỏe mình không cho phép làm công việc này nữa nên đành phó thác cho chính quyền và bà con địa phương” - ông Luân ngậm ngùi.

Còn đối với bà Vui, khi ông Luân đã “về hưu”, không còn cảnh sớm hôm vác cuốc vá đường nữa, bà thấy an tâm phần nào. “Giờ chúng tôi đã lớn tuổi, tôi không muốn chồng quá bận bịu lo chuyện địa phương mà hãy quan tâm đến sức khỏe của riêng mình. Vậy nhưng, khi nghe bọn trẻ báo lại tình tình xuống cấp của con đường thì ông nhà tôi lại đăm chiêu suy nghĩ” - bà Vui cho biết.

Ông Luân nhớ lại, nhiều khi đang vá đường, những người xa lạ trông thấy vậy đột ngột dừng xe, hỏi chuyện rồi cùng ông chắp vá hết đoạn đường. “Làm gì cũng phải có niềm vui mới làm được, những hành động đó của khách đi đường chính là động lực để tôi tiếp tục công việc của mình” - ông Luân chia sẻ.

Ở tuổi “gần đất xa trời”, người lính già gật đầu mãn nguyện về 8 người con của mình đều đã lập gia đình và có công ăn việc làm ổn định. Vậy nhưng, con đường đá đỏ với nhiều lỗ thủng, hầm hố luôn làm cho lòng ông canh cánh, không thể ngủ yên. Hơn lúc nào hết, “ông vá đường” hy vọng một con đường nhựa sẽ thay thế cho con đường xuống cấp này. “Lúc nào tôi cũng mong muốn sẽ sớm có con đường bê tông kiên cố để thuận tiện cho bà con đi lại, các cháu học sinh cắp sách đến trường mà không cần lo nghĩ trời nắng hay mưa” - ông Luân giãi bày.

Nỗi niềm của ông Luân cũng chính là nỗi lo của bà con ở địa phương này, khi mà những cơn mưa đang ngày càng kéo dài trên vùng quê và tuyến đường đá đỏ. Mặc dù những việc làm thầm lặng của ông Luân vẫn chưa được hoàn thành nhưng những trăn trở, suy tư của ông vẫn đang là một gánh nặng trên vai của tất cả bà con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem