Phần lớn các câu chuyện sử viết về Phú Yên đều bắt đầu từ năm 1578, khi chúa Tiên - Nguyễn Hoàng sai Lương Văn Chánh chiêu mộ lưu dân đưa đến đất Cù Mông, Bà Đài, Đà Rằng để khẩn hoang lập nghiệp.
Tuy nhiên, mảnh đất này có lịch sử rất lâu trước đó từ khi còn tên gọi Aryaru (tiểu quốc Hoa Anh), sau trở thành vùng đất trấn biên (vùng đệm ngăn cách giữa hai lãnh thổ) và đến khi lập thành dinh Trấn Biên.
Phú Yên với vị trí địa lý, quá trình hình thành, phát triển và cơ duyên đặc biệt, ngày nay đã trở thành vùng đất đậm dấu ấn lịch sử và tôn giáo.
Tiểu quốc Aryaru - vùng đất trấn biên - Phú Yên
Tiểu quốc Aryaru (tiểu quốc Hoa Anh) nằm trong vùng thung lũng sông Ba và sông Ngân Sơn, chắn ở hai đầu theo hướng bắc - nam là hai dãy núi cao hiểm trở Cù Mông và Đại Lãnh.
Nhiều nhà nghiên cứu thống nhất kinh thành của Aryaru ban đầu là nằm ở hạ lưu sông Ngân Sơn và vùng ven bến đò Cổ Lũy, nay là cảng Tiên Châu, trước khi dịch chuyển về phía nam hạ lưu sông Ba.
Khu vực này bao gồm các xã An Thạch, An Dân, An Ninh Đông, An Ninh Tây thuộc huyện Tuy An ngày nay. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra chứng tích khá quan trọng để khẳng định qua các di khảo tại Tuy An, cho biết dưới nền của chùa Phật Thánh (xã An Ninh Tây) hiện tại là một nền gạch Chăm cổ và di tích 500 ngôi mộ cổ ở núi A Man (xã An Thạch) có hình thái gần giống mộ Chăm truyền thống.
Năm 1611, khi thấy vùng đất mới đã phát triển quy mô và rộng khắp, chúa Nguyễn Hoàng sai Chủ sự Văn Phong vào lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, nguyên nhân bởi có một số dân bản địa nổi lên xâm lấn biên cảnh.
Phủ Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam thống quản và Văn Phong được cử làm lưu thủ cai trị phủ Phú Yên. Sử liệu nhà Nguyễn, ghi lại về sự kiện này như sau: “Tân Hợi, năm thứ 54 [1611], bắt đầu đặt phủ Phú Yên.
Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa Nguyễn sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được [đất ấy], bèn đặt làm một phủ, cho 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy…”.
Sách Đại Nam Thực Lục ghi nhận vào năm 1629: “… Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh (con trưởng Mạc Cảnh Huống vương tử hậu duệ nhà Mạc) được cử đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên…”.
Như vậy, đến năm 1629, xứ Đàng Trong có 7 dinh, thêm dinh Phú Yên, được gọi là dinh Trấn Biên, nơi được xem là rào giậu xa nhất về phía nam của Đại Việt thời đó. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh là quan trấn thủ đầu tiên của dinh trấn này.
Theo nhà sử học Đào Duy Anh, lúc đầu Phú Yên thuộc dinh Quảng Nam, năm 1739, mới lập thành dinh Trấn Biên sau là Phú Yên. Cũng theo Đào Duy Anh, huyện Đồng Xuân thời ấy nay là các huyện Đồng Xuân, Tuy An và một phần huyện Sơn Hòa; Tuy Hòa là vùng đất còn lại của Phú Yên ngày nay.
Và chắc chắn, Tuy An từng là một thủ phủ của Phú Yên trong cả ba giai đoạn: thời tiểu quốc Aryaru, khi là vùng đất trấn biên và lúc chính thức lập dinh Trấn Biên - Phú Yên.
Cái nôi của Phật giáo đàng trong
Hơn 400 năm hình thành và phát triển của Phú Yên, Phật giáo luôn có mặt và cùng thịnh suy theo lẽ phế hưng của thế sự thăng trầm. Từ trước đến nay, tăng già Việt Nam luôn xem Phú Yên là vùng đất Tổ.
Người ta thường nhắc đến Tổ đình Từ Quang, Trung tâm Phật học của tỉnh Phú Yên và cũng là chiếc nôi đào tạo tăng tài của Phật giáo miền Trung trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Và không biết tự bao giờ trong dân gian đã lưu truyền câu nói: “quan Quảng Ngãi, sãi Phú Yên” hay là “Huế dòng quan, Bắc dòng vua/ Bình Định hát bội, thầy chùa Phú Yên”. Điều này cho thấy tại đất Phú Yên, Phật giáo rất hưng thịnh và đã hun đúc nên nhiều vị cao tăng đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà.
Dân gian cũng có câu “Muốn tu Phật thì về Phú Yên. Muốn tu Tiên thì sang Bảy Núi”. Phú Yên được mệnh danh là vùng đất Phật, nơi sinh ra thiền sư Liễu Quán, vị thiền sư trác việt biệt kệ truyền thừa lập nên một dòng thiền mới đậm nét Việt Nam, đó là dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán.
Nếu thiền sư Chân Nguyên là nhân vật chủ chốt phục hưng Phật giáo Ðàng Ngoài, thì thiền sư Liễu Quán được xem là vị lãnh đạo chư tôn đức danh tăng đạo hạnh đã có công hưng thịnh Phật giáo xứ Đàng Trong.
Phật giáo ở Ðàng Trong vốn trước đó mang nặng màu sắc Quảng Ðông (Trung Hoa), thiền sư Liễu Quán đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế, trở thành thiền phái của đa số phật tử Ðàng Trong.
Bốn vị đệ tử của ngài là Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu đã lập ra bốn trung tâm hoằng đạo lớn và hàng chục tổ đình được tạo dựng khắp Ðàng Trong trong thế kỷ XVIII. Phong trào Phật giáo phục hưng ở thế kỷ XX đã dựa trên cơ sở của môn phái mang tên thiền sư Liễu Quán, một người sinh ra trên đất Phú Yên.
Nơi khởi tích của Thiên chúa giáo
Năm 1636, vợ của quan trấn thủ dinh Trấn Biên Nguyễn Phúc Vinh, bà Nguyễn Phúc Ngọc Liên, là trưởng nữ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, đã rửa tội sang Đạo Kito với thánh hiệu là Maria Madalena. Bà Maria Madalena rất sốt sắng và nhiệt thành với việc truyền giáo.
Ngoài việc xây dựng một nhà nguyện công cộng ngay trong dinh quan Trấn thủ, bà còn là người sáng lập các hoạt động từ thiện bác ái xã hội Công giáo tại Việt Nam.
Bà đã lập ra nhà thương Công giáo đầu tiên tại Phú Yên, để săn sóc, cứu chữa người bệnh. Hằng ngày, nhiều giáo dân tham gia công cuộc từ thiện bác ái Công giáo này với bà, nên đã giúp được rất nhiều người đến với Công giáo. Tính đến tháng 2/1640, theo bản thống kê của các giáo sĩ, số giáo dân miền Trung lên đến 15.000 tín hữu.
Ngày 29/3/1641, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) từ Đà Nẵng vào Phú Yên, được quan trấn thủ tiếp đón rất tử tế. Trong hai tháng, giáo sĩ đã đi thăm tất cả các làng lân cận trong vùng Tuy An, nay thuộc xã An Thạch và An Cư.
Khi đó, bà Gioanna, dẫn cậu con út (sinh năm 1625) là Anrê, 16 tuổi đến gặp cha Đắc Lộ xin rửa tội. Cậu được bà Maria Madalena Ngọc Liên nhận là mẹ đỡ đầu và tổ chức lễ Rửa tội cho cậu tại dinh quan trấn thủ. Anrê đã chịu ảnh hưởng khá lớn nơi bà mẹ đỡ đầu.
Vậy có thể hiểu Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Liên là mẹ đỡ đầu của Á Thánh Anrê; là người có công trong việc xây dựng nhà nguyện Kito giáo đầu tiên ở Phú Yên ngay trong dinh Trấn biên và truyền giáo đến mọi người. Từ đó, nhóm giáo hữu đầu tiên đã hình thành.
Năm 1892, linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân) khởi công xây dựng nhà thờ Mằng Lăng và trở thành linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này.
Kiến trúc nhà thờ Mằng Lăng là sự tổng hòa của văn hóa Champa, Kito và Phật Giáo, rõ nhất là biểu tượng ở hai bên phía trước, đó là 1 cái chum của người Chăm và một đóa hoa sen biểu tượng của Phật giáo.
Chốn dung thân của những người minh hương
Trị sở dinh Trấn Biên Phú Yên lúc bấy giờ đặt ở thôn Hội Phú, gần cảng thị Tiên Châu (nay thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), trong dân gian gọi là Thành cũ để phân biệt với Thành mới là thành An Thổ xây dựng vào năm 1836.
Nằm ở vị trí gần trị sở của dinh Trấn Biên nên Tiên Châu có điều kiện phát triển nhanh chóng, trở thành một cảng thị đóng vai trò quan trọng trao đổi hàng hóa trên con đường thương mại ven biển xứ Đàng Trong thời bấy giờ.
Lúc này thương nhân người Việt chuyên chở hàng hóa trên các ghe bầu xuất phát từ các dinh phía bắc như Quảng Nam dinh, Bố Chính dinh, Quảng Bình dinh vào Trấn Biên buôn bán. Hàng hóa đem đến trao đổi chủ yếu là vải vóc, sắt thép, nông cụ lao động và những vật dụng cần thiết cho nhu cầu đời sống hàng ngày của Nhân dân và các quan lại ở đây.
Sau đó, các thương lái gom mua các sản vật địa phương mang đi như mật ong, sừng tê, sa nhân, cao hổ, lông thú, mía, đường, cau, bông, gốm Quảng Đức… Trong hoạt động thương mại nội địa, cảng thị Tiên Châu đóng vai trò là đầu mối xuất phát và điểm dừng chân của các thương lái trên tuyến vận chuyển hàng hóa dọc sông Cái trước khi đến các vùng núi miền tây Phú Yên.
Vào khoảng thế kỷ thứ XV, XVI, từ Trung Hoa có nhiều người Minh Hương bỏ xứ xuôi thuyền về phương Nam xin các chúa Nguyễn được định cư vì bất mãn và bị nhà Thanh truy kích phải rời quê hương. Ngoài Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Hà Tiên và Hội An thì vùng đất Tuy An mà cụ thể là cảng Tiên Châu là chốn cập bến của những đoàn tàu Minh Hương.
Sang thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đội ngũ thương nhân người Hoa tham gia vào tuyến đường buôn bán này, do đó Tiên Châu càng có điều kiện phát triển trở thành cảng thị sầm uất cùng với các cảng thị khác ven biển miền Trung như Hội An, Nước Mặn, Cù Huân.
Với lịch sử hình thành gắn liền với dấu ấn đặc biệt liên quan đến tôn giáo, có thể nhận định rằng còn rất nhiều điều thú vị ở Phú Yên đang chờ các nhà nghiên cứu và du khách tìm đến vùng đất này nếu chúng ta biết cách bảo tồn, khai thác và phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.