Ngày 26.1, UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 gửi cho Dân Việt, trong năm 2018 huyện đã tập trung phát triển cây dược liệu trên địa bàn, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh làm cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo.
Cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, mỗi kg có thể bán đến cả 100 triệu đồng nên được người dân rất ưu chuộng
Theo đó, trong năm 2018, từ các nguồn vốn khác nhau như Nghị quyết số 202 của HĐND tỉnh đã hỗ trợ 55.000 cây Sa nhân tím, hiện diện tích 20 ha với 185 hộ trồng; Hỗ trợ 178.750 cây Đẳng sâm cho 308 hộ với diện tích 25ha; từ dự án án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ cho 112 hộ đăng ký thoát nghèo trồng cây dược liệu, với kinh phí 369.700.000 đồng;
Ngoài ra, nhân dân còn tự trồng khoảng 10 ha cây dược liệu các loại. Đến thời điểm hiện nay, nhân dân trên địa bàn huyện trồng được trên 100ha cây dược liệu các loại.
Về cây sâm Ngọc Linh, năm 2018, đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích, bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018 – 2025, với số lượng 2.100 cây sâm giống, hỗ trợ từ phương án phát triển sản xuất gần 12.000 cây và nhân dân tự trồng khoảng 100.000 – 120.000 cây, diện tích trồng mới năm 2018 khoảng 24ha.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My kiểm tra sâm Ngọc Linh tại phiên chợ sâm
UBND huyện Nam Trà My cho biết thêm: Bên cạnh trồng cây sâm Ngọc Linh nhằm mục đích bảo vệ rừng, nhưng đã có một doanh nghiệp thuê đất trồng sâm lại “tự ý” chặt ngã 5 cây gỗ rừng.
Theo đó, công tác sử dụng rừng thông qua chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, huyện Nam Trà My đã lập hồ sơ ký cam kết thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh cho 39 nhóm với 527 hộ trồng sâm. Đã có 5 công ty và 1 Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam với diện tích 197ha.
Riêng đối với Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My đã lập thủ tục và đề nghị tỉnh phê duyệt với diện tích 85ha rừng làm vườn giống gốc.
Thuê đất trồng sâm Ngọc Linh, đã có một doanh nghiệp chặt hạ 5 cây gỗ rừng - Ảnh minh họa
“Nhìn chung hầu hết các nhóm hộ, các doanh nghiệp sử dụng rừng đúng mục đích. Tuy nhiên, trong 5 công ty được phép thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm thì có Công ty Cổ phần giấy miền Trung trồng mới được 0,24ha nhưng nằm ngoài so với vị trí được phê duyệt. Bên cạnh đó, còn chặt ngã 5 cây gỗ, vấn đề này người dân rất là phản ứng.
Bên cạnh đó, hiện nay 5 công ty này trồng sâm còn rất ít so với diện tích được phê duyệt. Riêng công ty Thương mại dược Sâm Quảng Nam trồng được 6/14ha, Công ty Sâm Sâm trồng 0,4/9,9ha; Công ty Tân Nghĩa Sơn thì mới phê duyệt nhưng chưa trồng; Công ty Dược phẩm Hoa Thiên Phú thì UBND tỉnh chấm dứt hoạt động” - UBND huyện Nam Trà My báo cáo.
Theo UBND huyện Nam Trà My, trong năm 2019, huyện tiếp tục vận động nhân dân gieo ươm và trồng các loại cây dược liệu, trong đó trồng mới 300.000 cây – 500.000 cây dược liệu (khoảng 70 ha – 90 ha); trồng mới 100.000 cây sâm Ngọc Linh, trong đó nhà nước hỗ trợ theo cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh từ 5.000 cây - 10.000 cây.
Về vấn đề công ty chặt hạ 5 cây gỗ rừng, trao đổi với Dân Việt ông Đoàn Minh Phú - Đại diện Công ty Cổ phần giấy miền Trung phụ trách trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My cho biết: “Việc trồng 0,24ha nằm ngoài vị trí được phê duyệt là do hiểu lầm khi bàn giao ranh giới giữa huyện và công ty. Công ty chúng tôi được chuyển giao đến 10ha, nhưng khi trồng lấn ra ngoài ranh giới 0,24ha do lỡ trồng rồi nên không nhổ lên được, đơn vị đã xin điều chỉnh lại ranh giới.
Còn việc đón hạ 5 cây gỗ là do 5 cây gỗ này bị bão gây gãy ngọn, khô nằm cạnh nhà điều hành. Lo sợ cây ngã đổ vào nhà điều hành nên chúng tôi đã hạ xuống và giữ nguyên hiện trường, đã báo cáo với lãnh đạo huyện và Kiẩm lâm huyện”
Ông Nguyễn Đình Hoan - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Trà My xác nhận, công ty Công ty Cổ phần giấy miền Trung có chặt hạ 5 cây gỗ, nhưng do 5 cây này gãy ngọn, khô nên họ xin phép hạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.