Phơi bày điểm yếu "chết người" của ĐT Tây Ban Nha

Trần Oánh Thứ tư, ngày 07/12/2022 06:10 AM (GMT+7)
Sự đáng sợ của đội Tây Ban Nha chính là sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng và nhuần nhuyễn. Khi vì một lý do nào đó, họ không làm được điều đó, sức mạnh của họ giảm đáng kể. Họ không có các nhân tố, các giải pháp thay thế hiệu quả, kiểu như sút xa hay phối hợp lật bóng đánh đầu để giải quyết trận đấu.
Bình luận 0

Đối đầu với đội mạnh hơn cả trên thực tế và trên bảng xếp hạng là Tây Ban Nha, các cầu thủ Maroc chọn lối đá phòng ngự phản công. Nhưng khác với cách Ả rập Xê út hay Nhật Bản tổ chức phòng ngự, các cầu thủ Maroc lập phòng tuyến phòng ngự thấp hơn. Mọi đội bóng đều sử dụng bẫy việt vị trong phòng ngự, nhưng có vẻ các cầu thủ Maroc ít trông cậy vào bẫy việt vị hơn các cầu thủ Ả rập Xê út hay Nhật Bản. Khi truy cản, các cầu thủ Maroc thể hình và thể lực tốt, vào bóng rất nhanh và quyết liệt. Họ đã gây khá nhiều khó khăn cho các cầu thủ Tây Ban Nha ở hiệp 1. Đội Tây Ban Nha kiểm soát bóng nhiều hơn, các pha bóng diễn ra trên phần sân của Maroc nhiều hơn. Nhưng ở khu vực giữa sân thì không sao, đến khi vào đến gần khu vực 16m50, các cầu thủ Tây Ban Nha có rất ít không gian xử lý bóng.

Đâu là điểm yếu của đội tuyển Tây Ban Nha? - Ảnh 1.

Thủ môn Yassine Bounou trở thành người hùng của ĐT Maroc.

Ngoài việc sử dụng các đường chuyền vượt tuyến để phản công, các cầu thủ Maroc còn nỗ lực kiểm soát bóng. Tất nhiên mỗi khi các cầu thủ Maroc cầm bóng, kể cả trong khu vực 16m50, lập tức các cầu thủ Tây Ban Nha dồn lên áp sát nhằm hoặc dập tắc các cuộc tấn công của đội Maroc từ khi mới bắt đầu thực hiện, hoặc ép các cầu thủ Maroc phải triển khai tấn công bằng cách đá dài từ dưới sân nhà lên. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các cầu thủ Maroc trong nỗ lực cầm bóng phối hợp tấn công. Họ không muốn phát dài lên vì như thế sẽ đẩy vào tình huống tranh chấp bóng 50/50. Nhưng phối hợp kiểm soát bóng từ sân nhà lên quá khó khăn khi bị các cầu thủ tấn công Tây Ban Nha áp sát. Để thêm địa chỉ phối hợp cầm bóng, các cầu thủ Maroc đã huy động cả thủ môn dùng chân tham gia phối hợp bất chấp rủi ro có thể xảy ra.

Có vẻ tính tổ chức của các cầu thủ Maroc không tốt bằng các cầu thủ Nhật Bản, đặc biệt là trong việc tổ chức bẫy việt vị, thể hiện trong hiệp 1 số lần bẫy việt vị thành công không nhiều, nhưng có hơn 1 lần bẫy việt vị của các cầu thủ Maroc sập trượt. Bù lại, kỹ thuật cá nhân, tốc độ của các cầu thủ Maroc rất tốt, tốt không kém các cầu thủ Tây Ban Nha. Và có vẻ họ dựa vào điều đó để xây dựng lối đá chống đỡ lại các cuộc tấn công của các cầu thủ Tây Ban Nha cũng như cầm bóng phối hợp tìm kiếm cơ hội qua các đợt phản công, đặc biệt từ 2 cánh, nơi họ có cầu thủ chạy cánh rất nhanh và khéo.

Hiệp 2, khi cảm thấy không thể xuyên phá hàng phòng ngự Maroc bằng các đường phối hợp bật tường giống như đã làm với Costa Rica được, các cầu thủ Tây Ban Nha liền thực hiện nhiều hơn các đường chuyền trung bình vào khu cấm địa, nhưng cũng không tạo được các cơ hội đáng kể. Các cầu thủ Maroc co cụm ở 1/2 sân nhà để phòng ngự. Họ ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công của đối thủ và sẵn sàng đưa ra các cuộc phản công. Các cầu thủ Tây Ban Nha khá bế tắc trong việc tiếp cận cầu môn Maroc. Giải pháp pressing cũng không nhiều hiệu quả vì kỹ thuật cá nhân, sự tự tin cầm bóng thoát pressing của các cầu thủ phòng ngự Maroc cũng rất tốt.

Nhưng kể cả các cầu thủ Tây Ban Nha cướp được bóng, thì các đợt tấn công nhanh, tranh thủ khi các cầu thủ tấn công Maroc chưa kịp lui về của các cầu thủ Tây Ban Nha cũng không ồ ạt như hiêp 1, bởi số cầu thủ tham gia các đợt tấn công này của Tây Ban Nha cũng không nhiều. Có vẻ do tính chất của trận đấu, Luis Enrique, HLV ĐT Tây Ban Nha cũng không muốn mạo hiểm. Nửa cuối hiệp 2, các cầu thủ Tây Ban Nha cũng không dâng cao áp sát các cầu thủ hậu vệ Maroc khi họ khởi động các cuộc tấn công nữa. Chính nhờ thế, các cầu thủ Maroc đã đẩy cao đội hình tổ chức tấn công, làm cho thế trận của 2 đội có vẻ ngang bằng hơn. Sự đáng sợ của đội Tây Ban Nha chính là sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng và nhuần nhuyễn, khi vì một lý do nào đó, họ không làm được điều đó, sức mạnh của họ giảm đáng kể. Họ không có các nhân tố, các giải pháp thay thế hiệu quả, kiểu như sút xa hay phối hợp lật bóng đánh đầu. Và trận đấu này không phải là lần đầu tiên trong giải đấu này các cầu thủ Tây Ban Nha gặp phải tình trạng này.

Kết thúc 0 - 0 sau 90 phút thi đấu chính thức, 2 đội bước vào hiệp phụ. Đội Tây Ban Nha vẫn cầm bóng nhiều hơn, nhưng cơ hội rõ nhất đầu tiên lại thuộc về các cầu thủ Maroc sau 1 pha phối hợp và dứt diểm cận thành, rất may là thủ môn Tây Ban Nha đã phá bóng ra. Cuối hiệp phụ thứ 2, các cầu thủ Tây Ban Nha đã bỏ lỡ cơ hội khi đưa bóng chạm cột dọc khung thành đối phương. Hai đội bước vào loạt đá luân lưu để phân thắng bại. Kết quả, đội Maroc đã lần đầu tiên lọt vào tứ kết 1 kỳ World Cup.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem