Phú Thọ: Dồn lực nâng tầm thương hiệu cây "đắng chát", cứ có khách là mang ra mời

Tuấn Trung Thứ sáu, ngày 24/07/2020 06:11 AM (GMT+7)
Được xem là "cái nôi" của ngành chè Việt Nam, tuy nhiên, trong một thời gian dài, chè Phú Thọ vẫn còn mờ nhạt trong mắt người tiêu dùng. Nhận thấy điều đó, vài năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng vào việc nâng tầm thương hiệu, đưa cây chè trở thành cây mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh với những cách làm riêng.
Bình luận 0
Phú Thọ: Dồn lực nâng tầm thương hiệu cây "đắng chát", cứ có khách là mang ra mời - Ảnh 1.

Ngoài rừng cọ, nhắc đến Phú Thọ không thể thiếu đồi chè

Đánh thức tiềm năng từ những đồi chè, tuân thủ "1 tôm 2 lá"

Nhắc đến Phú Thọ, người dân thường nhớ ngay đến câu ca "rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt". Con số 16.000ha chè, cùng những giống chè nổi tiếng như chè tím Thanh Ba, chè Shan tuyết Tân Sơn… đã phần nào minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên, có một nghịch lý là, thương hiệu chè Phú Thọ vẫn chưa được ghi nhận nhiều trong mắt người tiêu dùng.

Tìm hiểu được biết, những năm trước, người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chủ yếu trồng những giống chè cũ phục vụ cho sản xuất chè đen xuất khẩu, thu nhập không cao khiến người dân không mặn mà với cây chè.

Nhằm khắc phục những hạn chế đó, vài năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững như: Đưa ra chính sách khuyến khích người dân mở rộng diện tích, trồng những giống chè có năng suất, chất lượng. Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ còn xây dựng nhiều làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè đảm bảo chất lượng.

Ông Đặng Đình Thành - Giám đốc HTX chè an toàn Văn Miếu cho biết, việc thành lập HTX nhằm đến mục tiêu liên kết các HTX khác với nhau, qua đó sẽ tạo nên những thế mạnh vượt trội so với việc phát triển theo hộ. Các hộ tham gia HTX sẽ đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, giúp đầu ra ổn định khi sản phẩm bán ra thị trường, có xuất xứ rõ ràng thông qua việc truy xuất nguồn gốc.

Phú Thọ: Dồn lực nâng tầm thương hiệu cây "đắng chát", cứ có khách là mang ra mời - Ảnh 2.

Thu hoạch chè bằng phương pháp thủ công theo tiêu chuẩn "một tôm hai lá"

Cũng theo ông Thành, hiện HTX xã chè Văn Miếu quản lý hơn 20ha chè và liên kết với 70ha của các hộ trong xã để sản xuất chè an toàn. HTX thực hiện nghiêm ngặt việc sản xuất chè an toàn với nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo theo tiêu chuẩn "một tôm hai lá", hái hoàn toàn bằng tay, cùng với kỹ thuật chế biến chuyên nghiệp để cánh chè xoăn và giữ được màu sắc đẹp.

Theo bà Đinh Thị Kiều An - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, trước đây, nhiều người dân trong huyện không mặn mà với cây chè. Nhiều nương chè đất cằn cỗi không phát triển được do sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không đúng quy trình.

"Để phát triển cây chè theo hướng bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Thanh Sơn đã tập trung hướng dẫn người dân cách cải tạo đất, sử dụng phân bón hữu cơ, cách trồng mới, thay thế giống chè cũ năng suất thấp chuyển sang trồng cây chè giống chất lượng cao. Nhờ đó, năng suất và chất lượng cây chè dần được nâng lên, đến nay trung bình đạt 13 tấn/ha", bà An cho biết thêm.

HTX chè Phú Thịnh (xã Phú Hộ, TX.Phú Thọ) là một trong những điển hình về phát triển và xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ. Sau nhiều năm xây dựng, đến nay HTX này đã quy hoạch được vùng sản xuất chè tập trung với diện tích hơn 22ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 500 tấn chè búp tươi, cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn chè xanh thương phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc HTX chè Phú Thịnh chia sẻ, sau khi được thành lập (2017), HTX đã liên kết với Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cung ứng những giống chè mới có năng suất chất lượng thay thế những giống chè cũ kém chất lượng. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn để bà con tham gia vào quy trình sản xuất chè sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP và chăm sóc theo quy trình VietGAP.

Phú Thọ: Dồn lực nâng tầm thương hiệu cây "đắng chát", cứ có khách là mang ra mời - Ảnh 3.

Ngoài nhân rộng diện tích, Phú Thọ chú trọng vào xây dựng thương hiệu chè sạch với chất lượng tốt

Tìm lại chỗ đứng, giúp người trồng có thu nhập 30-40 triệu/ha

Hiện nay, sản phẩm chè xanh của HTX chè Phú Thịnh đã có chỗ đứng trên thị trường, giá trị sản phẩm ngày càng được tăng cao, thu nhập của các thành viên được nâng lên rõ rệt. Người dân đã thực sự coi cây chè là cây mũi nhọn, cây xóa đói, giảm nghèo.

Phú Thọ hiện có hơn 16.000ha chè, năng suất đạt 118 tạ/ha; sản lượng đạt hơn 185.000 tấn/năm; tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt 75,3%. Thực tế cho thấy việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương đúng đắn của tỉnh Phú Thọ, cây chè vẫn khẳng định là một trong những cây trồng ổn định đem lại thu nhập bình quân đạt 30-40 triệu đồng/ha.

Bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pakistan..., trên địa bàn đã bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ, thực hiện tái cơ cấu ngành chè, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát, sắp xếp cơ sở chế biến và tổ chức sản xuất.

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 55 doanh nghiệp chế biến chè có công suất trên một tấn búp tươi/ngày. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mới công nghệ sao, sấy, phân loại chè trong chế biến chè xanh và chè đen đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, Phú Thọ còn có 14 HTX, 18 làng nghề, một trang trại sản xuất, chế biến chè và gần 900 cơ sở chế biến thủ công nhỏ lẻ.

Phú Thọ: Dồn lực nâng tầm thương hiệu cây "đắng chát", cứ có khách là mang ra mời - Ảnh 4.

Phú Thọ: Dồn lực nâng tầm thương hiệu cây "đắng chát", cứ có khách là mang ra mời - Ảnh 5.

Khi đến đồi chè Long Cốc, ngoài được chiêm ngưỡng cảnh đẹp như chốn thần tiên, du khách còn được thưởng thức những ly trà đậm đà thơm ngon.

Ngoài ra, một số nhà máy chế biến đã liên kết sản xuất với các HTX, nhóm hộ trồng chè đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng chè thành phẩm. Trong đó có nhiều doanh nghiệp, làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè xanh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Theo ông Sơn, hiện tỉnh Phú Thọ đã có hơn 3.300ha chè được sản xuất theo quy trình toàn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% cơ sở chế biến chè búp tươi có vùng nguyên liệu hoặc ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đủ cho chế biến chè xanh. Đây cũng là điểm "then chốt" để đưa sản phẩm chè Đất Tổ bay xa hơn trên thị trường quốc tế…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp các cơ sở chế biến; đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng thu nhập người sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem