Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Evolution Applications, bức xạ từ vụ rò rỉ phóng xạ tại Chernobyl đã dẫn đến sự thay đổi màu da của loài ếch cây phương Đông (Hyla orientalis) ở Ukraine, chuyển từ xanh sang đen.
Các tác giả viết trong bài báo: "Tại các khu vực có mức bức xạ cao, màu da của ếch trở nên sẫm hơn thông thường".
"Ếch cây sống trong vùng ảnh hưởng của Chernobyl có màu da lưng sẫm hơn đáng kể so với ếch sống ở khu vực bên ngoài", bài báo nhấn mạnh.
Lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị tan chảy và phát nổ vào ngày 26/4/1986. Vụ việc đã khiến các chất ô nhiễm phóng xạ trong không khí được giải phóng và thổi bay khắp Ukraine cũng như phần lớn các nước châu Âu lân cận.
Các đồng vị phóng xạ này giải phóng bức xạ ion hóa, có thể va chạm với DNA gây ra đột biến gen. Những đột biến này có khả năng dẫn đến ung thư và tử vong, con cái bị dị tật, hoặc trong một số trường hợp hiếm hoi, những đột biến không có hại sẽ được truyền sang thế hệ tiếp theo. Đây là một dạng tiến hóa do bức xạ.
Theo bài báo, các yếu tố tác động mạnh, chẳng hạn như bức xạ của Chernobyl hoặc các chất ô nhiễm môi trường, trước đây đã được chứng minh là có khả năng tạo ra các phản ứng thích ứng nhanh, bao gồm cả ở cá và thực vật.
Trong trường hợp của ếch cây Ukraine, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng màu sẫm hơn có thể là phản ứng thích nghi để bảo vệ ếch khỏi lượng bức xạ lớn.
"Màu da tối có thể bảo vệ ếch chống lại các nguồn bức xạ khác nhau bằng cách trung hòa các gốc tự do và giảm tổn thương DNA, đặc biệt là sắc tố melanin được sử dụng như một cơ chế đệm chống lại bức xạ ion hóa", bài báo phân tích.
"Đó có thể là nguyên nhân khiến màu da của ếch cây Chernobyl tối hơn", các tác giả viết trong bài báo.
Melanin là nguyên nhân gây ra màu da sẫm và tạo nên màu mắt của nhiều loài động vật, bao gồm cả con người, đồng thời có thể làm giảm tác động tiêu cực của bức xạ. Melanin hấp thụ và tiêu tán một phần năng lượng bức xạ, bảo vệ chúng ta khỏi tia cực tím, và đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ chống lại các bức xạ ion hóa khác ở nấm.
Các tác giả đã viết trong một bài báo trên Conversation: "Ngoài ra, melanin có thể quét và trung hòa các phân tử ion hóa bên trong tế bào, chẳng hạn như các loại oxy phản ứng, từ đó làm giảm khả năng những người tiếp xúc với bức xạ bị tổn thương tế bào và tăng cơ hội sống sót của họ".
"Về bản chất, trái ngược với việc đột biến ngẫu nhiên để chuyển sang màu đen do bức xạ, những con ếch có thể đã tiến hóa khả năng chống lại bức xạ", báo cáo lưu ý.
Các tác giả kết luận: "Cần có những nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu vấn đề này".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.