Quảng Nam: Lấy sức trẻ duy trì làng gốm Thanh Hà

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 12/10/2019 12:00 PM (GMT+7)
Nhờ duy trì sản xuất gốm truyền thống, cộng với phát triển làm du lịch cộng đồng của nhiều bạn trẻ giờ đây làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam) đã có những đổi thay.
Bình luận 0
Coi trọng việc truyền nghề

Đến làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An, Quảng Nam) giờ đây sẽ thấy một diện mạo đặc biệt mới với những con đường đất được bêtông hóa, hai bên đầy cây xanh, hoa cỏ. Phía ngoài bờ sông Thu Bồn được kè đá, nhiều tàu bè qua lại, vừa buôn bán vừa đưa khách đi tham quan. Nằm sát bờ sông là cơ sở sản xuất gốm gia truyền Linh Thúy - 1 trong 5 cơ sở sản xuất gốm truyền thống lâu đời có lịch sử gắn liền với làng gốm Thanh Hà.

img

  Có tới 50% lao động ở Thanh Hà tham gia ngành dịch vụ du lịch.  Ảnh: N.T

"Xu hướng lao động làm nông nghiệp ở địa phương đang giảm dần, trong khi đó tăng dần lao động làm dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp. Cụ thể chỉ có khoảng 20% lao động làm nông nghiệp, 30% làm kinh doanh thủ công nghiệp, 50% lao động làm dịch vụ du lịch”.

Ông Nguyễn Hào - Phó trưởng ban Kinh tế phường Thanh Hà (TP.Hội An, Quảng Nam)

Ông Nguyễn Viết Sơn (45 tuổi, nhân viên xưởng Linh Thúy) cho biết, nghề làm gốm được các thế hệ trong dòng họ Nguyễn truyền lại qua nhiều đời, ước chừng được 8-9 đời. Trước đây con cháu trong nhà đi làm ăn xa nhiều, chỉ có bà nội anh là nghệ nhân Nguyễn Thị Được làm gốm, nhưng từ ngày có chủ trương phát triển làng nghề gắn với du lịch con cháu trong nhà đi làm ăn xa đã trở về quê làm nghề.

“Không chỉ sản xuất gốm, cơ sở còn được hỗ trợ để xây dựng cơ sở du lịch, gắn với bảo tồn nghề truyền thống. Hiện nay, bố mẹ, anh em và cả các con tôi đều gắn bó với nghề sản xuất gốm. Bố mẹ thì trực tiếp sản xuất, tôi và các con tổ chức bán gốm cho khách nước ngoài” - ông Sơn kể.

Ông Nguyễn Lành - nghệ nhân cao tuổi nhất ở làng gốm Thanh Hà cho biết, từ lâu nghề gốm Thanh Hà vẫn tồn tại và phát triển như ngày nay là bởi các thế hệ ông cha đi trước rất coi trọng việc truyền nghề cho con cháu. Hầu như gia đình nào cũng phải có một, hai người theo nghề làm gốm. Hiện nay để duy trì, phát triển nghề làm gốm, làng Thanh Hà không chỉ đôn đốc lớp nghệ nhân truyền nghề cho con cháu mà còn mở các lớp dạy nghề, định kỳ mỗi năm mở 1-2 lớp.

Ông Nguyễn Hào - Phó ban Kinh tế phường Thanh Hà cho hay, nhờ làm tốt công tác dạy nghề, truyền nghề mà làng gốm giờ đây đã phát triển mạnh. Sau một thời gian thăng trầm, kể từ khi Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1999, làng gốm Thanh Hà cũng đã nhận được nhiều sự đầu tư quan tâm hơn.

Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch nên tỷ lệ lao động tham gia ngành này cũng tăng nhanh. Trước đây, cả làng gốm chỉ có 21 lao động với 6 cơ sở sản xuất gốm, thì hiện nay có tới 73 lao động làm nghề với 30 hộ cơ sở sản xuất gốm và kinh doanh du lịch.

Lương cao, không lo thất nghiệp

Ông Hào cho biết: “Xác định lao động chính là hồn cốt của làng nghề, chúng tôi không chỉ hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề để duy trì lao động lớp kế cận các nghệ nhân mà thành phố còn thực hiện chủ trương trích ngân sách từ nguồn thu của du lịch trên địa bàn phường trả lương cho những lao động làm nghề gốm để họ giữ nghề” - ông Hào nói.

Cụ thể, tùy từng bậc xếp loại, lao động sẽ được nhận một khoản tiền hỗ trợ tương đương với một khoản lương để sống, làm nghề. Lao động loại A, tương đương với lao động cấp bậc nghệ nhân (có thời gian gắn bó trên 30 năm), nhận hỗ trợ mức tiền là trên 9 triệu đồng người/tháng. Với lao động loại B, tức lao động lành nghề nhận hỗ trợ 6 triệu đồng/người/tháng. Còn người mới vào nghề, đang học việc trong thời gian từ 1 năm trở lên được hỗ trợ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ này có thể tăng lên nếu nguồn thu từ du lịch ở địa phương tăng lên. Lao động ngoài tiền hỗ trợ từ làng nghề còn có tiền kinh doanh từ việc sản xuất trực tiếp sản phẩm. Với những lao động loại B thì tổng thu nhập (tiền hỗ trợ làng nghề và việc kinh doanh sản xuất gốm) có thể lên tới 10 - 15 triệu đồng/tháng.

“Nhờ làm tốt bài toán quản lý, đào tạo, chăm sóc lao động gắn đầu tư nâng cao chất lượng lao động với phát triển làng nghề mà giờ đây rất nhiều lao động trẻ ở địa phương từng đi làm ăn xa đã trở về để làm nghề gốm. Nhờ vậy, linh khí của nghề gốm Thanh Hà xưa dần được hồi phục” - ông Hào nói.

Cũng theo ông Hào, thời gian tới phường sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở làng nghề thông qua việc dạy nghề, tăng cường quản lý hỗ trợ tiền lương với lao động làm nghề. Kèm theo đó là chính sách quản lý làng nghề, xây dựng thương hiệu gốm Thanh Hà, gắn với việc chỉnh trang lại diện mạo làng nghề, từ trồng hoa, chăm sóc cây xanh… làm đẹp cảnh quan để thu hút du khách tới tham quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem