Qua đỉnh dịch, ngành y tế TP.HCM bộc lộ nhiều điểm yếu

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 30/10/2021 04:33 AM (GMT+7)
Chiều 30/10, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt dịch lần thứ 4.
Bình luận 0
Qua đỉnh dịch, TP.HCM bộc lộc rõ những điểm yếu của ngành y tế - Ảnh 1.

Trung tâm hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện Quốc tế City. Ảnh: BVCC

Đỉnh dịch kéo dài hơn 2 tháng

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, thành phố đã trải qua thời khắc cam go, khốc liệt nhất trong lịch sử. Với hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch, đây là cuộc huy động lớn nhất trong lịch sử của ngành y tế.

PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết dịch bệnh ở thành phố bắt đầu có chuyển biến tích cực từ ngày 1/10. Hiện tại, số ca F0 mới, ca bệnh nặng và tử vong đã giảm rõ rệt. Số người ra viện cao hơn nhập viện mỗi ngày. Thành phố có khoảng 60% F0 chăm sóc tại nhà và 30% điều trị tại bệnh viện.

"Có thể khẳng định, TP.HCM đã vượt qua đỉnh dịch. Đỉnh dịch ở thành phố đã kéo dài hơn 2 tháng, đó là thời gian rất nặng nề đối với ngành y tế", ông Thượng nói.

Nhìn lại thời gian chống dịch vừa qua, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết qua những kinh nghiệm cũng như giúp sức từ Trung ương, công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đi đúng hướng.

Từ Bệnh viện dã chiến số 1, thành phố thành lập thêm đến 16 bệnh viện dã chiến. Từ số giường oxy chỉ khoảng 2.000, hiện toàn thành phố có 13.000 giường oxy điều trị Covid-19.

Hàng loại trang thiết bị y tế cũng được tăng cường. Đặc biệt, TP.HCM nhận được sự chi viện chưa từng có, với gần 25.000 cán bộ, nhân viên y tế trong cả nước.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ca bệnh đầu tiên mở đầu đợt bùng phát lần 4 ở thành phố là bệnh nhân liên quan F0 ở Hà Nam. Từ giữa tháng 5, thành phố phát hiện thêm 2 F0 đầu tiên nhiễm biến chủng Delta, ở quận 7 và TP.Thủ Đức. Sau đó, dịch tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh chóng từ ổ dịch điểm nhóm truyền giáo quận Gò Vấp.

Chỉ từ tháng 5 đến tháng 8, dịch ở TP đã chuyển từ cấp độ 1 sang cấp độ 4. Đỉnh dịch từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9. Thành phố đã trải qua 4 giai đoạn giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau.

Những yếu kém của ngành y tế

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu của ngành y tế thành phố trong công tác ứng phó với dịch bệnh.

Đầu tiên là công tác dự báo chưa theo kịp diễn biến của dịch bệnh. Biến chủng Delta đã được cảnh báo từ sớm nhưng việc dự báo chưa theo kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh để có phương án ứng phó phù hợp.

Qua đỉnh dịch, TP.HCM bộc lộc rõ những điểm yếu của ngành y tế - Ảnh 3.

Lấy mẫu xét nghiệm người dân quận Gò Vấp liên quan đến ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng. Ảnh: B.D

Điểm yếu thứ 2 là công tác xét nghiệm. Đầu đỉnh dịch, kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR là phương pháp xác định F0 chủ yếu nhưng kỹ thuật này không bắt kịp tốc độ lây lan quá nhanh của chủng Delta.

"Tốc độ lây nhiễm càng cao, dịch lan sâu vào trong cộng đồng. Có thời điểm thành phố lấy mẫu rất nhiều nhưng kết quả trả về khá trễ. Điều này làm mất đi ý nghĩa của việc bóc tách F0 khỏi cộng đồng", TS Châu nhìn nhận.

Điểm yếu thứ 3 là những hạn chế trong việc tiêm vaccine. Việc triển khai tiêm chủng trong thời gian ngắn, huy động đội ngũ từ nhiều nơi nhưng khả năng các đội tiêm không đồng đều, công tác nhập số liệu chưa đảm bảo, tuân thủ giãn cách ở người đến tiêm chưa tốt.

Thứ 4 là cách ly tập trung toàn bộ F0 gây quá tải. Trước tháng 7, Bộ Y tế và thành phố chủ trương tất cả F0 đều cách ly tập trung. Tuy nhiên, khi F0 tăng quá nhanh, hàng loạt bệnh viện dã chiến liên tiếp được hình thành nhưng không đáp ứng kịp dẫn đến nhiều F0 không được chăm sóc toàn diện, chuyển viện kịp thời và tử vong.

Tuy nhiên, F0 được cách ly, điều trị tại nhà cũng bộc lộ những hạn chế từ năng lực y tế cơ sở. Nhiều F0 tại nhà cũng không được chăm sóc đầy đủ. Lãnh đạo ngành y tế nhìn nhận hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức khiến F0 quá tải và tăng nguy cơ tử vong.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả, từ phần mềm khai báo y tế, tiêm chủng vccine... dẫn đến nhiều trục trặc liên quan.

Qua đỉnh dịch, TP.HCM bộc lộc rõ những điểm yếu của ngành y tế - Ảnh 4.

Nhiều bệnh viện dã chiến quá tải trong giai đoạn đầu của đỉnh dịch. Ảnh: BVCC

Theo TS Châu, những điểm yếu này xuất phát từ thực tế đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra nên chưa ứng xử kịp thời. Bên cạnh đó, dân số TP.HCM đông khiến dịch lây nhanh nhanh trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, hệ thống y tế cũng chưa dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập trước đó. Hệ thống y tế cơ sở, y tế cộng đồng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia. Ứng dụng công nghệ thông trong công tác phòng, chống dịch còn manh mún, chưa khoa học và đồng bộ.

Tuy nhiên, ngành y tế TP đã áp dụng nhiều biện pháp kịp thời để từng bước ứng phó và kiểm soát dịch hiệu quả như mô hình tháp 3 tầng điều trị Covid-19, chăm sóc F0 tại nhà, trạm y tế lưu động, tư vấn F0 từ xa "1022" của Hội Y học TP.HCM, mô hình "bệnh viện chị em", bệnh viện dã chiến 3 tầng, trung tâm H.O.P.E chăm sóc trẻ em là con của sản phụ nhiễm Covid-19…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem