Phòng tránh các bệnh không lây nhiễm: Liều thuốc “sống lành mạnh”

Diệu Linh Thứ hai, ngày 27/04/2015 08:08 AM (GMT+7)
Mắc ung thư, tim mạch, đái tháo đường, suy thận… gần như là “búa tạ” giáng lên các gia đình, người bệnh mất sức lao động, của cải trong nhà đội nón ra đi. Trong khi cách phòng ngừa bệnh không lây nhiễm (KLN) lại đơn giản, dễ dàng. 
Bình luận 0

Bệnh chồng bệnh

Chị Nguyễn Thị Hòe (40 tuổi, Bắc Kạn) cho biết, chị luôn ăn ngủ tốt nên chủ quan với sức khỏe của mình. Chỉ đến khi thấy mình gầy rộc, đi tiểu nhiều lần chị mới đi khám bệnh thì biết bị đái tháo đường. Không những thế chị còn bị huyết áp cao, phải điều trị 2 bệnh cùng lúc.

img
Đo huyết áp và đường huyết dự phòng bệnh không lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai.   Tuấn Kiệt 

Sống ở quê nhưng gia đình chị cũng làm nghề buôn bán, kinh tế khá giả nên việc sinh hoạt, ăn uống rất tùy tiện. Chị thường bỏ ăn sáng rồi lại ăn bù các món ngọt, do đó chỉ cao 1m55 nhưng chị nặng tới gần 70kg. “Công việc buôn bán ở chợ cũng rất bận rộn nên tôi làm gì có thời gian tập thể dục. Nào ngờ bác sĩ bảo bỏ ăn sáng, ăn nhiều món ngọt, thừa cân, lười vận động lại chính là lý do khiến tôi mắc nhiều bệnh như vậy” - chị Hòe chia sẻ.

Bác sĩ Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, tỷ lệ người mắc đái tháo đường tại Việt Nam tăng 200% trong 10 năm qua, trong khi thế giới chỉ tăng 54% trong vòng 20 năm. Ngày càng nhiều các bệnh nhân trẻ bị mắc đái tháo đường tuýp 2 vì lối sống không lành mạnh. Đáng tiếc nhiều bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn, phải chịu các biến chứng mù lòa, hoại tử chi phải cắt bỏ.

TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu như trước đây y tế Việt Nam tập trung phòng ngừa các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu chảy, sởi, thủy đậu… thì hiện nay phải tập trung vào các bệnh KLN do mức gia tăng trầm trọng, chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Các bệnh KLN đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.

Một nghiên cứu khác của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, hơn 60% bệnh nhân đi bệnh viện để điều trị các bệnh KLN. Rất nhiều người khi phát hiện bệnh đã có nhiều biến chứng (suy tim, suy thận, cao huyết áp, hoại tử chi, mù lòa, tai biến mạch máu não), thậm chí nhiều người tử vong trước khi được điều trị.

Nguy cơ có thể tránh

“Có không ít người mắc cùng lúc nhiều bệnh KLN. Đây đều là các bệnh nặng, phải điều trị lâu dài, tốn kém. Người bệnh cũng mất sức lao động, ảnh hưởng đến chất lượng sống, nhiều gia đình bị nghèo hóa vì có người nhà bị một trong những bệnh này nhưng nguy cơ hoàn toàn có thể tránh được” - TS Phu cho biết.

Quan điểm

Tiến sĩ Trần Đắc Phu
  Bệnh KLN không do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm gây ra, cũng không lây truyền từ người này sang người khác mà diễn tiến trong thời gian dài. Người mắc bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, phải điều trị lâu dài, nguy cơ tàn tật cao. Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng được bằng lối sống lành mạnh”  
Theo tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Lợi – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân huyết áp cao hầu hết đều đến từ lối sống như hút thuốc lá, uống rượu, ăn mặn, ngồi một chỗ quá lâu, lười vận động, thừa cân béo phì. “Tăng huyết áp có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ… khiến bệnh nhân không bỏ mạng thì cũng chịu các biến chứng nghiêm trọng, mất sức lao động, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Trong khi đó các nguyên nhân tăng huyết áp đều có thể dự phòng được” – TS Lợi cho biết.

Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh KLN khác như đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

Xét về mặt lối sống, các chuyên gia y tế nhận định tỷ lệ người uống rượu, hút thuốc ở Việt Nam rất cao: Khoảng 16 triệu người hút thuốc, xấp xỉ 18 triệu nam giới (70% số nam giới) đang uống rượu bia, trong đó cứ 4 người uống rượu thì có 1 người nghiện (uống trên 6 cốc bia/ngày). Ngoài ra còn nghịch lý nữa là dù ở nước nông nghiệp nhưng rất nhiều người ăn thiếu rau/trái cây, lười vận động. Ước tính khoảng 7 triệu người đang bị thừa cân béo phì.

“Người dân cần phải nắm rõ các nguy cơ mắc bệnh KLN để kịp thời phòng ngừa cho mình. Chỉ cần bỏ hút thuốc, hạn chế uống bia rượu, vận động khoảng 30 phút mỗi ngày (đi bộ), ăn nhiều rau, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn… đã có thể giúp mình và gia đình tránh được nguy cơ bệnh tật” - TS Phu cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem